Đối với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu 0138 giải pháp mở rộng hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại NHTM CP á châu chi nhánh thái nguyên luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 90 - 93)

3.3.1.1. Hoàn thiện môi trường pháp lý hoạt động kinh doanh ngoại tệ

Trong những năm gần đây, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam đã có những đổi mới quan trọng như cá nhân nhận kiều hối không bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng. Những thay đổi đó đã đem đến những thành công ấn tượng như lượng kiều hối chuyển từ nước ngoài về nước và dự trữ ngoại hối quốc gia có mức tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, chính sách quản lý ngoại hối của nước ta vẫn còn những bất cập nhất định so với yêu cầu của thực tiễn. Yêu cầu đặt ra về hoàn thiện chính sách

quản lý ngoại hối là cần phải khắc phục được những tồn tại để phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế. Do đó, NHNN cần phải:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp về lãi suất, điều hành tỷ giá, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ... để tạo sự hấp dẫn cho người dân sẵn sàng gửi hay bán ngoại tệ trong nước Việt Nam.

- Có các quy định và biện pháp cương quyết hơn đối với những nguồn ngoại tệ bất hợp pháp như tại các cửa hàng tư nhân không được phép mua bán ngoại tệ, giúp các đơn vị yên tâm khi chấp hành nghiêm túc chế độ quản lý ngoại hối. Hạn chế nguồn ngoại tệ trôi nổi tự do, nghiêm cấm hoạt động của thị trường tự do song hành với thị trường chính thức, gây ra những bất ổn mà Nhà nước không kiểm soát được. Tăng cường kiểm tra và xử phạt thật nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.

- Quản lý chặt chẽ các khoản nợ nước ngoài, đặc biệt là vay ngắn hạn, kiểm soát tốt việc bảo lãnh vay trả chậm của các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay từ nước ngoài.

- Tiến hành biện pháp kết hối để hạn chế tình trạng khan hiếm ngoại tệ như hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài, biện pháp kết hối không thể giải quyết được nguồn gốc của sự mất cân đối giữa cung cầu ngoại tệ cũng như trị dứt điểm sự đầu cơ tỷ giá trên thị trường. Do đó, việc xây dựng một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn đang trở nên cấp thiết cần phải có một khung rộng hơn cho tỷ giá giao động mà vẫn ở trong tầm kiểm soát của Nhà nước.

3.3.1.2. Hoàn thiện chính sách tỷ giá

Để phát huy được hiệu quả của chính sách tỷ giá, điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, yêu cầu phải thực hiện đồng loạt các giải pháp sau:

- NHNN luôn xác định chế độ tỷ giá của nhà nước ta là chế độ tỷ giá thả nổi có sự điều tiết của nhà nước và đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng tự do hoá dần theo cung cầu của thị trường.

- Củng cố và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Đây là cơ sở quan trọng để NHNN can thiệp và điều hành tỷ giá, tạo điều kiện cho các ngân hàng

thương mại trong hoạt động mua bán ngoại tệ, qua đó giải quyết nhanh chóng nhu cầu của doanh nghiệp.

- Công bố tỷ giá thị trường liên ngân hàng và biên độ tỷ giá linh hoạt hơn và sát với thị trường.

- Nâng cao dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và khối lượng ngoại tệ đang có trên thị trường, từ đó NHNN đảm nhiệm được vai trò là người mua bán cuối cùng vì NHNN mới có thể can thiệp thị trường một cách có hiệu quả, giúp các ngân hàng thương mại có đủ nguồn ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

- Có chính sách khuyến khích các công ty xuất nhập khẩu và ngân hàng thương mại đa đạng hoá cơ cấu tiền tệ trong giao dịch ngoại thương để nâng cao sự cân đối giữa lượng cung và cầu ngoại tệ, qua đó đa dạng hoá tiền tệ của nền kinh tế.

- Cần phải điều chỉnh lại tỷ lệ % cộng vào mức trần tỷ giá giao ngay trong xác định tỷ giá cho giao dịch kỳ hạn, hoán đổi đối với các ngân hàng thương mại. Tiến tới từng bước tự do hoá lãi suất và tỷ giá nhằm bãi bỏ tỷ lệ này thay vào việc áp dụng lãi suất thị trường để xác định tỷ giá kỳ hạn, đảm bảo tính khách quan, nhằm thu hút đông đảo khách hàng tham gia vào thị trường.

3.3.1.3. Cải thiện cán cân thanh toán quốc tế

Chính sách kinh tế đối ngoại có ảnh hưởng lớn tới định hướng phát triển hoạt động kinh doanh ngoại tệ của Chi nhánh và Sở giao dịch. Nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ chỉ có thể phát triển khi nền kinh tế có những quan hệ kinh tế đối ngoại có liên quan đến nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ. Cải thiện cán cân thanh toán cũng là một trong những vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm để phát triển của nền kinh tế.

Những giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu và đẩy mạnh đầu tư thu hút nước ngoài.

- Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU... Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, xác định được cơ cấu hàng xuất

khẩu phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái phù hợp đảm bảo có lợi cho nhà sản xuất.

- Đối với hoạt động nhập khẩu trước tiên cần phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng nhập lậu qua biên giới. Nhà nước có thể bổ sung hình phạt nghiêm khắc đối với cả người nhập lậu qua biên giới và người tiêu thụ hàng ngoại trái phép. Từ đó đưa các hoạt động thanh toán quốc tế thực hiện minh bạch qua các NHTM, thúc đẩy hoạt động thanh toán, KDNT tại các NHTM phát triển.

Một phần của tài liệu 0138 giải pháp mở rộng hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại NHTM CP á châu chi nhánh thái nguyên luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 90 - 93)