1.4.1. Các nhân tố bên trong doanh nghiệp
- Đặc điểm sản xuất kinh doanh:
Mỗi một doanh nghiệp có đặc điểm sản xuất kinh doanh khác nhau thì phương pháp đánh giá thực hiện công việc cũng khác nhau. Ví dụ: Việc ĐGTHCV của doanh nghiệp sản xuất sẽ khác với doanh nghiệp dịch vụ. Vì đối tượng tác động chính của nhân viên ở đây cơ bản là khác nhau: con người (khách hàng), máy móc (công nghệ, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất).
- Hiện trạng của bộ máy quản lý, phân quyền, phân cấp:
Một bộ máy cồng kềnh sẽ không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn rất khó vận hành. Công tác ra quyết định về các hoạt động ĐGTHCV sẽ gặp trở ngại, khó khăn bởi các quy trình mang nặng tính hình thức.
-Năng lực của lãnh đạo, quản lý các cấp và năng lực của bộ phận quản trị nhân lực:
Lãnh đạo, quản lý là những người quyết định phân bổ nguồn lực cũng như triển khai công tác ĐGTHCV. Trong đó, phòng Quản trị nhân lực có trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho ban lãnh đạo điều hành toàn bộ công tác liên quan như: thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá, quy trình đánh giá, phương pháp đánh giá, lựa chọn, đào tạo nhân viên đánh giá, đồng thời kiểm soát các hoạt động liên quan ở tất cả các bộ phận, phòng ban... Do vậy, trình độ chuyên môn của người làm công tác quản trị nhân lực có tầm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác ĐGTHCV trong toàn công ty.
- Phân tích công việc:
Sản phẩm chính của phân tích công việc là bản mô tả công việc, bản yêu cầu đối với người thực hiện công việc và tiêu chuẩn thực hiện công việc. Có thể nói phân tích công việc là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự thành công của một hệ thống ĐGTHCV. Nó giúp xác định chính xác khả năng nào là cần thiết, năng lực, tiêu chí nào mới là yếu tố quyết định tới kết quả cuối cùng.
- Tính chủ quan của người đánh giá:
Trong nhiều trường hợp, yếu tố tình cảm và định kiến lại chi phối kết quả đánh giá. Ví dụ: Do có định kiến hoặc do quý mến một vài cá nhân nào đó mà nhà quản lý có thể đánh giá theo cảm tính chủ quan của mình mà gây sai lệch kết quả đánh giá. Tác hại của nó là rất lớn đến động lực làm việc của người lao động cũng như các vấn đề khác trong quản lý nhân lực.
1.4.2. Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp
- Đối thủ cạnh tranh:
Đối thủ cạnh tranh là yếu tố tác động tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động ĐGTHCV nói riêng của doanh nghiệp. Thông qua việc ghi nhận và phản ánh trung thực thành tích cũng như năng lực của người lao động, ĐGTHCV giúp họ tăng năng suất, chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh việc làm với đối thủ.
- Các quy định luật pháp của nhà nước:
Việc xây dựng và ban hành các quy định, quy chế về ĐGTHCV phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, dựa trên nền tảng cơ bản là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Quản lý lao động đúng pháp luật, không vi phạm quyền lợi, nhân phẩm của người lao động sẽ nâng cao hình ảnh cũng như vị thế của doanh nghiệp.
- Các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội:
Các vấn đề dân số, việc làm, ổn định kinh tế, văn hóa tổ chức... không chỉ ảnh hưởng đến quan điểm, triết lý kinh doanh, phương pháp đãi ngộ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, hình ảnh và danh tiếng của tổ chức. Do đó, tổ chức cần nghiên cứu kỹ các yếu tố này để áp dụng các phương pháp ĐGTHCV sao cho hiệu quả nhất.