Dấu hiệu đầu tiên của gia súc cái sắp đẻ là sự di chuyển của thai đến vị trí sinh. Trong gần hết thời gian chửa, thai nằm ngửa, đưa chân lên trên. Sau khi xoáy đến vị trí sinh, thai nằm sấp, hai chân trước đặt ở cổ tử cung và mũi của thai nằm giữa hai chân trước. Thai nằm ở vị trí bất bình thường chiếm khoảng 5 %. Những hiện tượng không bình thường có thể có như một chân hoặc cả hai chân hoặc phần đầu bị quay trở lại, hoặc đuôi hướng về cổ tử cung.
Biểu hiện bên ngoài rõ nhất là bụng sệ xuống, dây chằng mông – khum nhão gây hiện tượng “sụt mông”. Đó là do khi sắp đẻ, relaxin kết hợp với estrogen sẽ làm giãn rộng khung chậu, mở rộng đường sinh đẻ để cho thai đi ra một cách dễ dàng. Dây chằng ở quanh khấu đuôi chùng xuống làm cho phần khấu đuôi nhô lên. Âm hộ sẽ mềm hơn, lộ ra và sưng. Nước nhờn lúc ấy từ âm hộ chảy ra ngoài thành dòng vì estrogen làm cho niêm mạc cổ tử cung tiết ra niêm dịch mới.
Bầu vú căng, con cao sản có thể có sữa đầu chảy ra. Sự tăng trưởng tuyến vú có thế nhận thấy ở thời kì cuối cùng của quá trình mang thai. Đây có thể do hoạt động hiệp trợ của estrogen và progestin, chúng kích thích sự phát triển của các ống dẫn và mô tiết trong các tuyến vú. Khi sắp đẻ, các tuyến vú to ra và chúng chứa đầy sữa. Sự tổng hợp sữa là do prolactin phối hợp với một số hormone khác. Do oxytocin được phóng thích khi chuyển dạ, hiện tượng xuống sữa thường làm cho sữa ứa ra ở đầu núm vú.
Về hành vi, bò cái hay có hiện tượng giữ gìn, tìm chỗ rộng rãi thoáng đãng hay chỗ kín đáo để đứng nhằm tránh những con khác. Có hiện tượng đứng nằm không yên, đuôi thượng cong lên kèm theo rặn đẻ, càng gần lúc
đẻ thì tần số rặn càng tăng. Con vật hay đi tiểu vặt, lưng luôn luôn cong ở tư thế rặn. Quá trình rặn đẻ có thể kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ.
Hình 21. Tư thế thai bình thường trước khi đẻ.