Những hạn chế, tồn tại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại uỷ ban nhân dân thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên (Trang 95)

5. Kết cấu của luận văn

3.4.2. Những hạn chế, tồn tại

Thực chất của cải cách hành chính, áp dụng cơ chế “một cửa” trên địa bàn thành phố Thái Nguyên cũng như các địa bàn khác trong cả nước là để cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, là thay đổi quan điểm và phương thức phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước từ thói quen cửa

quyền xin - cho, dành thuận lợi cho người quản lý trước đây sang thói quen phục vụ của người CBCC, thật sự là công bộc của nhân dân, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho nhân dân; phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động thì công tác cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” vẫn chưa thực hiện triệt để được yêu cầu nêu trên và vẫn còn tồn tại hạn chế. Cụ thể như sau:

a) Thể chế hành chính chưa hoàn toàn được đồng bộ

Thể chế quy định về cơ chế “một cửa” mới chỉ được đề cập một cách chung nhất về mặt nguyên tắc. Thành phố chưa xây dựng được quy chế chịu trách nhiệm khi hồ sơ hành chính không được giải quyết kịp thời. Bộ phận “một cửa” chỉ là nơi nhận hồ sơ chứ không có thẩm quyền giải quyết mà phải thông qua các cơ quan chuyên môn phối hợp. Dẫn đến hồ sơ cá nhân nhiều khi bị lệch, các giấy tờ liên quan thì phức tạp như lĩnh vực LĐTBXH, lĩnh vực tư pháp, lĩnh vực quản lý đô thị và đặc biệt lĩnh vực đất đai. Đồng thời, làm mất thời gian của tổ chức, công dân khi chờ đợi và thời gian đi lại của CBCC ở Bộ phận “một cửa” để giải quyết công việc. Bởi vậy, đòi hỏi cán CBCC trực tiếp nhận cần bao quát, thận trọng để nâng cao chất lượng hồ sơ tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận thụ lý và có kết quả đúng theo thời gian quy định.

Bên cạnh nhiều TTHC được giải quyết đúng hẹn thì vẫn còn nhiều kết quả giải quyết TTHC còn thấp, chưa đem đến sự hài lòng của người dân, khiến người dân luôn ở trạng thái chờ đợi. Đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến đời tư của cá nhân như kết hôn, khai sinh, khai tử, thay đổi, cải chính họ, tên đệm, dân tộc và việc đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng...

b) Quy trình, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, rườm rà, chưa hợp lý so với quy định của Trung ương có xu hướng tăng thêm

Sự phối hợp của các phòng chuyên môn với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính trong công tác giải quyết hồ sơ hành chính cũng như

rà soát, thống kê các thủ tục hành chính chưa được tốt ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Ngoài ra, vẫn có một số ít cán bộ còn thụ động đùn đẩy và né tránh trách nhiệm khi gặp khó khăn, tình trạng đòi hỏi thêm các loại giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ quy định đôi lúc vẫn còn xảy ra, chưa quan tâm đầy đủ đến thời hạn hẹn trả hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đến làm việc nên vẫn còn hồ sơ bị trả quá hạn. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức đôi khi vẫn chưa làm hài lòng công dân, tổ chức, nhiều thủ tục chưa linh hoạt, vẫn rập khuôn máy móc nên tính quan liêu, xa rời người dân.

Hạn chế nữa của công tác này là ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ, thái độ phục vụ nhân dân có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, CBCC còn khá trẻ, thường xuyên thay đổi nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết công việc, việc nắm bắt những quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo liên quan trực tiếp đến công việc còn chưa kịp thời, đôi khi gặp lúng túng khi áp dụng pháp luật vào một số trường hợp cụ thể. Đây có thể coi là điểm yếu chung của đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay.

c) Thời gian xử lý công việc từ khi tiếp nhận đến khi có kết quả vẫn còn tùy tiện, kéo dài

