Kiến nghị và giải pháp

Một phần của tài liệu ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM XỬ LÝ NỢ XẤU TRONG HỆ THỐNG NHTM VIỆT NAM (Trang 31 - 32)

3.2.1. Kiến nghị dựa trên bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới:

- Chính phủ nên mua nợ xấu của các ngân hàng đồng thời giúp các ngân hàng tái cơ cấu vốn nhằm tránh rủi ro mất khả năng thanh toán bằng cách mua cổ phần ưu đãi của ngân hàng, mua lại các tài sản có vấn đề.

- NHNN nên sớm hoàn thiện chức năng hoạt động của công ty xử lý nợ xấu, hỗ trợ nguồn vốn lớn, cho phép công ty phát hành trái phiếu cho các ngân hàng để thu hút vốn hoạt động. Công ty xử lý nợ xấu có thể mua các khoản nợ khó đòi để thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hóa với các sản phẩm chứng khoán được đảm bảo bởi tài sản cầm cố và bán lại cho các nhà đầu tư. NHNN cũng cần tạo dựng một tiềm lực pháp lý vững mạnh cho công ty này, trao quyền ngoại lệ đặc biệt để xử lý, mua lại nợ xấu, thậm chí đầu tư và sinh lời từ đó. Công ty xử lý nợ xấu có thể khởi xướng thanh lý tài sản, hoán đổi nợ sang cổ phần, tổ chức đấu giá các khoản nợ, và kể cả tham gia trực tiếp vào quản lý các doanh nghiệp có nợ xấu. Bên cạnh đó, công ty xử lý nợ mua các khoản nợ xấu từ những ngân hàng với giá thị trường, thanh toán bằng trái phiếu do công ty phát hành được đảm bảo bởi Chính phủ nhằm giảm thiểu việc chi bằng tiền mặt. Bằng cách này, các khoản nợ xấu của những ngân hàng này được thay thế bằng tài sản an toàn, cụ thể là trái phiếu được đảm bảo bởi Chính phủ. Về nhân lực, đội ngũ nhân viên của các tổ chức, công ty xử lý nợ nên là những nhân viên từ các ngân hàng lớn với chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, cùng vơi đội ngũ cán bộ quản lý độc lập.

- Để tăng cường khả năng giám sát và tính độc lập, tự chủ trong quản lý, điều hành các chính sách tiền tệ của NHNN, NHNN cần chuyển hình thức trực thuộc Chính phủ sang hình thức trực thuộc Quốc hội. Tiếp theo là củng cố và tăng cường hệ thống giám sát tài chính bằng việc thành lập Ủy ban Giám sát Ngân hàng, tập trung, tăng cường kiểm tra công tác quản trị rủi ro ở các ngân hàng.

- Chính phủ cần vạch ra kế hoạch tổng thể và đồng bộ, gắn việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với tiến trình tái cấu trúc hệ thống các DNNN, tái cơ cấu các khoản nợ của những doanh nghiệp này, chuyển đổi mô hình kinh doanh ngân hàng, tăng cường chất lượng quản trị, giám sát tổng thể thị trường tài chính, khuyến khích sáp nhập bằng cách hỗ trợ tài chính và lợi ích về thuế cho các ngân hàng. Các ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động cùng với việc lên kế hoạch cải tổ, phục hồi năng lực tài chính thông qua tái cấp vốn.

- Tiến hành cổ phần hóa toàn bộ các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, làm cho vai trò của Chính phủ trong hệ thống ngân hàng giảm dần, tăng năng lực tự quản lý của các ngân hàng, tránh tình trạng ngân hàng bị Chính phủ chi phối trong các quyết định cho vay.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc làm này sẽ thúc đẩy các ngân hàng minh bạch thông tin, tình hình hoạt động, tài chính, kế hoạch đầu tư, sổ sách kế toán và đặc biệt là các khoản nợ xấu, buộc các ngân hàng phải xây dựng cơ chế quản trị theo chuẩn quốc tế, kinh doanh theo định hướng thương mại nhiều hơn, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Từ đó, các biện pháp xử lý nợ xấu sẽ được ngân hàng tích cực thực hiện nhằm tăng tính cạnh tranh hơn trong hệ thống.

Một phần của tài liệu ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM XỬ LÝ NỢ XẤU TRONG HỆ THỐNG NHTM VIỆT NAM (Trang 31 - 32)