Thực trạng sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Pháp luật về hóa đơn giá trị gia tăng ở Việt Nam (Trang 36 - 43)

Thực trạng sử dụng hóa đơn GTGT là tấm gương phản chiếu rõ rệt việc thực hiện các quy định pháp luật có liên quan tới hóa đơn GTGT ở Việt Nam hiện nay.

Vì vai trò, chức năng đặc biệt quan trọng của hóa đơn GTGT đối với Nhà nước và cả người bán, người mua mà việc sử dụng hóa đơn GTGT trong những năm gần đây, bên cạnh những kết quả đạt được còn xuất hiện nhiều hành vi vi phạm khiến câu chuyện về sử dụng hóa đơn nói chung và hóa đơn GTGT nói riêng trở thành vấn đề mang tính sống còn đối với việc thu ngân sách nhà nước. Các hành vi vi phạm diễn ra mạnh và có chiều hướng ngày càng phức tạp nhưng đều có chung một mục đích trốn thuế hoặc lợi dụng chính sách khấu trừ, hoàn thuế để rút tiền từ ngân sách nhà nước. Hậu quả đã khiến cho ngân sách nhà nước hàng năm thất thoát số tiền thuế rất lớn. Điều này không đơn thuần chỉ là thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng tới nền tài chính, tiền tệ của một quốc gia.

Các quy định pháp luật về hóa đơn GTGT có nhiều thay đổi nhưng đối tượng sử dụng hóa đơn GTGT tăng dần qua các năm. Có thể quan sát sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn thông qua báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2013 qua bảng số liệu 2.2 sau [10, 11, 12]:

32

Bảng 2.2: Báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2013

Chỉ tiêu 2011 2012 2013

Số báo cáo tình hình sử dụng hóa

đơn phải nộp (A) 241.398 265.988 361.873

Số báo cáo tình hình sử dụng hóa

đơn nhận được (B) 182.238 253.348 329.305

Tỷ lệ (B/A) 85% 95% 91%

Số chuyển vào QLAC (C) 158.547 222.156 299.667

Tỷ lệ (C/B) 87% 88% 90%

(Nguồn: Cục thuế thành phố Hà Nội)

Có thể thấy số lượng các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2013, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp tăng dần. Không khó để lý giải hiện tượng này. Do sự ra đời của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và việc đăng ký thành lập doanh nghiệp khá dễ dàng nên lượng các doanh nghiệp gia nhập thị trường lớn hơn lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản.

“Báo cáo gần nhất của Chính phủ hiện có 468.600 doanh nghiệp đang còn hoạt động, chiếm 70% trong tổng số 663.800 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập” [17]. Với số lượng khổng lồ về đăng ký thành lập thì việc kiểm

soát hoạt động sử dụng hóa đơn GTGT trong các doanh nghiệp này đã tạo khó khăn không nhỏ cho các cơ quan quản lý nói chung và cơ quan quan thuế nói riêng. Theo thống kê, trong 10 sắc thuế được ban hành có tới 5 sắc thuế bị tội phạm lợi dụng nhiều nhất. Cũng trong danh sách này, thuế GTGT có vị trí đứng đầu mà cách thức chủ yếu là thông qua hóa đơn GTGT với số tiền vô cùng lớn. Đặc biệt, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước thông qua hoàn thuế GTGT đang có những diễn biến phức tạp nhất. Lợi dụng

33

những khoảng trống trong các quy định pháp luật về hóa đơn GTGT mà các hành vi vi phạm của đối tượng nộp thuế sử dụng để gian lận thuế thông qua hóa đơn GTGT chủ yếu là:

Bỏ ngoài sổ sách kế toán.

Đây là thủ đoạn khá phổ biến hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp thường sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán: một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế; hệ thống sổ kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế để khai thuế. Kiểu hành vi này thường diễn ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là hoạt động kinh tế ngầm mà môi trường thuận lợi chính là nền kinh tế có giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt như Việt Nam. Tình huống này rất khó xác định số thuế thất thu. Dạng thức của hoạt động này là doanh nghiệp bán hàng hóa nhưng không xuất hóa đơn GTGT cho người mua. Mục đích của việc làm này của các doanh nghiệp là muốn giảm số thuế GTGT đầu ra và tăng số thuế GTGT đầu vào để khi cơ quan thuế thực hiện khấu trừ thuế theo phương pháp khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT theo quy định của luật thuế GTGT hiện hành nhằm chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước. Sở dĩ, có hành vi này là do khi cơ quan thuế thực hiện cách xác định số thuế đầu ra hay đầu vào theo phương pháp khấu trừ hoặc có hay không việc hoàn thuế cho doanh nghiệp đều lấy hóa đơn GTGT làm căn cứ tính thuế.

Chẳng hạn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thông tin tín nhiệm và xếp hạng DN Việt Nam đã trốn thuế 1.028 triệu đồng thông qua hành vi không ghi sổ kế toán tiền bán quyền mua căn hộ; Công ty Viễn thông điện lực bán hàng không xuất hóa đơn, không phản ánh vào sổ kế toán để trốn 37 tỷ đồng [30].

Ghi giá bán thấp hơn giá thanh toán trên thực tế.

Người tiêu dùng thường không có thói quen lấy hóa đơn GTGT sau khi mua hàng vì trong nhiều tình huống việc làm này không tác động nhiều

34

tới đời sống của họ. Chỉ trong một số trường hợp nhất định buộc người tiêu dùng phải có hóa đơn GTGT để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản cần đăng ký với cơ quan nhà nước do yêu cầu của quản lý như: đăng ký xe mô tô, ô tô… để tiến hành các thủ tục đăng ký thì doanh nghiệp bán hàng hóa buộc phải lập hóa đơn GTGT giao cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, để giảm số thuế đầu ra thì doanh nghiệp buộc phải xác lập hóa đơn GTGT có giá thanh toán thấp hơn giá bán trên thực tế. Và số tiền chênh lệch giữa giá bán hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn với giá bán thực tế doanh nghiệp bỏ ngoài sổ sách kế toán.

Hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định bằng cách lập hóa đơn chênh lệch giữa liên 1 và liên 2.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp khi lập hóa đơn GTGT phải sử dụng giấy than để đảm bảo nội dung các liên là như nhau để làm cơ sở pháp lý cho hành vi mua bán hàng và phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường tạo sự chênh lệch giữa liên 1 và liên 2 khi lập hóa đơn GTGT nhằm: một mặt che giấu doanh thu tính thuế mặt khác hạch toán tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Các kiểu hạch toán sai chế độ kế toán rất đa dạng. Đó có thể là hạch toán sai tài sản kế toán. Ví dụ, thay vì phải hạch toán vào tài khoản 511 thì kế toán doanh nghiệp lại hạch toán vào tài khoản 338, 138… Các dạng hạch toán sai này chủ yếu là hạch toán toàn bộ chi phí mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản; đưa khấu hao tài sản phúc lợi vào khấu hao tài sản cố định… Và hành vi này chỉ bị phát hiện thông qua kiểm tra báo cáo quyết toán thuế hoặc qua thanh tra tại cơ sở kinh doanh. Để phát hiện được hành vi này, cán bộ thanh tra, kiểm tra phải vững vàng về nghiệp vụ kế toán và trực giác tốt khi đánh giá báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

35

Tạo giao dịch mua, bán hàng giả mạo.

Tạo giao dịch mua hàng là hành vi trốn thuế khá phổ biến hiện nay. Thực tế, doanh nghiệp không có khoản chi này nhưng đã tự tạo ra chứng từ để hợp pháp hóa khoản chi không có thực, vì thế trong hoạt động tài chính kế toán người ta vẫn thường gọi nó với cái tên “chi khống”. Chi khống được thao tác bằng việc lập những bảng kê thanh toán giả mạo với chữ ký và hợp đồng lao động giả mạo (người lao động không có thật hoặc có thật nhưng không hề làm việc cho doanh nghiệp) và mua hóa đơn GTGT của doanh nghiệp khác. Bằng việc làm này, doanh nghiệp không chỉ trốn thuế GTGT thông qua việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào mà còn trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp bán hóa đơn GTGT còn sử dụng hóa đơn khách hàng không lấy để bán cho người có nhu cầu mua hóa đơn GTGT. Cụ thể, các trường hợp xảy ra thường thấy là: sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp không do Bộ Tài chính phát hành hoặc tự in hóa đơn không được sự cho phép của Tổng Cục thuế; Mua ít hàng nhưng viết khống hóa đơn lên nhiều lần để hạch toán tăng chi phí; Hoặc sử dụng hóa đơn mua hàng mua cho cá nhân, không phục vụ kinh doanh đưa vào chi phí.

Cùng với thành lập các doanh nghiệp “ma”, thủ đoạn mua hàng hóa giả mạo thông qua hành vi mua hóa đơn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Doanh nghiệp “ma” được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng trên thực tế không có hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ nhằm mục đích đủ điều kiện để được phát hành hóa đơn GTGT. Từ đó, bán hóa đơn GTGT cho các đối tượng khác hoặc trung gian lập hóa đơn mua bán khống, lập hồ sơ giả mạo để xin hoàn thuế. Mức độ thiệt hại của hóa đơn GTGT trôi nổi là không thể kiểm soát được, bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào số chi phí đầu vào cần hợp thức hóa của doanh nghiệp mua bán hóa đơn.

