7. Kết cấu của chuyên đề
2.3. Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
- Thực trạng hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam
Đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài" đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tại Quyết định 236/QĐ- TTg ngày 20/2/2009, xác định cả các lĩnh vực
ưu tiên cũng như giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động này triển khai có hiệu quả. Các dự án đầu tư ra nước ngoài được ưu tiên hỗ trợ thuộc các lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực trồng cây công nghiệp. Đồng thời, các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng thuộc đối tượng khuyến khích và hỗ trợ.
Đến năm 2013, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, khẳng định sự nỗ lực và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt, và mở ra một cánh cửa với nhiều hi vọng cho những chiến lược kinh doanh mới.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lập cơ sở làm ăn tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường, đồng thời doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, từ đó nâng dần năng lực cạnh tranh. Dự kiến năm 2013 này, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1 – 1,5 tỷ USD; vốn thực hiện sẽ khoảng 900 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chính thức khởi động từ năm 1989, với cột mốc đầu tiên là dự án liên kết giữa đối tác Việt Nam và một đối tác của Nhật Bản với số vốn đăng ký là 563.380 USD. Ở giai đoạn đầu của xu hướng được xem là những bước thăm dò cơ hội.
Trong giai đoạn từ 1989 – 1998 cả nước chỉ có 12 dự án đăng kí ra nước ngoài đầu tư. Tình hình cải thiện hơn khi bước sang giai đoạn từ 1999-2005, trong thời gian này làn sóng đi đầu tư ở nước ngoài bắt đầu nhiều, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 128 dự án đăng kí trong 6 năm này.
Song, nếu nói về số lượng và quy mô của dự án đầu tư ra nước ngoài phải nhắc đến giai đoạn 2006 - 2012. Tính từ 2006 - 9/2012, có 578 dự án được cấp phép đầu tư ở nước ngoài. Điểm đến của các nhà đầu tư Việt Nam, ngoài các thị trường lân cận, quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga, doanh nghiệp đã đi tới cả những quốc gia vốn đang là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Âu, châu Mỹ Latinh...
Những năm vừa qua, làn sóng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến 20/12/2012 đã có 712 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lũy kế đến hết năm 2012, vốn thực hiện ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Riêng năm 2012 vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã từng bước đi vào nề nếp, có một số dự án đã bước đầu thành công và đã chuyển lợi nhuận về nước. Đến nay, đầu tư ra nước ngoài ở nhiều lĩnh vực đã đạt được nhiều thành công như lĩnh vực dầu khí, bưu chính viễn thông.
- Về hành lang pháp lý đầu tư ra nước ngoài:
Đến nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Hành lang pháp lý quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng địa bàn kinh doanh khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ tiếp tục cải thiện.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2012, Việt Nam đã có 222 dự án được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng kí đầu tư là 3,8 tỷ USD. Còn, như số liệu của Hội đồng Phát triển Campuchia, từ 1994 đến 2012, doanh ngiệp Việt Nam đã đầu tư trên 1,5 tỷ USD vào Campuchia trong tổng vốn 50 tỷ USD FDI của 2.000 dự án đã được Campuchia cấp phép.
- Một số doanh nghiệp điển hình trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài:
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay bao gồm cả doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước và tư nhân. Hoạt động này đang diễn ra sôi nổi nhằm mở rộng thị phần không ngừng ra các thị trường quốc tế.
Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) đang đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia. Từ năm 2007, tập đoàn bắt đầu tiến hành khảo sát và hướng tới trồng 100.000 ha cao su ở hai nước này với 19 doanh nghiệp hoạt động tại Campuchia. Năm 2012, VRG đã trồng được 70.000 ha cao su và trồng mới 25.000 ha. Mục tiêu đến năm 2014 sẽ trồng đạt 100.000 ha và tổng mức đầu tư các dự án trồng cao su ở nước ngoài là 1 tỷ USD.
Nói đến đầu tư ở nước ngoài có thể nhắc đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là tập đoàn tư nhân của Việt Nam. Ngoài đầu tư các dự án cao su, đến thời điểm này, Hoàng Anh Gia Lai không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất (chiếm 26%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn du lịch và trung tâm thương mại tại Myanmar.
Lĩnh vực dầu khí cũng được xem là thế mạnh của Việt Nam khi đầu tư ra ngoài nước. Việt Nam là quốc gia nước ngoài duy nhất được cấp phép tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí tại Nga. Công ty liên doanh TNHH RusVietpetro giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Nga đã được thành lập, và cấp phép khai thác 4 mỏ tại khu tự trị Yamalo-Nenetsky và từ tháng 9/2010 đã bắt đầu bắt tay vào khai thác. Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 5,28 tỷ USD, trong đó vốn đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện là 1,81 tỷ USD. Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò nhiều dự án dầu khí ở một số quốc gia khác.
Công nghệ thông tin bưu chính viễn thông cũng là điểm sáng trong hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, tiêu biểu nhất là hoạt động đầu tư của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel). Như thông tin Viettel cho biết, với sự kiện Công ty Viettel Cameroun S.A.R.L (liên doanh giữa Viettel Global và Công ty Bestinver Cameroon S.A.R.L) đã thắng thầu giấy phép nhà cung cấp di động thứ 3 tại thị trường Cameroon đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho Viettel. Cameroon là thị trường nước ngoài thứ 7 mà Viettel đã bắt tay vào kinh doanh sau thị trường Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Đông Timor.
Tóm lại: Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Việt Nam luôn chủ động sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế bằng các chính sách phù hợp thể hiện tính nhạy bén thích ứng với điều kiện chung. Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, cải tổ nền kinh tế để phù hợp với nội tại và bối cảnh chung của kinh tế thế giới đồng thời Việt Nam ngoài phát triển kinh tế trong nước cũng chủ động đầu tư ra nước ngoài.
Chương 3: ĐÁNH GIÁ CÁC CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM VÀ PHƯỚNG HƯỚNG HỘI NHẬP KTQT CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI