2.3.1. Kết quả thực hiện chính sách phát triển du lịch tại tỉnh Cao Bằng
2.3.1.1. Kết quả xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Căn cứ các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng đã ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch, như:
Chỉ thị số 12/2010/CT-UBND ngày 8 tháng 10 năm 2010 về việc tăng cường bảo vệ Tài nguyên và Môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nhằm khắc phục những tồn tại trong hoạt động quản lý, khai thác nguồn tài nguyên du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa nghiêm; việc ô nhiễm, suy thoái, phá vỡ cảnh quan môi trường; vấn đề môi trường bức xúc; điều kiện vệ sinh, cung cấp nước sạch...
Quyết định số 2255/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh Cao Bằng về thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về phát triển du lịch trong tình hình mới, với mục tiêu chính phấn đấu đến năm 2020, du lịch Cao Bằng cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ,
tạo tiền đề vững chắc đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cao Bằng, thân thiện với môi trường; đưa Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước.
Chương trình phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020 (Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng) tiếp tục xác định du lịch là một trong sáu chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung ba trụ cột: Du lịch, Nông nghiệp công nghệ cao và Kinh tế biên mậu. Đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết, Chương trình, kế hoạch tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cho Khu hợp tác khai thác chung thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc);…
Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì trong Kế hoạch số 2295/KH-BCĐ ngày 19/8/2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị để tổ chức thực hiện, về cơ ban đáp ứng tiến độ, khối lượng công việc theo kế hoạch chung của tỉnh đã đề ra.
Ngày 16/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 50/2020/NQ-HĐND về phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Cao Bằng, trong đó có các nhiệm vụ về phát triển du lịch: Khai thác và phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng Khu du lịch thác Ban Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, là mô hình kiểu mẫu về hợp tác du lịch xuyên quốc gia.
Có thể nhận thấy, trong những năm qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phát triển du lịch đã có hiệu quả nhất định,
việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch của địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư du lịch được quan tâm, chú trọng từ cấp tỉnh đến cấp huyện... Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch; công tác xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch và thẩm định, thông qua các dự án, đề án về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh... được các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nghiêm túc triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. 10/10 huyện, thành phố của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch, hoặc lồng ghép với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn chung, tỉnh Cao Bằng đã chủ động, sáng tạo, tích cực xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển du lịch nhằm phấn đấu trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng, phấn đấu du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.
Hạn chế:
Công tác lãnh chỉ đạo trogn thực hiện chính sách phát triển du lịch của các cơ quan, đơn vị, của các cấp, các ngành đôi lúc còn thiếu quyết liệt, đặc biệt là cơ quan tham mưu về lĩnh vực phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh đôi khi còn bị động, từ đó chưa có những đề xuất, kiến nghị sâu sát phù hợp với tình hình kinh tế xã hội thực tế của tỉnh trong phát triển du lịch của địa phương.
Công tác dự báo để xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch triển khai thực hiện chính sách còn có nhiều hạn chế, chưa có tính chất dự báo cao, mặt khác chưa lường trước được hết những khó khăn, diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế trong tỉnh, trong nước và quốc tế, dẫn đến đề ra mục tiêu, chỉ tiêu nhiều khi chưa phù hợp, chưa sát với tình hình thực tế của tỉnh, nên còn khó khăn trong việca triển khai thực hiện một số giải pháp mà chính sách đã đề ra.
2.3.1.2. Kết quả phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Trên cơ sở các chính sách, kế hoạch, công tác phổ biến, tuyên truyền các hoạt động liên quan đến du lịch được các bên liên quan tập trung đẩy mạnh, bởi đây
là một trong những khâu quan trọng trong việc thực hiện chính sách. Ban Thường vụ Tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển du lịch của tỉnh; các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đối với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch và hình ảnh Cao Bằng, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Đề án số 19-ĐA/TU ngày 13/8/2019 về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng, giai đoạn 2019-2025; Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch số 490/KH-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2015 về việc quảng bá, xúc tiến du lịch giai đoạn 2015-2020, Kế hoạch số 1811/KH-UBND ngày 19/6/2018 về tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng giai đoạn 2018-2020. Việc triển khai thực hiện có một số điểm nhấn như:
Thứ nhất, thực hiện chương trình quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm tờ gấp, sách hướng dẫn, bản đồ du lịch, đĩa VCD bằng ngôn ngữ tiếng Anh và Trung Quốc. Trong đó, cung cấp hình ảnh du lịch và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, cảnh đẹp, văn hóa, con người và sản vật địa phương Cao Bằng.