Tổ chức, công dân khi đến Bộ phận “một cửa” nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ và nhận phiếu hẹn trả cụ thể nhưng trên thực tế còn một số trường hợp kết quả được giao không đúng hẹn, thậm chí sai hẹn so với quy định. Lĩnh vực có nhiều hồ sơ bị tồn đọng, gây bức xúc nhất cho người dân là lĩnh vực nhà đất, Quy định về cấp GCNQSD đất trên địa bàn thành phố Thái Nguyên theo quy định là 30 ngày cũng gây không ít khó khăn cho cán bộ thực hiện vì lượng hồ sơ thuộc lĩnh vực nhà đất quá nhiều khiến công việc của cán bộ thụ lý luôn bị quá tải. Thời gian xác định nghĩa vụ tài chính kéo dài cũng là một nguyên nhân làm cho việc hồ sơ bị chậm, kéo dài thời gian trả kết quả.

d) Những hạn chế khác

Mặc dù đã được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng trên thực tế tại trụ sở UBND thành phố Thái Nguyên vẫn đang được sửa chữa và xây lại. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của cán bộ công chức cũng như người dân đến giải quyết thủ tục hành chính.

Công tác tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã được triển khai rộng rãi nhưng còn thiếu chiều sâu nên chưa tạo ra những chuyển biến căn bản trong nhận thức về trách nhiệm thực hiện công vụ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Công tác tuyên truyền chưa được chú trọng thực hiện, mặc dù đã có nhiều biện pháp nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thực sự lôi cuốn được cán bộ, công chức tham gia hào hứng khi thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế mới mà Ủy ban nhân dân đang áp dụng mà chỉ làm theo trách nhiệm được giao.

Còn có một bộ phận nhân dân còn xa lạ với cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” nên vẫn còn tư tưởng nhờ cậy vào các mối quan hệ thân quen khi có nhu cầu giải quyết công việc tại cơ quan. Hoặc do yếu tố tâm lý, khi có công việc là người dân tìm đến cơ quan có thẩm quyền cao hơn cho chắc chắn và tin tưởng rằng ở đó sẽ giải quyết công việc nhanh và tránh gây phiền hà. Nhưng khi được hướng dẫn họ lại cố tình không hiểu và cho rằng các cơ quan nhà nước gây khó khăn cho dân. Và cũng còn có người không hiểu hay cố tình không hiểu về một cửa nên cho rằng cứ đến một cửa, một cửa liên thông là mọi chuyện đều đạt được mà không cần quan tâm đến quy định pháp luật.

Sự phối hợp trong việc giải quyết thủ tục hành chính đôi khi còn chưa có sự thống nhất về thành phần hồ sơ giữa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phòng ban chuyên môn dẫn đến một số trường hợp phải trả lại hồ sơ để bổ sung, xác minh hoặc xin ý kiến thành phố… dẫn đến việc trễ hẹn. Các cuộc họp giao ban hàng tháng vẫn được duy trì ổn định nhưng cán bộ các phòng ban và các phường tham dự giao ban “một cửa liên thông” không đúng

thành phần quy định nên lãnh đạo không nắm hết tình hình và không xử lý kịp thời những khó khăn phát sinh.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện TTHC trên địa bàn thành phố Thái Nguyên vẫn còn yếu, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Thông qua các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và các phương tiện thông tin đại chúng thì việc thực hiện TTHC trong thời gian qua vẫn còn một số tình trạng đó là việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố vẫn chưa thực hiện đầy đủ, hiện tượng giải quyết TTHC kèo dài so với quy định của pháp luật vẫn tồn tại gây bức xúc cho cá nhân, tổ chức, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện TTHC cần được quan tâm, chú trọng.

3.4.3. Nguyên nhân của hạn chế

a) Công tác chỉ đạo

Các các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa chú trọng quan tâm đến công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng; sự chỉ đạo chưa sâu sát, còn lỏng lẽo. Lãnh đạo của UBND thành phố Thái Nguyên đôi lúc còn xem nhẹ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiến hành cải cách TTHC; vì vậy mà việc thực hiện còn thiếu tính đồng bộ, vẫn còn tính rời rạc. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có tổng kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm nhưng vẫn còn tính hình thức, chưa mạnh dạn nhân rộng, đầu tư đúng tầm. Hơn nữa đó là, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, do đó có nhiều trường hợp không được giải quyết kịp thời dẫn đến kết quả không như mong muốn.

b) Cách hiểu không đồng nhất về thủ tục hành chính

Có nhiều thủ tục hành chính được ban hành để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên với những yêu cầu của thủ tục hành chính đó đưa ra thì việc vận dụng lại khác nhau do cách hiểu khác nhau, điều

