Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã được thẩm định, phê duyệt xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đạt được thành tích đáng tự hào đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể địa phương cùng toàn thể nhân dân đã tập trung mọi nỗ lực, thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
NAM ĐỊNH - TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI HỢP TÁC ĐẦU TƯ
Một quần thể kiến trúc độc đáo
Phủ Tiên Hương được xây dựng từ thời Vua Lê Cảnh Trị. Từ đó tới nay, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc, Phủ cũng đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn dấu tích của phủ cổ trước kia. Năm 1996, Phủ Tiên Hương đã được sửa chữa lớn để thờ phụ thân của Mẫu Liễu Hạnh và thờ đức Thánh Trần. Phủ Tiên Hương có tổng cộng 19 tòa cùng 81 gian lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, bao gồm các công trình chính nối tiếp nhau: Hồ nước - ba tòa phương đình - hồ bán nguyệt - công trình chính. Trong đó, quan trọng nhất là công trình chính gồm có bốn lớp cung bề thế, mái nối mái, nở dần từ ngoài vào trong, tạo không gian nội thất trong Phủ Tiên Hương rộng phía ngoài và sâu hút phía trong.
Cung đệ tứ rộng nhất, dài 20m, rộng 9,8m, lợp ngói âm dương, trên bờ nóc mái cung đều có ngoàm đỡ hoành được nối với nhau thành bộ khung chắc chắn. Chính giữa cung đệ tứ có nhang án thờ Tứ phủ Công đồng. Một tòa cửu long với 36 ngọn đèn được đặt trước nhang án. Trong cung còn có các kiệu thờ Mẹ và kiệu võng.
Cung đệ tam thấp và hẹp hơn cung đệ tứ, gồm 5 gian, dài 13m, rộng 6,3m. Hai sập thờ trong cung chân uốn cong, chạm nổi các mặt hổ phù, hoa lá, bốn góc chạm hình “thao thiết” (nửa mặt hổ phù).
Cung đệ nhị được xây hẹp lại như kiểu nhà cầu, rộng 2,5m, dài 11,3m, nối mái cung đệ nhất với cung đệ tam. Trong cung, có một ban thờ Tứ vị chầu Bà và ba bộ long ngai lớn đặt trên ba sập thờ.
Cung đệ nhất (cung cấm) được tách bởi một hệ thống cửa ngăn với cung đệ nhị, dùng hoàn toàn ánh sáng điện hoặc nến mờ ảo, tạo không gian linh thiêng. Cung này dài 10m, rộng 7,6m, gồm ba gian, là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Tổ Phụ, Tổ Mẫu.
Ngoài kiến trúc độc đáo, Phủ Tiên Hương còn lưu giữ được 16 đạo sắc phong thần cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đạo sớm nhất ghi ngày 10 tháng chạp năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) phong Thánh Mẫu là Mã Vàng Công Chúa thượng đẳng thần, muộn nhất là đạo sắc ghi ngày 25/7/1924.
Trung tâm của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Không chỉ là một quần thể kiến trúc độc đáo, Phủ Dầy nói chung, Phủ Chính Tiên Hương nói riêng còn là nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát Chầu văn. Tại đây, hàng ngày vẫn diễn ra các hoạt động nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu
Tam Phủ như diễn xướng chầu văn qua các giá đồng với sự tham gia thể hiện của các nghệ nhân thanh đồng.
Thời điểm quan trọng nhất trong năm từ ngày 3-8 tháng Ba âm lịch hàng năm, hàng nghìn du khách thập phương lại tập trung về Phủ Dầy nói chung và Phủ Tiên Hương nói riêng để tham dự các lễ hội lớn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam như: lễ Rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Chính Tiên Hương, hội kéo chữ (Hoa trượng hội) với bộ chữ “Quốc thái dân an” và “Thiên hạ thái bình”.
Với sức hút lớn của Phủ Dày nói chung và Phủ Tiên Hương nói riêng, sự kiện này được tỉnh Nam Định xác định là một trong những hoạt động nhằm quảng bá cho du lịch của tỉnh. Chính vì vậy, xung quanh hoạt động chính là tuyên truyền giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về những nét độc đáo trong việc thực hành các nghi thức thờ Mẫu, tỉnh Nam Định còn tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ khác như: Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn, thi đấu cờ người, tổ chức triển lãm ảnh, múa rối nước...
Với những giá trị đặc biệt, Phủ Dầy đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.