36

Các doanh nghiệp “ma” có hình thức chủ yếu dưới dạng công ty TNHH hoặc doanh nghiệp tư nhân với ngành nghề đăng ký kinh doanh chủ yếu là thương mại, dịch vụ tổng hợp… vốn pháp định không lớn và không thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay chứng chỉ hành nghề. Doanh thu của các doanh nghiệp khá lớn nhưng chênh lệch giữa thuế GTGT đầu vào với thuế GTGT đầu ra ít nên kê khai thấp thậm chí có thuế GTGT phải nộp âm nhiều kỳ nhưng không làm thủ tục xin hoàn thuế…

Báo mất hóa đơn liên 2 của hóa đơn GTGT để bán hàng trốn thuế.

Doanh nghiệp báo mất hóa đơn và chấp nhận chịu nộp phạt mức thấp nhất đối với hành vi này là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế hóa đơn GTGT đó có thể được lập với số tiền gấp rất nhiều lần thậm chí cả trăm lần nếu như người sử dụng nó với mục đích để được khấu trừ hay hoàn thuế.

Khai sai chủng loại hàng hóa.

Với sự gia tăng của khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi nguồn nhân lực của cơ quan hải quan có hạn và thực hiện yêu cầu đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi trong thủ tục nên cơ quan hải quan chỉ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa khi có nghi vấn hoặc có mức độ rủi ro cao. Do đó, việc phân loại và áp mã hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tính thuế phụ thuộc rất lớn vào mức độ tuân thủ của người nộp thuế. Thực tế, qua thời gian nhiều chủ hàng đã lợi dụng các vấn đề trên để thực hiện gian lận thuế nhập khẩu

bằng việc khai báo sai tên hàng, sai mã số hàng hóa. “Theo Thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính trung bình hàng năm có khoảng 10.000 mẫu hàng hóa được phân tích, phân loại. Trong đó, mẫu khai đúng chiếm khoảng 47% sai khoảng 53% giảm thuế khoảng 7,4%” [30]. Các hành vi thường gặp là:

Thứ nhất, cố tình khai sai tên hàng hóa, chủng loại hàng hóa nhập khẩu

nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp. Chủ yếu là khai sai mã hàng có thuế suất cao sang mã hàng có thuế suất thấp. Nhiều trường hợp người nộp thuế lợi

37

dụng sự phức tạp của hàng hóa là các hỗn hợp, các hóa chất khó phân biệt, xác định bằng cảm quan để khai theo hướng có lợi cho mình.

Thứ hai, người nộp thuế gian lận thuế bằng cách nhập khẩu hàng hóa là

sản phẩm hoàn chỉnh nhưng lại tháo bớt một số bộ phận để biến thành hàng hóa chưa hoàn thiện nhằm hưởng thuế suất thấp của hàng hóa linh kiện.

Giả mạo mục đích xuất, nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế.

Chứng từ được các chủ hàng giả mạo với mục đích gian lận thường là các chứng từ nộp thuế (nhằm giải tỏa cưỡng chế thuế của cơ quan hải quan) hoặc các hồ sơ hải quan (để hợp thức hóa các lô hàng nhập lậu). Trong đó, các trường hợp phổ biến thường là gian lận thuế qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư; gian lận qua việc lợi dụng chính sách đối với hàng gia công; gian lận thông qua hình thức tạm nhập tái xuất và tạm xuất tái nhập…

Theo thống kê của Hải quan, trong những năm qua đã có 500 ô tô nhập vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng đến nay chỉ có 100 chiếc đã làm thủ tục tái xuất và được nhập khẩu trở lại. Nghĩa là, còn khoảng 400 chiếc chưa làm thủ tục tái xuất và vẫn lưu hành trong nội địa nên gây thất thu số tiền thuế rất lớn cho nhà nước.

Những liệt kê, mô tả nêu trên chưa phải là tất thảy các hành vi vi phạm của đối tượng nộp thuế về sử dụng hóa đơn GTGT song là những trường hợp rất điển hình và phổ biến xuất hiện trong tiến trình vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Những quy định pháp luật về hóa đơn GTGT trong sử dụng hiện nay đang tạo ra nhiều khoảng trống khiến các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn GTGT rất cần hoàn thiện các quy định pháp luật để công tác quản lý nhà nước về hóa đơn nói chung và hóa đơn GTGT nói riêng đạt được những kết quả đáng kể.

38

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Pháp luật về hóa đơn giá trị gia tăng ở Việt Nam (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)