Đặc điểm chung tại bệnh viện

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT MÔ HÌNH BỆNH TẬT VÀ TỬ VONG CỦA TRẺ EM TỈNH VĨNH LONG (Trang 96 - 99)

4.1.1.1. Theo nhóm tuổi

Ghi nhận chủ yếu trong 3 năm từ 2012 – 2014, tại phòng khám ngoại trú nhóm trẻ từ 1 tuổi – 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao 49,2%; tiếp đến là nhóm trẻ 5 – 15 tuổi chiếm 28,1% (Bảng 3.1). Kết quả nghiên cứu chúng tôi tương tự nghiên cứu của Begum M. tại bệnh viện đại học y khoa cộng đồng Bangladest. Tuổi trung bình trẻ đến khám tại phòng khám là 4,11 tuổi; nhóm trẻ chiếm ưu thế là trẻ dưới 5 tuổi (64,84%) [34].

Một nghiên cứu quan sát tiến cứu đã được thực hiện trong sáu tháng từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2013 trên các bệnh nhân nhi khoa điều trị ngoại trú của bệnh viện Tertiary, Chennai cho thấy kết quả tương tự: nhóm trẻ từ 1 – 5

tuổi chiếm 45,4%, nhóm trẻ từ 1 tháng – 1 tuổi chiếm 37,4% và nhóm sơ sinh chiếm ít nhất 4,8% [35].

Tại phòng khám ngoại trú trẻ sơ sinh chiếm tỷ lệ thấp điều này có thể giải thích do sự bảo vệ của sữa mẹ hay trẻ ít tiếp xúc với xung quanh. Trong khi đó nhóm trẻ mắc bệnh cần được quan tâm là trẻ từ 1 – 5 tuổi, nhóm trẻ dễ mắc bệnh do sức đề kháng chưa hoàn chỉnh và bắt đầu đi học.

Trong nhóm nội trú trẻ từ 1 tháng – 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao 27,2%, nhóm trẻ sơ sinh cũng chiếm tỷ lệ ít nhất 22,7% nhưng cao hơn rõ rệt so với nhóm ngoại trú cho thấy hầu hết các trẻ sơ sinh đều được chỉ định nhập viện để điều trị bệnh. Nghiên cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh năm 2005 kéo dài 5 năm cũng cho thấy nhóm bệnh nhi nhập viện nhiều nhất từ độ tuổi 2 tháng đến 5 tuổi (97,43%) [15]. Nghiên cứu tại Khoa Nhi Bệnh viện Trung Ương Huế cơ sở 2 trong 3 năm 2017 - 2019 ghi nhận nhóm trẻ 1 tuổi - 5 tuổi làm nhóm trẻ bệnh nhiều nhất, kế đến là nhóm 1 tháng - 12 tháng tuổi [36].

Nghiên cứu của Nguyễn Phương Khanh tại bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2008 thì nhóm trẻ từ 1-2 tuổi chiếm 30% tổng số bệnh nhân nội trú [3]. Tỷ lệ bệnh nhi đến khám và điều trị (ngoại trú và nội trú) tại các bệnh viện đều tăng qua các năm cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng và là thách thức đối với các bệnh viện đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện. Qua đây chúng tôi nhận thấy cần tập trung chú ý nhóm trẻ dưới 5 tuổi vì chiếm tỷ lệ cao và nhóm sơ sinh là nhóm trẻ dễ bị tổn thương.

Số lượng trẻ khám và điều trị tại bệnh viện nội trú tăng rõ rệt từ năm 2012 có thể do nhiều lý do như sự thay đổi về bảo hiểm y tế, về chất lượng bệnh viện ngày càng được nâng cao cả về trang thiết bị lẫn trình độ chuyên môn tạo niềm tin cho người dân đến khám và điều trị thay vì phải khám tại các bệnh viện khác.

4.1.1.2 Giới tính

Tỷ lệ trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ với tỷ lệ 55,4% so với 45,6% (Bảng 3.2). Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu của Trương Thị Thanh Nguyên tại bệnh viện Đaklak từ năm 1995 – 1999, trẻ nam chiếm 62,1% [37]. Nghiên cứu của tác giả Lê Nam Trà tại 2 bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí và Trung tâm y tế Sóc Sơn cũng cho thấy tỷ lệ trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ [21]. Nghiên cứu của Võ Phương Khanh tại bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho thấy tỷ lệ nam chiếm nhiều hơn nữ (trẻ nam chiếm 60% - 69% trẻ nhập viện). Tương tự nghiên cứu tại khoa cấp cứu, bệnh viện nhi Trung ương từ năm 2007 - 2011 báo cáo tỷ lệ trẻ nam chiếm ưu thế hơn trẻ nữ (61% so với 39%) [38].

Sự bất cân xứng về giới tính có phải là nguyên nhân này hay không là một vấn đề cần quan tâm. Tỷ số giới tính nam/nữ khi sinh ở Việt Nam là 110,6 trong giai đoạn từ 4/2008 – 3/2009. Sự chênh lệch giới tính một phần do văn hóa mang nặng tính gia phong [39]. Điều này cũng có thể là do công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của nước ta vẫn còn gặp nhiều hạn chế do chính sách 2 con cộng với văn hóa trọng nam khinh nữ của người Việt Nam dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính trong dân số trong những năm 2012 – 2014 khiến cho tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức 112 trẻ nam/ 100 trẻ nữ [40]. Do đó, vô hình chung làm cho tỷ lệ trẻ đến khám và điều trị bệnh ở trẻ nam cao hơn trẻ nữ.

4.1.1.3. Theo mùa

Trong 5 năm theo dõi ghi nhận: thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa bệnh nhiều nhất của trẻ trong năm, đặc biệt là năm 2014 chiếm 30,8% tổng số bệnh nhi nhập viện. Giai đoạn ít bệnh nhất từ tháng 1 đến tháng 3 là mùa khô chiếm 22,6% (Bảng 3.3). Điều này cho thấy thời tiết có ảnh hưởng đến mô hình bệnh tật ở trẻ.

Nghiên cứu của Võ Quốc Hiền tại bệnh viện đa khoa khu vực Năm Căn, Cà Mau từ năm 2012 – 2016 cũng cho thấy kết quả tương tự. Thời điểm mùa mưa chuyển sang khô tỷ lệ bệnh nhân điều trị chiếm 30,9% số bệnh nhân cả năm. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết đã làm gia tăng tác nhân gây bệnh hoặc truyền bệnh [41].

Một nguyên nhân khác cần chú ý là thời gian từ tháng 10 - 12 là thời điểm nhập học, trẻ bắt đầu đi học lại tạo điều kiện cho việc lây truyền bệnh cao hơn.

Theo nghiên cứu tại khoa cấp cứu bệnh viện trung tâm liên bang Asaba, Nigeria năm 2014, hai bệnh sốt rét và nhiễm khuẩn hô hấp thường cao hơn vào mùa mưa trong khi đó bệnh lý tiêu chảy thường nhiều hơn vào mùa khô [42].

Một nghiên cứu đoàn hệ trong 6 năm từ 2008 – 2013 tại Hà Lan đã xác định mùa có liên quan đến mô hình bệnh tật. Kết quả của nghiên cứu ghi nhận sự thay đổi theo mùa ảnh hưởng hơn một phần năm tất cả các bệnh ở trẻ em. Nghiên cứu không chỉ chứng minh sự thay đổi theo mùa ảnh hưởng đến bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, viêm dạ dày ruột và hen suyễn mà còn cho thấy ảnh hưởng đến chức năng của hệ cơ quan cũng như tâm sinh lý của trẻ [43].

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT MÔ HÌNH BỆNH TẬT VÀ TỬ VONG CỦA TRẺ EM TỈNH VĨNH LONG (Trang 96 - 99)