1.2.3.1. Khái niệm kỹ năng giao tiếp của học sinh với bạn bè
Giao tiếp của học sinh THCS là quá trình các em tương tác tâm lý với nhau, nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, thông qua các phương tiện giao tiếp thích hợp, từ đó các em tác động ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc của nhau, dẫn đến thay đổi hành vi của chính mình.
Kỹ năng giao tiếp của học sinh THCS với bạn bè là khả năng vận dụng những tri thức, kinh nghiệm về quá trình giao tiếp, sử dụng hiệu quả các phương tiện giao tiếp thích hợp để đạt được mục đích trong giao tiếp bạn bè.
Trong quá trình giao tiếp các em không chỉ trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc, tác động đến nhận thức mà còn thay đổi hành vi của bản thân bởi khả năng tự giáo dục đang được hình thành.
Kỹ năng giao tiếp của học sinh THCS với bạn bè rất quan trọng vì hoạt động giao tiếp là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi. Giao tiếp là nhu cầu cấp thiết của các em, là hoạt động sôi nổi, nhiều màu sắc nhưng lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong chính mối quan hệ của các em với bạn bè và trong chính tự thân các em, nếu không có kỹ năng giao tiếp, mối quan hệ bạn bè rạn nứt sẽ dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, hoặc suy sụp chán nản dẫn đến bỏ học.
1.2.3.2. Biểu hiện kỹ năng giao tiếp của học sinh với bạn bè
Kỹ năng làm quen
Kỹ năng làm quen đối với các em học sinh rất quan trọng, đặc biệt là các em học sinh dân tộc thiểu số. Ở trong làng xã của mình các em được trò chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng khi đến trường các em phải học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông, tiếp xúc với các bạn mới đến từ nền văn hóa, sinh hoạt khác nhau. Kỹ năng làm quen sẽ giúp các em có được nhiều bạn bè hơn, có đủ sự thoải mái và tự tin khi tiếp xúc với các bạn mới.
Có ba bước trong quy trình làm quen. Bước 1 là tìm hiểu đối tượng, bước 2 chuẩn bị tâm thế và bước 3 bắt đầu làm quen. Tùy vào mục đích làm quen, chủ thể sẽ tìm hiểu trước những thông tin của đối tượng đáp ứng mục đích của bản thân. Khi làm quen tình cờ, không có mục đích thì chủ thể thường bỏ qua bước này. Tuy nhiên khi làm quen chủ thể bao giờ cũng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cởi mở, thiện chí, thể hiện mong muốn làm quen của mình. Sau đó là tiến trình chào hỏi đối tượng, tự giới thiệu về bản thân, bày tỏ sự hân hạnh khi được làm quen và trao đổi một vài vấn đề chung tạo nội dung trò chuyện trong buổi làm quen.
Học sinh càng tự tin, thoải mái biết cách bắt chuyện làm quen càng dễ kết giao bạn bè. Dựa vào các bước làm quen cùng với đặc điểm đối tượng học sinh trung học cơ sở và bài khảo sát mẫu, chúng tôi có những biểu hiện cụ thể như sau:
- Biết chào, hỏi những thông tin cần thiết về đối tượng như: bạn tên gì, bạn ở đâu.
- Biết tự giới thiệu về mình như giới thiệu tên, tuổi, sở thích. - Bày tỏ niềm vui, thể hiện thái độ cởi mở khi được làm quen - Trao đổi những câu chuyện chung tùy vào tình huống
- Biết chào tạm biệt hoặc hẹn gặp lại, hoặc xin địa chỉ liên lạc tùy vào tình huống.
Kỹ năng lắng nghe
Trong quá trình giao tiếp, lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng, nếu các em đến làm quen với bạn mà không thể hiện được sự thiện chí, khả năng lắng nghe chân thành thì quá trình làm quen sẽ không thành công.
Khi đã thiết lập được mối quan hệ rồi, các em thường tâm tình chia sẻ với nhau tất cả mọi chuyện, trong quá trình đó nếu như các em không có kỹ năng lắng nghe thì đối phương sẽ có cảm giác không được quan tâm. Một ánh mắt chăm chú, một cái gật đầu đúng lúc đã chiếm được tình cảm của bạn bè hơn ngàn lần lời nói. Nghe và lắng nghe là cả một nghệ thuật quyết định thành – bại trong quá trình các em giao tiếp với nhau. Dù cho học sinh có học giỏi đến đâu, có tài hùng biện xuất sắc như thế nào, làm quen được rất nhiều bạn bè, mà thiếu kỹ năng lắng nghe thì mọi mối quan hệ sẽ từ từ mất đi. Từ đó em sẽ thấy mình cô độc, thấy mình bị bỏ rơi. Khi bạn bè trò
chuyện, góp ý, nhận xét với nhau đã không thể hiện được thái độ lắng nghe, sự tôn trọng nên mới dẫn đến mâu thuẫn, xung đột.
