Giao thông vận tải là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế số, lĩnh vực này thường đóng góp khoảng 6-12% GDP của mỗi quốc gia. Mặc dù trên thực tế hiện nay hạ tầng và dịch vụ giao thông vận tải đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập chưa được giải quyết triệt để như vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông…Trong bối cảnh đó, thì IoT là một trong những giải pháp được đánh giá có thể giải quyết được các vấn đề tồn tại trong quản lý giao thông.
Yêu cầu cải thiện, nâng cao độ an toàn khi tham gia giao thông đặt ra bài toán cho công nghệ IoT sẽ được đưa vào áp dụng trong các hệ thống thông tin hợp tác chủ động, nhằm hỗ trợ, cảnh báo chủ xe về các tình huống nguy hiểm và hệ thống có thể can thiệp thông qua cơ cấu phanh tự động hoặc chuyển hướng xe tự động để tránh tai nạn. Các ứng dụng lái xe có kết nối cho phép giảm thiểu số vụ tai nạn và tăng độ an toàn, hiệu quả khi tham giao thông. Trong mô hình này, kết nối thông tin cũng được thực hiện giữa xe và thiết bị di động của người đi bộ, người đi xe đạp để cải thiện an toàn giao thông và tránh tai nạn.
Các ứng dụng liên quan đến an toàn giao thông có yêu cầu rất nghiêm ngặt về độ trễ, độ tin cậy và tính khả dụng của kết nối để trao đổi, xử lý thông tin kịp thời và đáng tin cậy. Điều này đặt ra những thách thức cho hệ thống vô tuyến truyền thống. Thử lấy một ví dụ ở trường hợp của ô tô tự hành đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện có vật cản phía trước, chiếc ô tô cần đặt lệnh cho cơ cấu hãm phanh để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Thời gian yêu cầu là không quá 1 ms sau khi nhận được lệnh từ bộ phận cảm biến. Với công nghệ kết nối vô tuyến thế hệ thứ 4 (4G), chiếc xe sẽ di chuyển thêm một đoạn đường có cự ly 1.4 m kể từ khi phát hiện vật cản đến khi cơ cấu phanh được thi hành; trong khi đó đoạn đường di chuyển thêm chỉ vào 2.8 cm với sự hỗ trợ của công nghệ kết nối vô tuyến thế hệ thứ 5 (5G).
Bảng 1.7 dưới đây mô tả các yêu cầu kết nối IoT theo mô hình ứng dụng
Bảng 1.7: Yêu cầu kết nối IoT theo mô hình ứng dụng [24]
Kịch bản ứng dụng Yêu cầu về kết nối Thông số tham khảo
Tự động hóa trong sản xuất
Độ trễ cực thấp, Độ tin cậy siêu cao
0,5 ms, 99,9999999
Quản lý phương tiện giao thông
Số lượng kết nối lớn, Vùng phủ rộng
1000000 thiết bị/km2
Điều khiển robot từ xa Độ tin cậy cực cao 99,999%
Ở Việt Nam ứng dụng IoT trong lĩnh vực giao thông vận tải phải kể đến ứng dụng thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (Radio Frequency Identification – RFID) để tự động nhận dạng, theo dõi, quản lý hàng hóa, con người và các ứng dụng khác. Thiết bị nhận dạng vô tuyến bao gồm hai khối riêng biệt được kết nối thông qua giao diện vô tuyến là thẻ vô tuyến (RF tag) và thiết bị đọc tần số vô tuyến (RF Reader). Thiết bị RFID được sử dụng trong các hoạt động phân phối, vận chuyển và bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giao thông hay các ứng dụng di động.