đó dẫn đến người dân mất đi sự hài lòng về việc phục vụ của cơ quan công quyền. Ví dụ như theo Luật hộ tịch năm 2014, tại điều 37 có quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với UBND cấp huyện là: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.” Tuy nhiên, tại điều 17 luật này quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với UBND cấp xã: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.” Như vậy, đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, công dân có thể đăng ký tại UBND cấp huyện và cấp xã đều được. Điều này khiến người dân thấy không biết đâu là thủ tục đúng, đâu là thủ tục cần điều chỉnh, điều đó ít nhiều làm mất đi niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền.

c) Sự chồng chéo về các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện thủ tục

Điều này gây khó khăn cho cán bộ làm công tác chuyên môn, đặc biệt là đối với những TTHC liên thông dẫn đến tình trạng một thủ tục phải qua nhiều cơ quan, mỗi cơ quan sẽ giải quyết theo cách hiểu của mình. Kết quả cuối cùng là hướng đến sự thuận tiện cho người dân là không đạt được, vì người dân vẫn phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi, gây mất thời gian. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật của cấp Trung ương chậm ban hành hoặc ban hành thiếu đồng bộ, chồng chéo; trong khi nhiều luật mới có sự bổ sung, điều chỉnh đã được ban hành có hiệu lực. Từ đó làm cho quá trình triển khai thực hiện khi giải quyết thủ tục hành chính bị lúng túng và gặp nhiêu khó khăn.

d) Sự bất cập từ chính bản thân tổ chức, công dân

Đó là trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa thành công trong công tác này đó là những

bất cập xuất phát từ chính những tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Mặc dù hiện nay đất nước chúng ta đô thị hóa rất nhiều, song tính chất quan hệ thân quen vẫn nhiều và bao trùm lên các cơ quan công quyền. Một bộ phận không nhỏ công dân, tổ chức có nhu cầu luôn bỏ qua quy chế một cửa, một cửa liên thông mà họ trực tiếp gặp cán bộ chuyên môn hoặc lãnh đạo mà mình quen biết để giải quyết. Bên cạnh đó họ cũng chưa thực sự chủ động tìm hiểu các thông tin, các yêu cầu cần thiết của thủ tục hành chính, vì với mỗi lĩnh vực cần thực hiện các cơ quan đều niêm yết tại nơi tiếp nhận, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khi làm thủ tục vẫn thiếu các giấy tờ cần thiết để cung cấp cho thủ tục hành chính, vì vậy khi cán bộ, công chức yêu cầu thì họ cho rằng cơ quan nhà nước và trực tiếp cán bộ gây khó dễ cho bản thân họ.

Chương 4

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

4.1. Phương hướng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên

4.1.1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 4048/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2019; Quyết định số 391/QĐ- UBND ngày 12/02/2019 về việc ban hành kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 14/01/2019 về việc phê duyệt kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2019; Văn bản số 682/UBND-KSTTHC ngày 6/3/2019 về việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC… Tiếp tục đẩy mạnh CCHC và đẩy mạnh cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” và hoàn thành cơ bản mục tiêu CCHC, đồng thời gắn liền với việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Công cuộc cải cách hành chính nói chung và thủ tục hành chính nói riêng tại thành phố Thái Nguyên chỉ đạt kết quả như mong đợi nếu được sự lãnh đạo và chỉ đạo kiên quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

4.1.2.Hoàn thiện thể chế hành chính

Việc này cần gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính về mặt thủ tục, giấy tờ bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, nhất là áp dụng phương tiện điện tử. Thủ tục hành chính được cải cách theo hướng đơn giản,

thuận tiện, nhanh chóng, cùng với thái độ phục vụ tốt từ phía công chức nhà nước sẽ là một trong những giải pháp quan trọng tháo gỡ những hạn chế hiện nay ở UBND thành phố Thái Nguyên.

Kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy chính quyền và của mỗi cấp hành chính theo mô hình chính quyền đô thị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo hướng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, thống nhất, liên thông, minh bạch; tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, bộ, ngành với chính quyền thành phố Thái Nguyên; hoàn thiện phân cấp giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã.

Tiếp nối và để triển khai thể chế, pháp luật, Thành phố chủ động ban hành các quy định, cơ chế theo thẩm quyền nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm tiền đề để thực hiện cải cách tổ chức bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại uỷ ban nhân dân thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên (Trang 95)