Chỉ khi lắng nghe, các em sẽ thu thập được nhiều thông tin hơn, sẽ thỏa mãn được nhu cầu cần người lắng nghe của bạn, và người nói sẽ thoải mái chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình. Các em biết cách lắng nghe sẽ tạo ra một tình bạn tốt đẹp. Bên cạnh việc lắng nghe, khả năng diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu cũng rất quan trọng. Trong tình bạn ở độ tuổi trung học cơ sở, các em có nhu cầu chia sẻ rất cao, vừa để bộc lộ tâm tư tình cảm của mình vừa mong muốn được bạn tâm sự như những người đồng chí. Do đó, việc phản hồi, chia sẻ câu chuyện của bản thân trong quá trình lắng nghe câu chuyện của bạn cũng rất quan trọng.
Sau đây là những tiêu chí cụ thể mà đề tài chọn lựa khảo sát: - Không xen ngang câu chuyện bạn đang nói
- Chăm chú và tập trung lắng nghe câu chuyện
- Nói những câu gợi mở câu chuyện như à, ừ, rồi sao nữa, thật vậy sao?... - Thể hiện thái độ chân thành bằng những cử chỉ, động tác như: nhìn thẳng vào mắt bạn, gật đầu theo câu chuyện của bạn, nghiêng đầu về phía bạn, không bẻ tay, chống cằm ngó lơ chỗ khác.
- Phản ánh lại khi cần thiết để hiểu rõ hơn câu chuyện bạn đang nói.
Kỹ năng bộc lộ sự quan tâm
Lắng nghe cũng là khả năng bộc lộ sự quan tâm, tuy nhiên đó chỉ là khía cạnh nhỏ trong quá trình trò chuyện tâm sự của các em. Kỹ năng bộc lộ sự quan tâm là khả năng, năng lực giữ gìn mối quan hệ đó được lâu dài qua thời gian và gắn kết với nhau bằng tình cảm, bằng hành vi cử chỉ thể hiện cho nhau.
Trong quá trình duy trì tình bạn, các em luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Tặng quà trong ngày sinh nhật, giúp bạn làm bài tập, chia cho bạn một ly trà sữa là những biểu hiện của sự quan tâm. Sự quan tâm của các em dành cho nhau thỉnh thoảng là sự ràng buộc, khó chịu, gây ra cảm giác mất tự do hoặc ngược lại, không được sự quan tâm các em lại cảm thấy bạn bè hờ hững, vô tâm.
Biểu hiện đầu tiên của kỹ năng bộc lộ sự quan tâm chính là khả năng các em có chủ động gần gũi quan tâm thăm hỏi bạn bè, vỗ về khi bạn có chuyện buồn, hoặc
chúc mừng khi bạn có chuyện vui hay không. Nếu bạn thân có điểm 10 mà các em cũng xem như không có chuyện gì. Bạn thân bị cô giáo la các em cũng không hỏi thăm thì các em chưa có kỹ năng bộc lộ sự quan tâm của mình đến bạn bè.
Biết cách chia sẻ những câu chuyện của bản thân cũng là biểu hiện của sự quan tâm. Trong tình bạn các em thích được cho và nhận đều nhau. Nếu như chỉ có một bên tâm sự kể hết tất cả tâm tư, tình cảm của mình mà bên kia không bao giờ chia sẻ bất cứ suy nghĩ, buồn vui nào của bản thân cũng sẽ khiến bạn trở nên nghi ngờ, cảm thấy không “công bằng” từ đó dẫn đến mất niềm tin trong tình bạn.
Ở độ tuổi các em, khả năng tự nhận thức và đánh giá bắt đầu phát triển, do đó biết cách nhận xét đánh giá bạn mà không làm bạn tổn thương như không chê bai hay nói xấu bạn là một biểu hiện rất khó của kỹ năng bộc lộ sự quan tâm. Nếu quan tâm bạn thì cần để ý đến những tâm tư, tình cảm của bạn để nhận xét góp ý đúng thời điểm.
Giúp đỡ bạn bè những lúc khó khăn như chép bài giùm, giảng bài khi bạn không hiểu, trực nhật lớp giùm, hay tặng quà, chúc mừng hoặc rủ bạn đi chơi vào những dịp quan trọng như sinh nhật, ngày lễ là những thể hiện quan trọng trong tình bạn của tuổi thiếu niên, là thể hiện sự quan tâm lẫn nhau của các em. Để có được tình bạn tốt đẹp tin tưởng lẫn nhau các em cần biết cách thể hiện và bộc lộ chúng sao cho phù hợp.
