Đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên của huyện BaVì

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 35 - 37)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1 Đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên của huyện BaVì

a) Đặc điểm tự nhiên

Ba Vì là huyện tận cùng phía Tây Bắc của Hà Nội, trên địa bàn huyện có một phần lớn của dãy núi Ba Vì chạy qua phía Nam huyện; Phía đông giáp thị xã Sơn Tây; Phía đông nam giáp huyện Thạch Thất; phía đông bắc giáp huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), ranh giới là sông Hồng; phía tây giáp các huyện Tam Nông và Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), ranh giới là sông Đà; phía nam giáp thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); phía bắc giáp thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), ranh giới là sông Hồng.

Huyện Ba Vì là một huyện bán sơn địa, diện tích tự nhiên là 428,0 km², lớn nhất Thủ đô Hà Nội. Huyện có hai hồ khá lớn là hồ Suối Hai, và hồ Đồng Mô (tại khu du lịch Đồng Mô). Các hồ này đều là hồ nhân tạo và nằm ở đầu nguồn sông Tích, chảy sang thị xã Sơn Tây, và một số huyện phía Tây Hà Nội, rồi đổ nước vào sông Đáy. Trên địa bàn huyện có vườn quốc gia Ba Vì. Ở ranh giới của huyện với tỉnh Phú Thọ có hai ngã ba sông là: ngã ba Trung Hà giữa sông Đà và sông Hồng (tại xã Phong Vân) và ngã ba Bạch Hạc giữa sông Hồng và sông Lô (tại xã Tản Hồng, đối diện với thành phố Việt Trì).

b) Đặc điểm văn hóa

Với bề dày lịch sử, Ba vì là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Cụm di tích Đền Thượng – Đền Trung – Đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, Đình Tây Đằng; Đình Chu Quyến, Đình Thụy phiêu; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9 cùng hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa có giá trị khác.

Ba Vì là vùng đất địa linh, một vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh – Mường – dao với những phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng biệt. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể Ba Vì còn là khu vực bảo tồn được khá nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc. Hàng năm, trên địa bàn huyện có khoảng 80 lễ hội truyền thống diễn ra tại các di tích đình, đền, miếu để tưởng nhớ Thành Hoàng làng của người Kinh, Tết nhảy của người Dao, nghệ thuật

đánh Cồng Chiêng của người Mường… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một khối thống nhất tạo nên cái “vị” của vùng xứ Đoài nói chung và khu vực núi Tản nói riêng.

c) Đặc điểm kinh tế, xã hội

Ba Vì có một hệ thống đường giao thông thuỷ bộ rất thuận lợi nối liền các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc với toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Từ Trung tâm huyện lỵ theo quốc lộ 32 đi Sơn Tây về Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ hoặc ngược Trung Hà đi Tây Bắc, Việt Bắc. Đồng thời cũng từ trung tâm huyện lỵ theo sông Hồng ngược Trung Hà theo sông Lô, sông Thao lên Tây Bắc, hoặc theo sông Đà đi Hoà Bình - cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc. Với những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ, Ba Vì có điều kiện khá thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa với bên ngoài, tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế với cơ cấu đa dạng: nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đặc điểm địa hình rộng, đa dạng; huyện Ba Vì còn phát huy được tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp với các loại nông sản hàng hóa chất lượng cao. Hiếm có địa phương nào có được 5 sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý gồm: Sữa Ba Vì, chè Ba Vì, Miến dong Minh Hồng, Khoai lang Đồng Thái, Gà đồi Ba Vì như ở huyện Ba Vì. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn liền với sản xuất hàng hóa chất lượng cao

Theo số liệu của phòng kinh tế UBND Huyện Ba Vì (nguồn 13)Trong những năm qua, được sự quan tâm của thành phố, sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì đã phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (2005-2010). Các mục tiêu cơ bản đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Tổng giá trị sản xuất đạt 9.116 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt 4.311 tỷ đồng tăng trưởng kinh tế đạt 16%.

- Sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản theo giá trị tăng thêm đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Nông nghiệp với hai sản phẩm đặc trưng Ba Vì đó là Chè sản lượng đạt 12.800 tấn/năm và sản lượng sữa tươi đạt 9.750 tấn/năm.

- Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Giá trị tăng thêm đạt 340 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Huyện có hai cụm công nghiệp (Cam Thượng và Đồng Giải xã Vật Lại) và 12 làng nghề đang hoạt động hiệu quả.

- Dịch vụ du lịch: Giá trị tăng thêm đạt 1.803 tỷ đồng, tăng 48,4% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 70 tỷ đồng, thu hút 1,5 triệu lượt khách đến với Ba Vì. Huyện có 15 đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch.

- Chính sách xã hội, lao động việc làm, nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quan tâm giải quyết việc làm mới cho 10.750 lao động; sự nghiệp giáo dục được quan tâm đã có 18 trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia; Công tác y tế đã có 23/31 trạm có Bác sỹ, 30/31 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Về văn hóa đã có 96 làng và 45 cơ quan đạt danh hiệu văn hóa, phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ;

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 35 - 37)