Yếu tố chủ quan

Một phần của tài liệu 1402 tăng cường huy động nguồn vốn từ dân cư và các tổ chức xã hội tại NHTM CP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh bắc giang luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 35 - 39)

1.3.2.1. Chiến lược kinh doanh của ngân hàng

Ngân hàng cần xác định vị trí của mình trong hệ thống, thấy được điểm mạnh, điểm yếu; cơ hội và thách thức của mình. Trên cơ sở đó, dự đoán sự thay đổi của môi trường để xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp mà trong đó chiến lược phát triển quy mô và chất lượng nguồn vốn là một bộ phận quan trọng. Trong từng thời kỳ, dựa trên chỉ tiêu được giao, ngân hàng lên kế hoạch cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn, đặc biệt chú trọng tới chi phí huy động vốn. Mục tiêu là phải tìm kiếm được nguồn vốn rẻ, ổn định thông qua những hình thức huy động khác nhau, có như vậy ngân hàng mới chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả. Với tác dụng to lớn như vậy, nếu chiến lược kinh doanh được lựa chọn đúng đắn, các nguồn vốn được khai thác một cách tối đa thì công tác huy động vốn sẽ phát huy được hiệu quả.

1.3.2.2. Chính sách lãi suất

Chính sách lãi suất là tổng hợp các loại chính sách và quy phạm được đặt ra về lãi suất của một ngân hàng trong một thời kỳ nhất định. Lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng là nhân tố ảnh hưởng tới tâm lý, hành vi gửi và vay tiền của người dân. Khi lãi suất ngân hàng lớn hơn lãi suất đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế sẽ kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng và ngược lại. Để thu hút và duy trì mối quan hệ với các khách hàng, ngân hàng phải ấn định từng mức lãi suất cụ thể cho từng đối tượng khách hàng, từng loại số dư

và kỳ hạn, thực hiện những ưu đãi về lãi suất cho những khách hàng lớn, khách hàng có uy tín.

1.3.2.3. Chính sách khách hàng

Trong thế giới cạnh tranh không ngừng, khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn các hình thức đầu tư của mình.Khách hàng chỉ tìm đến gửi tiền, vay tiền ở những nơi mà họ cảm thấy thuận tiện nhất chứ không chỉ đơn thuần là lãi suất. Trong điều kiện ít có sự khác biệt về sản phẩm ngân hàng và giá cả như hiện nay thì chính sách khách hàng trở thành nhân tố quan trọng, giúp các ngân hàng giữ vững và phát triển thị phần của mình. Do vậy, ngân hàng phải hiểu động cơ, thói quen, mong muốn của các khách hàng. Trên cơ sở đó, ngân hàng có thể đưa ra một hệ thống các chính sách về dịch vụ, về sản phẩm mới, chính sách về giá cả, chính sách về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại.

1.3.2.4. Vốn tự có của bản thân ngân hàng

Vốn tự có của một NHTM không chỉ quyết định đến uy tín của NHTM, mà còn ảnh hưởng tới quy mô hoạt động kinh doanh của ngân hàng đó, cũng như ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn và khả năng cho vay khách hàng, bởi ngân hàng tuy kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ nhưng vẫn phải tuân theo quy tắc quản lý nguồn vốn, phòng ngừa và kiểm soát các rủi ro.

1.3.2.5. Trình độ công nghệ ngân hàng

Trong những năm qua, nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới liên quan đến hoạt động ngân hàng ra đời như thẻ rút tiền tự động, thẻ tín dụng, hệ thống thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển tiền qua Internet (Internet Banking), chuyển tiền tại nhà (Home Banking), chữ ký điện tử,. Qua đó, giới hạn thị trường trong và ngoài nước mất đi nhờ mạng thông tin toàn cầu Internet. Tuy nhiên, việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng qua việc ứng dụng công nghệ cao phải đi liền với việc đảm bảo an ninh mạng để kiểm soát rủi ro trong quá trình giao dịch. Thực tế khách hàng sẽ tin

tưởng yên tâm hơn khi gửi tiền ở một ngân hàng có trình độ công nghệ ngân hàng cao. Và khi khách hàng đã thực sự yên tâm gửi tiền thì ngân hàng dễ dàng phát triển trong việc huy động vốn.

1.3.2.6. Uy tín của Ngân hàng

Có thể gọi đây là tài sản vô hình của ngân hàng. Uy tín bao gồm uy tín của ngân hàng trong toàn hệ thống, của các thành viên trong hội đồng quản trị, ban giám đốc. Khách hàng bao giờ cũng tìm đến những ngân hàng có uy tín cao trên thị trường để gửi tiền hoặc vay tiền và mong rằng ngân hàng có thể đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của mình. Có như vậy, đồng vốn đầu tư của họ mới hạn chế rủi ro. Một ngân hàng lớn, có uy tín sẽ có lợi thế hơn rất nhiều trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng. Sự tin tưởng của khách hàng sẽ giúp cho ngân hàng có khả năng ổn định khối lượng vốn huy động và tiết kiệm chi phí huy động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn, tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng.

1.3.2.7. Hoạt động Marketing

Hoạt động Marketing giúp ngân hàng nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng của khách hàng. Từ đó, ngân hàng đưa ra được các hình thức huy động vốn, chính sách lãi suất, chính sách khách hàng, chính sách tiếp thị,...phù hợp. Đồng thời các NHTM phải tiến hành thu thập thông tin đầy đủ, kịp thời để nắm bắt được nhu cầu của thị trường từ đó có các biện pháp hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh để giành ưu thế về mình.

1.3.2.8. Tác phong giao tiếp của nhân viên ngân hàng

Con người vẫn là yếu tố quyết định, gây dựng uy tín của ngân hàng đối với khách hàng, khẳng định vị trí của ngân hàng trong nền kinh tế. Tác phong giao tiếp, phong cách phục vụ của nhân viên ngân hàng giúp người gửi tiền tin tưởng và đôi khi ảnh hưởng quyết định đến sự lựa chọn khi gửi tiền của họ. Trình độ nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng càng cao, mọi thao tác nghiệp

vụ thực hiện nhanh chóng, chính xác , có hiệu quả, thái độ phục vụ, tác phong làm việc của cán bộ ngân hàng tốt, nhiệt tình, cởi mở, tạo thuận lợi cho khách hàng sẽ gây được ấn tượng tốt đối với khách hàng, thu hút được nhiều khách hàng hơn.Do đó để thu hút khách hàng gửi tiền, đi đôi với việc trau dồi kiến thức, nghiệp vụ, cán bộ ngân hàng phải thường xuyên chú ý đến thái độ phục vụ của mình sao cho vừa lòng khách hàng.

Nếu ngân hàng quản lý tốt về mặt nhân sự, tài sản nợ, tài sản có, tức là trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình ngân hàng dự đoán được những rủi ro xảy ra, dự đoán được môi trường đầu tư của mình có hiệu quả hay không thì quá trình hoạt động của ngân hàng đảm bảo được an toàn vốn, tăng uy tín, tạo điều kiện thu hút khách hàng gửi tiền cũng như vay tiền

Tóm lại, NHTM ra đời cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa xã hội, lúc sơ khai chỉ là nghiệp vụ giữ hộ tiền. Thông qua việc cho vay, huy động vốn, nghiệp vụ thanh toán hộ, ngân hàng thực sự xuất hiện. Ngày nay, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng ngày càng đa dạng, tiện ích, hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hoạt động truyền thống và đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngân hàng vẫn là nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn. Mỗi hình thức huy động vốn đều có những ưu điểm và hạn chế của nó, nên tùy điều kiện cụ thể, người điều hành ngân hàng phải biết tính toán, tìm kiếm hình thức huy động hợp lý nhằm đáp ứng mục tiêu của mình là huy động tốt nhất, nguồn vốn an toàn nhất và với giá rẻ nhất.

Như vậy, chương 1 đã đề cập và nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về nguồn vốn và huy động vốn của NHTM. Những vấn đề đã được lựa chọn phân tích ở trên nhằm làm cơ sở lý luận cho những vấn đề thực tiễn trong hoạt động nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng tại Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam - Chi nhánh Bắc Giang nêu trong chương 2.

1.4. MỘT SỐ CƠ SỞ ĐỂ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ TRONG HOẠTĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Một phần của tài liệu 1402 tăng cường huy động nguồn vốn từ dân cư và các tổ chức xã hội tại NHTM CP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh bắc giang luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 35 - 39)