Trong phạm vi giới hạn, chúng tôi nghiên cứu một số tiêu chí cụ thể:
- Chủ động gần gũi quan tâm thăm hỏi bạn bè, vỗ về khi bạn có chuyện buồn, hoặc chúc mừng khi bạn có chuyện vui.
- Biết cách chia sẻ những câu chuyện của bản thân mình
- Biết cách nhận xét đánh giá bạn mà không làm bạn tổn thương như không chê bai hay nói xấu bạn.
- Giúp đỡ bạn bè những lúc khó khăn như chép bài giùm, giảng bài khi bạn không hiểu, trực nhật lớp giùm.
- Tặng quà, chúc mừng hoặc rủ bạn đi chơi vào những dịp quan trọng như sinh nhật, ngày lễ.
Tuổi thiếu niên vốn dĩ đã ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và xung đột trong chính sự phát triển tự thân của mỗi học sinh. Trong quá trình giao tiếp, suốt chiều dài của tình bạn đều có những thời điểm nảy sinh mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn nhỏ, đơn giản gọi chung là những bất đồng, sự khác biệt. Nhưng khi mâu thuẫn nặng thì biến thành xung đột. Mâu thuẫn trong giao tiếp là sự va chạm giữa các nhu cầu, quan điểm, tư tưởng và cảm xúc của các các em Dù là ở cấp độ nào thì chủ thể giao tiếp đều xuất hiện những cảm xúc âm tính như khó chịu, bực bội, tức giận... Nếu như xung đột không được giải quyết có thể dẫn đến ẩu đả, đánh nhau hoặc căm thù. Khả năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột là một trong những yếu tố hàng đầu để đánh giá xem các em có kỹ năng giao tiếp hay không.
Để xử lý xung đột, các em cần có khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân, gọi tên chính xác cảm xúc mình đang có trong một tình huống cụ thể, nhận biết nguyên nhân xảy ra xung đột, và hình dung hậu quả xấu nhất của xung đột, cuối cùng là kiềm chế hành vi và lời nói bạo động, gây tổn thương đến đối phương để rèn được khả năng chủ thể phải là người sâu sắc, có nhiều kinh nghiệm giao tiếp, có cái nhìn đa chiều đối với vấn đề gặp phải, biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, biết lắng nghe và biết sử dụng các phương tiện giao tiếp một cách hiệu quả.
Khi xử lý xung đột cũng cần để ý đến 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đối với các mâu thuẫn mới bắt đầu xuất hiện, đơn giản. Cá nhân có thể chọn cách né tránh, không dính líu vào các rắc rối, hoặc tuân theo chiều hướng đối lập để hóa giải các mâu thuẫn. Đương đầu khôn ngoan là cách tối ưu để xử lý các mâu thuẫn nhỏ. Khi đương đầu cần bình tĩnh, trình bày quan điểm thông tin một cách mạch lạc, tôn trọng ý kiến đối phương nhưng vẫn giữ vững thái độ, quan điểm của bản thân. Phương án cộng tác với đối phương tìm sự đồng thuận về một giải pháp cho vấn đề, hoặc quan điểm đang nảy sinh mâu thuẫn là phương án cuối cùng nhiều ưu điểm trong quá trình giải quyết mâu thuẫn.
Trong thực tế có rất nhiều em học sinh vừa giỏi, vừa xinh đẹp nhưng bị bạn bè tẩy chay hoặc đánh hội đồng, một phần là do các em thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và xung đột. Tìm hiểu biểu hiện kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và xung đột ở các em để có những đánh giá thích hợp từ đó có đề xuất tương ứng giúp các em duy
trì và cải thiện được mối quan hệ với bạn bè là điều rất cần thiết. Dưới đây là một số biểu hiện được lựa chọn khảo sát:
- Biết nhận diện những cảm xúc âm tính của chính mình
- Biết nhận diện những cảm xúc âm tính của bạn như sự tức giận, bực bội, khó chịu thông qua lời nói, cử chỉ, hành vi của bạn.
- Tự chủ cảm xúc, hành vi của bản thân khi có mâu thuẫn: không nói lời khích bác, trêu chọc, chỉ trích bạn.
- Nhận biết, hoặc tìm kiếm nguyên nhân xảy ra xung đột
- Biết cách giải quyết tình huống tốt nhất, sẵn sàng xin lỗi bạn hoặc nhờ sự giúp đỡ của thầy cô.