Xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trước đây là căn cứ địa Cách mạng của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau chiến tranh, quân và dân Cẩm Sơn tiếp tục bắt tay vào công cuộc khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, đặc biệt là thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nằm ở phía Nam huyện nơi con sông Ba Rài chảy qua, xã Cẩm Sơn gồm 4 ấp, tổng diện tích hơn 1.250 ha, có 3.200 hộ dân, trên 8.200 nhân khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Dựa trên tiềm năng, lợi thế, cũng như khó khăn, thách thức của xã vùng căn cứ kháng chiến, trong công cuộc xây dựng NTM, Cẩm Sơn xác định tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên: Xây dựng hệ thống chính trị đủ mạnh; phát huy tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề, giúp nông dân làm giàu, giảm nghèo bền vững, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để cán đích NTM theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra.
Đảng bộ xã có 11 chi bộ, 162 đảng viên, 640 gia đình chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với Cách mạng. Đây là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò tích cực trong phong trào xây dựng NTM thông qua những việc làm thiết thực như vận động người dân hiến đất để làm đường giao thông, xây dựng hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất, sinh hoạt; tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường sạch, đẹp… Hàng năm, Đảng bộ xã đều được công nhận trong sạch, vững mạnh, riêng năm 2017 được công nhận trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ huyện Cai Lậy.
Về phát triển sản xuất, 10 năm qua, xã Cẩm Sơn phát huy thế mạnh kinh tế vườn với các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, bưởi da xanh, mít hái… Hiện nay, 86% diện tích
đất sản xuất nông nghiệp của xã được chuyển
đổi thành vườn chuyên canh. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7%. Để khuyến khích nông dân làm giàu,
chính quyền, các ban, ngành đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời, nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp
nhau thoát nghèo bền vững. Sau trận lũ lịch sử năm 2000 gây
thiệt hại năng nề, Đảng ủy và chính quyền xã Cẩm Sơn đã quy hoạch lại các vùng sản xuất, định hướng cây trồng, vật nuôi theo hướng "chung sống với lũ". Trên cơ sở đó, kêu gọi nông dân cải tạo vườn, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản như
sầu riêng với diện tích rộng gần 800 ha và mít hái (khoảng 200
ha)… Sản lượng sầu riêng cho năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán hơn 100.000 đồng/kg; mít hái đạt 30 tấn/ha, giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, mỗi ha đất trồng mít và sầu riêng cho nguồn lợi hàng tỷ đồng/năm.
Ngoài những kết quả trong sản xuất nông nghiệp, Cẩm Sơn đang từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại. Xã có 20 tuyến đường làng ngõ xóm, chiều dài trên 22 km đã được bê
tông hóa 100%, trong đó có gần 13 km đạt chuẩn theo quy định;
14/26 km của 17 tuyến đường ấp và liên ấp đạt chuẩn. Những chiếc cầu ván tạm bợ được thay thế bằng cầu bê tông kiên cố, nối các khu vực xa xôi, hẻo lánh với trung tâm xã. Riêng năm 2017, xã có 6 công trình giao thông được nâng cấp, mở rộng với kinh phí đầu tư trên 6,2 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng kinh phí đầu tư cho mạng lưới giao thông của xã là hơn 15,6 tỷ đồng, riêng nguồn huy động từ người dân địa phương đóng góp gần 5,3 tỷ đồng. Tính chung, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM thông qua Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng NTM của xã Cẩm Sơn đạt trên 178,5 tỷ đồng,
trong đó đóng góp của nhân dân khoảng 104 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 58,5% tổng nguồn vốn huy động. Ngoài ra, người dân trong xã cũng hiến tặng hơn 9.000 m2 đất để xây dựng các công trình giao thông. Nỗ lực xây dựng NTM của người dân xã Cẩm Sơn đã được đền đáp tương xứng, cuối năm 2017, xã đạt 19/19 tiêu chí, về đích trước thời gian 2 năm so với lộ trình đề ra. Đây được xem là một trong những thắng lợi mới của Cẩm Sơn trên con đường
xây dựng quê hương, đúng
dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ba Rài (1967 - 2017).
Về Cẩm Sơn hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của một xã thuần nông, khi khoác lên mình diện mạo mới. Đặc biệt, năm
2018, xã được chọn là địa
điểm xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Hiện xã đang nỗ lực thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu (Sản xuất - hu nhập - Hộ nghèo; Giáo dục - Y tế - Văn hóa; Môi trường; An ninh trật tự - Hành chính công) theo Quyết định số 691/ QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của hủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Cẩm Sơn đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, tập trung huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế giá trị cao, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2018 - 2020, xã Cẩm Sơn xây dựng NTM kiểu mẫu theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Có thể thấy, quê hương chiến thắng Ba Rài đang đổi thay từng ngày và chắc chắn, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, cũng như sự chung sức, đồng lòng của nhân dân địa phương, vùng đất giàu truyền thống Cách mạng sẽ vững bước đi lên và sớm cán đích xã NTM kiểu mẫu■
TRƯƠNG THỊ GIANG