Chương 1 GIỚI THIỆU CHUNG
1.3. Tiểu sử và các tác phẩm thơ, phú Nôm của Nguyễn Huy Lượng
1.3.1. Tiểu sử Nguyễn Huy Lượng
Dòng họ Nguyễn Huy có khá nhiều người thành danh hiển đạt ở làng Phú Thị (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trong dòng họ, Nguyễn Huy Mẫn, từng đỗ Thủ khoa kì thi Hương, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu 1721, sau thăng tới chức Đông các Đại học sĩ. Ông đã đào tạo ra rất nhiều người tài danh đỗ đạt trong đó có thân sinh Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm. Các dòng họ hiển đạt ngày xưa thường kết tình thông gia “môn đăng hộ đối” với nhau. Nguyễn Huy Bá, con Nguyễn Huy Mẫn lấy con gái út của Siêu Quận công Nguyễn Gia Cư là Nguyễn Gia Châu. Siêu Quận công chính là tổ phụ của Nguyễn Gia Thiều. Con trai cả của Nguyễn Huy Bá là Nguyễn Huy Lượng. Do đó, Nguyễn Huy Lượng có họ hàng với Nguyễn Gia Thiều. Như thế, cả nội ngoại của Nguyễn Huy Lượng đều thuộc những dòng họ danh gia thế phiệt, uy vọng bốn phương. Dường như thân sinh của Nguyễn Huy Lượng có liên quan đến vụ tố cáo âm mưu Trịnh Khải chống lại cha là Trịnh Sâm nên khi Trịnh Khải lên ngôi, ông Huy Bá phải lánh sang làng Lương Xá 4. Vì thế, trong nhiều tài liệu đều có ghi, nguyên quán của Nguyễn Huy Lượng là làng Phú Thị 5, tổng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, sau dời sang làng Lương Xá, huyện Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây.
Không rõ Nguyễn Huy Lượng sinh năm nào, mất năm nào. Tuy nhiên, khi vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản thua Nguyễn Ánh ở Phú Xuân, phải chạy ra Thăng Long, để củng cố lòng dân, đã cho lập đàn tế trời đất ở Hồ Tây và truyền giao Nguyễn Huy Lượng soạn một bài thơ và bài phú. Trong Tụng Tây Hồ phú, ở cuối đoạn phú, Nguyễn Huy Lượng có viết: “Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du”. Như vậy, rất có thể,
Nguyễn Huy Lượng chào đời vào khoảng những năm năm mươi của thế kỉ XVIII. Và Nguyễn Huy Lượng mất khoảng năm 1808. Đương thời, ông có rất nhiều bằng hữu chi giao như Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường, Lê Quý Kiệt. Có thể vì lời nâng đỡ của bạn bè nên khi tướng Gia Long Nguyễn Văn Thành tiến quân ra Thăng Long đã không giết Nguyễn Huy Lượng. Tuy nhiên, cũng có thể vì nhà Nguyễn trọng ngưỡng
4 Theo GS Vũ Khiêu trong Danh nhân Hà Nội, xuất bản năm 2004, Nhà xuất bản Hà Nội, tr.494.
5 Nguyễn Huệ Chi trong Gương mặt văn học Thăng Long, Nhà xuất bản Hà Nội, năm 2010, ghi là “làng Phú Thụy”, tr. 708.
sở tài văn chương của ông nên muốn lưu giữ một nhân tài cựu triều. Dù sao, đến nay chúng ta vẫn chưa có lời giải đáp minh bạch về tiểu sử của Nguyễn Huy Lượng.
Thời Lê - Trịnh, Nguyễn Huy Lượng đỗ Hương cống, sau được bổ làm Phụng nghị ở bộ Lễ, phụ trách việc xem xét các lễ vật khi cúng tế. Khi Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huy Lượng ra cộng tác với nhà Tây Sơn, được phong chức Hữu thị lang Bộ Hộ. Người đương thời quen gọi ông là Hữu Hộ Lượng, tước Chương Lĩnh Hầu 6. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long lên ngôi năm 1802, Nguyễn Huy Lượng lại được lục dụng, phong chức Tri phủ phủ Xuân Trường.
Tài liệu lịch sử về Nguyễn Huy Lượng đến nay vẫn chưa đầy đủ. Vì thế, để đưa ra một kết luận thống nhất về chủ kiến và tư tưởng chính trị của Nguyễn Huy Lượng vẫn còn là điều khó khăn. Vì lý do nào mà Nguyễn Huy Lượng hăm hở và nhiệt tình ra cộng tác với triều Tây Sơn khi đã từng làm quan dưới triều Lê – Trịnh? Vì nguyên do gì mà Nguyễn Huy Lượng cũng ra làm quan dưới triều nhà Nguyễn khi trước đó ông đã từng trút cả tấm thịnh tình với triều Tây Sơn qua bút lực sắc sảo trong Tụng
Tây Hồ phú? Nếu xét theo khía cạnh Nho giáo, “trung thần bất sự nhị quân”, Nguyễn
Huy Lượng phải chăng là đối tượng phẩm bình, chỉ trích của dư luận? Phải chăng, vì ơn mưa móc của vua Lê chúa Trịnh chưa đủ tưới tắm và làm rọi sáng tài năng của Nguyễn Huy Lượng nên ông như một con rồng thu vuốt cuộn mình trong hang đá mà chưa thỏa nguyện chí lớn? Phải chăng, chiến công vang dội đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh xâm lược và chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút của vua Quang Trung đã nhen lên ánh sáng vận hội mới? Phải chăng, tấm thịnh tình, khiêm nhường của vua Quang Trung trong Chiếu cầu hiền cùng sự dẫn bước của các bằng hữu thâm giao đã đưa đường cho Nguyễn Huy Lượng đến với triều Tây Sơn để chờ cơ hội giương vuốt uốn mình trên mây xanh? Đồng thời, theo một số tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ, sau khi Quang Toản đại bại, Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành đã mời cả Nguyễn Huy Lượng và Phan Huy Ích đến tư dinh để cùng làm bài văn tế. Và sau đó, tác phẩm
6 Trong Gương mặt văn học Thăng Long, GS Nguyễn Huệ Chi lại viết Nguyễn Huy Lượng đỗ Hương cống dưới triều Lê và làm đến chức Hữu thị lang Bộ Hộ, được người đương thời quen gọi là Hữu Hộ Lượng . Sau khi Tây Sơn ra Bắc, chinh phạt quân Thanh xâm lược, ông ra làm quan dưới triều Tây Sơn, giữ chức Phụng nghị ở Bộ
của Nguyễn Huy Lượng được tuyển dụng còn bài của Phan Huy Ích thì không. Như vậy, có phải vì trọng tài văn chương của Nguyễn Huy Lượng nên Tổng trấn đã buộc ông ra phụng sự triều Nguyễn chăng? Thôi thì, có thể xem như tất cả chỉ vì binh lửa can qua và lẽ bĩ thái của thời đại đã tạo nên ẩn số về tiểu sử cuộc đời của nhà thơ. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu đồng nhất về Nguyễn Huy Lượng trong các tài liệu chính là hướng về sở tài văn chương của ông. Bởi lẽ, ngoài tiểu sử về chính trị, Nguyễn Huy Lượng còn là một cây bút tài năng. Cho nên, hai phương diện thái độ chính trị và cảm hứng nghệ thuật cần nên xem xét một cách cẩn trọng. Có thể hai phương diện này tồn tại trong cùng một con người nhưng chúng sẽ luôn có một khoảng cách nhất định. Trong bối cảnh đan cài nhiều yếu tố mâu thuẫn, nếu khoảng cách đánh giá giữa văn nghệ và chính trị không đúng mực thì sẽ có những kết quả nghiên cứu nhầm lẫn khôn lường. Điển hình là tác phẩm Văn tế tướng sĩ trận vong. Đối tượng của bài văn tế là những tướng sĩ đã trận vong. Dù là tướng sĩ của phe phái nào thì họ vẫn là những con người, những nạn nhân của chinh chiến khốc liệt, là tấm lá chắn của những mưu đồ tham quyền đoạt lợi của các tập đoàn phong kiến, là chứng nhân đau khổ, xót xa của lịch sử, của thời đại. Nguyễn Huy Lượng không nghiêng lệch, không thiên kiến mà chỉ đứng trên lập trường nhân bản để khóc thương, tiếc nuối, xót xa cho những con người đã phơi thây giữa chiến trận. Vì vậy, người nghiên cứu hậu sinh nên có cái nhìn khách quan, có một độ lùi nhất định, có một ranh giới rạch ròi giữa vấn đề chính trị và văn học để tìm hiểu về Nguyễn Huy Lượng. Có như vậy, mới tránh khỏi sa vào những quan niệm thủ cựu, những nhãn quan thiển cận mà bỏ lỡ một tài năng văn chương trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.