Thứ hai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết hợp tác với Viettel Cao Bằng và VNPT Cao Bằng về ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhất là tuyên truyền quảng bá du lịch; phối hợp với VNPT Cao Bằng xây dựng, khai trương đưa vào hoạt động Cổng du lịch thông minh caobangtourism.vn vào tháng 11/2018 đến nay có số lượng truy cập trên 513 nghìn lượt. Các trang website dulichcaobang.vn với số lượng truy cập đến nay hơn 2,1 triệu lượt; trang caobanggeopark.com (trang thông tin chính thức của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng) đến nay có trên 360 nghìn lượt truy cập; Mạng xã hội facebook (bằng Tiếng Anh và tiếng Việt) tuyên truyền, quảng bá về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng cũng được khai thác hiệu quả.
Du lịch chủ trì, tổ chức, qua đó giới thiệu được cho du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh thiên nhiên, những danh lam thắng cảnh, những tour, tuyến du lịch, vẻ đẹp truyền thống của con người Cao Bằng. Tiêu biểu như: Hội chợ VITM 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội thổ cẩm tại tỉnh Đak Nông, Hội thảo quốc tế về Công viên địa chất tại tỉnh Quảng Ngãi, Hà Giang; Hội nghị quốc tế về Công viên địa chất toàn cầu tại các nước Trung Quốc, Pháp, Ý, Indonesia.
Hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến cho các huyện, thành phố trong toàn tỉnh về chính sách phát triển du lịch của tỉnh và phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn cho các công ty du lịch - lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn về nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là trước các dịp lễ hội lớn của tỉnh (Lễ hội ánh sáng Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh; Lễ hội Về nguồn Pác Bó, huyện Hà Quảng; Lễ hội Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa; Lễ hội Thanh minh xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa; Lễ hội chọi trâu, huyện Bảo Lạc,...).
Hạn chế:
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua cơ bản vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, các phương pháp tuyên truyền còn mang tính hình thức, tuyên truyền còn mang tính chất “một chiều”, chưa đạt được sự tương tác giữa cơ quan, đơn vị, người tuyên truyền và người được tuyên truyền; đội ngũ nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đôi khi chưa thực sự nắm vững về nội dung chính sách, một số ít không có kỹ năng về tuyên truyền, phổ biến nên hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn chưa cao…
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch mặc dù đã được quan tâm, chú ý nhưng hiệu quả còn thấp. Kể từ khi UNESCO công nhận Công viên địa chất non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu năm 2018, hình ảnh du lịch Cao Bằng được phổ biến rộng rãi hơn trên phương tiện thông tin đại chúng, song chỉ dừng ở quy mô Khu du lịch thác Bản Giốc, trong khi đó, Cao Bằng còn nhiều tiềm năng khác có thể khai thác quảng bá, giới thiệu. Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá tới thị trường nước ngoài còn rất hạn chế mặc dù Cao Bằng có lợi thế khi là một trong 3 địa
phương có tên trong danh sách Công viên địa chất toàn cầu.
2.3.1.3. Kết quả phân công, phối hợp thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Có thể thấy rằng, một chính sách thành công cần nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó, việc phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị khi triển khai thực hiện chính sách có vị trí, vai trò quan trọng. Theo đó, để đảm bảo chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, đáp ứng được mục tiêu của chính sách đề ra, các sở, ban ngành, các cơ quan, đơn vị, bộ phận liên quan đến việc thực hiện chính sách phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng đã có những hoạt động phối hợp triển khai tương đối tốt. Cụ thể:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa các nội dung kế hoạch và chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan để đề ra các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện. Sở đã tham mưu xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng thành lập Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, tham mưu lập hồ sơ đề nghị công nhận khu, điểm du lịch quốc gia; tham mưu xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét, công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu (ngày 12 tháng 4 năm 2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được Hội đồng chấp hành UNESCO thông qua Nghị quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu); tham mưu rà soát điều chỉnh quy hoạch du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; xây dựng kế hoạch và tham gia các chương trình, hội nghị, hội chợ xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch của tỉnh Cao Bằng tới du khách trong và ngoài nước; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ tường Chính phủ công nhận Khu di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2017),…
Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng quan tâm, chú trọng tham mưu hoặc chủ trì việc đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết phát triển du lịch; chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng một số chính sách phát triển du lịch mang tính chất hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư như: Ưu đãi
đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp vận tải khánh du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch địa phương, xây dựng các chính sách hỗ trợ các làng nghề thủ công; xây dựng dự toán kinh phí sự nghiệp hỗ trợ cho việc phát triển du lịch hàng năm của tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng đã tập trung cho công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trên cơ sở Kế hoạch số 2295 và Kế hoạch số 2343/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch, Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường cao đẳng Thương mại Du lịch Thái Nguyên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ phụ trách lĩnh vực du lịch của Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố. Kết quả, năm 2020 tổ chức được 12 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về công viên địa chất cấp tỉnh, 27 lớp cấp huyện với số lượng trên 3.000 học viên. Qua đó, nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản công viên địa chất ngày một nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực du lịch từng bước được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ du lịch.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư du lịch, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tiến hành kiểm tra, rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy