ĐÁNH GIÁ VÀ KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác Giáo dục giữa Nhật Bản và Việt Nam trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI (Trang 31 - 35)

3.1. Triển vọng quan hệ hợp tác giáo dục Nhật – Việt trong những năm tới

Trong những năm của các thập niên tiếp theo, mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ không ngừng phát triển và khởi sắc, góp phần tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và nâng tầm mối quan hệ giữa Chính phủ và nhân dân 2 nước. Một số nhân tố khởi sắc

Triển vọng gia tăng số học sinh Việt Nam tại Nhật: Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên nước ngoài đến Nhật Bản du học ngày càng gia tăng. Theo thống kê, trong tổng số sinh viên nước ngoài du học Nhật Bản, khoảng 92,4% sinh viên đến từ khu vực Châu Á, sinh viên đến từ Châu Âu chiếm 3,1%, và 1,9% sinh viên đến từ Bắc Mỹ. Việt Nam chỉ đứng thứ 4 song về tốc độ gia tăng Việt Nam đứng thứ 1 trong số các nước có lưu học sinh tại Nhật Bản. Năm 2010 có tổng cộng 3.597 sinh viên Việt Nam học ở đất nước xứ sở hoa anh đào, tăng 12,4% so với năm 2009. Đánh giá triển vọng gia tăng lượng lưu học sinh Việt Nam, có thể nói Nhật Bản đã trở thành một điểm đến lý tưởng và tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các bạn trẻ Việt Nam

Quan điểm tích cực tiếp nhận lưu học sinh của chính phủ Nhật Bản

Đối với Nhật Bản, gia tăng nhận lưu học sinh là một chính sách quan trọng của chính phủ. Ngay từ năm 1983 khi mới chỉ có 1 vạn lưu học sinh, Nhật Bản đã đề ra kế hoạch tiếp nhận 100.000 lưu học sinh, và kế hoạch này đạt được sau 20 năm. Cụ thể là năm 2003, số lượng lưu học sinh đã vượt qua 100.000 người.

Sách trắng của Bộ Khoa học giáo dục năm 2000 đã viết về vấn đề này như sau “Cùng với việc xúc tiến phát triển quốc tế hóa trong nghiên cứu và giáo dục của Nhật Bản với các nước khác. Giao lưu quốc tế thông qua lưu học sinh sẽ đem lại không khí mới cho sự hợp tác quốc tế và xúc tiến hiểu biết quốc tế hơn. Hơn nữa, đối với các nước đang phát triển đây là sự đóng góp lớn cho việc đào tạo nhân tài. Đồng thời, hi vọng rằng khi về nước

lưu học sinh sẽ là cầu nối quan trọng trong việc tăng cường, phát triển mối quan hệ hữu nghị tin tưởng lẫn nhau giữa Nhật Bản và các quốc gia khác”. Trên cơ sở này, Nhật Bản xây dựng một chính sách quan trọng nhất xuất phát từ quan điểm “cống hiến quốc tế về trí tuệ” trong xúc tiến giao lưu học sinh để phát triển tổng hợp các chính sách khác.

Trong tương lai, số lượng lưu học sinh sẽ tiếp tục tăng bởi Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch tăng số lượng sinh viên quốc tế tại nước này lên khoảng 300.000 sinh viên vào năm 2020, đồng thời hỗ trợ nguồn tài chính cho những trường đại học tiếp nhận sinh viên quốc tế. Ngày 29/7/2008, kế hoạch “300.000 lưu học sinh” đã được trình bày tại một cuộc họp nội các của Chính phủ Nhật Bản, với sự tham gia của các bộ như Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ tư pháp, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp, Bộ Lãnh thổ - Giao thông,… dưới sự chủ trì của thủ tướng lúc đó là ông Fukuda. Kế hoạch này là một phần trong chiến lược phát triển toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản trong việc mở rộng dòng chảy nguồn nhân lực, tiền tệ, hàng hóa và thông tin ở khu vực Châu Á cũng như trên thế giới... Theo đó, kế hoạch cũng hướng tới xây dựng, đóng góp trí tuệ, tri thức cho quốc tế thông qua chiến lược giành được những sinh viên quốc tế xuất sắc.

Số học sinh Việt Nam học tiếng Nhật gia tăng

Có thể thấy một điều khó khăn cho các lưu học sinh nếu muốn học tập tại Nhật Bản là phải chuẩn bị một vốn tiếng Nhật thật tốt bởi đa số các trường đại học đều dạy bằng tiếng Nhật. Giống như nhiều nước lân cận trong khu vực châu Á đã bắt đầu giảng dạy tiếng Nhật ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, Việt Nam cũng có nguyện vọng đưa tiếng Nhật vào giảng dạy chính thức tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về Nhật Bản. Đại sứ quán Nhật Bản và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã thống nhất đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại Việt Nam theo từng giai đoạn từ lớp 6 đến lớp 12 bằng việc ký kết thỏa thuận khung cho việc thực hiện “Dự án dạy thí điểm tiếng Nhật tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của Việt Nam”. Với dự án này, các trường trung học cơ sở tại Hà Nội bắt đầu đưa tiếng Nhật vào giảng dạy từ năm 2003 và đến năm 2005 tiếng Nhật đã được bắt đầu giảng

dạy như ngôn ngữ thứ nhất tại 4 thành phố là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Đến năm 2012, ngoài 4 thành phố này còn có thêm Thành phố Qui Nhơn, Tỉnh Bình Định đã bắt đầu đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Những học sinh đầu tiên học tiếng Nhật như một môn ngoại ngữ thứ nhất theo khuôn khổ dự án này đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Năm học 2012 – 2013, có 29 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc đang giảng dạy tiếng Nhật với số lượng học sinh theo học là 4.700 người và sẽ tiếp tục tăng lên.

3.2. Nhận xét và đánh giá chung

Việt Nam và Nhật Bản có truyền thống giao lưu văn hóa và thương mại lâu đời. Quan hệ giữa hai nước hiện tại đang phát triển tốt đẹp, toàn diện, với sự tin cậy chính trị cao. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước chung tay vun đắp, phát triển. Chính phủ Nhật Bản luôn ủng hộ thắt chặt quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam, qua đó giúp tăng cường sự tin cậy, gắn bó, thúc đẩy tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Năm 2014, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, mở ra một chương mới tươi đẹp trong lịch sử phát triển quan hệ song phương. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiến hành các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Việt Nam và Nhật Bản cũng chú trọng duy trì những cơ chế hợp tác quan trọng, như Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch, Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác về giáo dục, với sự giúp đỡ của Nhật bản thiết nghĩ sẽ giúp nâng tầm nền giáo dục Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển nước nhà. Đồng thời, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn bởi hai nước có sự tin cậy lẫn nhau và những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển.

Mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai bên như đã nói thì đã đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, Nhật Bản vẫn là nước viện trợ đứng đầu trong các nước viện trợ và đầu tư

giáo dục vào Việt Nam. Cả hai bên đều tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm học tập lẫn nhau. Cho đến nay thì mối quan hệ hợp tác này đã và đang tiến triển rất tốt, nhất là nhân dân hai nước đã tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau hơn.

Với đà phát triển quan hệ hết sức tốt đẹp hiện nay, với nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Hai nước sẽ cùng “nắm tay nhau” mở ra một thời kỳ phát triển mới rực rỡ hơn trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc.

3.3. Kết luận

Như vậy, trong gần 20 năm qua, quan hệ hợp tác giáo dục giữa Nhật Bản và Việt Nam đã phát triển toàn diện và sâu sắc. Có được những kết quả và thành tựu đáng tự hào như hôm nay chính là nhờ tấm lòng hòa hảo, sự quan tâm nhiệt thành, sự vun vén đúng mức của lãnh đạo hai quốc gia. Trong những thập niên tới, chắc chắc mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này sẽ không ngừng phát triển và gặt hái được nhiều thành công mới, góp phần đưa đất nước và con người của hai nước xích lại gần nhau hơn và nhân dân hai nước ngày càng vững tin vào mối quan hệ ngoại giao Việt – Nhật khăng khít.

HẾT

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác Giáo dục giữa Nhật Bản và Việt Nam trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI (Trang 31 - 35)