3.1.1.1. Những điều kiện hình thành và phát triển của thơ Nôm Đường luật
Thơ Nôm Đường luật là hiện tượng tiêu biểu và độc đáo trong lịch sử văn học dân tộc. Nó đã góp những viên gạch quan trọng cả trong lí luận lẫn thực tiễn sáng tác trong quá trình hình thành và phát triển. Thơ Nôm Đường luật được hình thành bởi những điều kiện văn học và ngoài văn học.
Những điều kiện văn học để hình thành thơ Nôm Đường luật gồm hai tiền đề có ý nghĩa quyết định. Đó là điều kiện ngôn ngữ và điều kiện thể loại; trong đó, điều kiện ngôn ngữ là quan trọng nhất. Về vấn đề ngôn ngữ, tiếng Việt có sự tương đồng và gần gũi với tiếng Hán ở những phương diện cơ bản như sự không biến hình, sự đơn âm, sự tuyến tính, thanh điệu và cách đọc Hán Việt trong tiếng Việt. Như vậy, tiếng Việt đủ những điều kiện cần thiết để sáng tạo thơ Nôm Đường luật. Về điều kiện thể loại, thơ Đường luật Trung Quốc được xem là thể thơ hoàn thiện, độc đáo. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao tiếp văn học. Việc lựa chọn thơ Đường luật làm đối tượng tiếp nhận và sáng tạo nên thơ Nôm Đường luật là một thành tựu phù hợp với quy luật khách quan của nền văn học dân tộc. Đồng thời, thơ Đường luật có tính mô hình hóa cao. Chính đặc điểm ổn định và chặt chẽ về mặt kết cấu vừa là một thử thách vừa là một lợi thế cho sự sáng tạo thơ Nôm Đường luật. Như vậy, điều kiện văn học về mặt ngôn ngữ và thể loại đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển thơ Nôm Đường luật.
Bên cạnh đó, những điều kiện ngoài văn học cũng tác động mạnh mẽ đến sự hình thành của thơ Nôm Đường luật. Đó là những điều kiện về lịch sử, xã hội và văn hóa và tư tưởng. Về phương diện lịch sử, xã hội, từ sau thế kỉ X, lịch sử dân tộc đã có một bước ngoặt quan trọng và ý nghĩa. Đất nước đã giành được quyền độc lập và tự chủ. Nhà nước phong kiến và nhân dân đặc biệt quan tâm và khẳng định tính tự chủ, tự cường ở hai lĩnh vực chính trị và văn hóa. Riêng văn hóa luôn được đặt ở vị trí hàng
đầu. Bên cạnh ý thức giữ gìn tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức học tập, tiếp thu trở thành một động lực tinh thần to lớn, một sự “mở cửa” có ý thức, đầy đủ và sâu sắc. Ngoài những điều kiện thuận lợi về lịch sử, phải kể đến những lợi thế về mặt xã hội. Ảnh hưởng trực tiếp đến sự xuất hiện của thơ Nôm Đường luật chính là sự hình thành tầng lớp trí thức. Họ là những nhân tố sáng tạo văn hóa đất nước. Thơ Nôm Đường luật chỉ có thể ra đời bởi những nhà văn hóa đầy tài năng và nhiều tâm huyết này. Đồng thời, một số vua chúa cũng đã góp phần kích thích sự phát triển thể loại văn học dân tộc này. Mặt khác, những tiền đề văn hóa cũng đã ảnh hưởng đến sự ra đời của thơ Nôm Đường luật với sự xuất hiện của chữ Nôm và việc xem thơ Đường luật như một môn thi bắt buộc trong khoa cử. Điều đáng quan tâm của thơ Đường luật là sự gắn bó bản thân nó với những quan niệm - tư tưởng nhất định. Giữa Trung Quốc và Việt Nam có những nét tương đồng về tư tưởng nói chung và tư tưởng văn học nói riêng.
Tuy nhiên, những điều kiện kể trên chỉ là phần ảnh hưởng, tiếp thu và chuyển hóa thơ Nôm Đường luật. Điều đáng tự hào là sự sáng tạo một thể thơ dân tộc trong lịch sử văn học Việt Nam. Suy tới cùng, thơ Nôm Đường luật được sáng tạo bởi sự trưởng thành về ý thức dân tộc. Hay nói cách khác, chính ý thức dân tộc trưởng thành mới là điều kiện đầy đủ và quan trọng cho sự hình thành và phát triển của thơ Nôm Đường luật.