2.2.1. Thực trạng chủ thể thực hiện chính sách phát triển du lịch tại tỉnh Cao Bằng
Thứ nhất, chủ thể tham gia thực hiện chính sách phát triển du lịch
Hội đồng nhân dân các cấp là chủ thể có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách phát triển du lịch. Căn cứ vào chủ trương, đường lối phát triển du lịch của Chính phủ, trên cơ sở điều kiện cụ thể của tỉnh Cao Bằng, Hội đồng nhân dân cấp huyện (đối với những huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch) cũng đã ban hành những Nghị quyết liên quan để xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của địa phương, nhằm thực hiện chính sách phát triển du lịch, như: Nghị
quyết 03/2019/NQ-HĐND ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Hội đồng nhân dân huyện Trùng Khánh về phát triển du lịch huyện Trùng Khánh giai đoạn 2019-2021, tầm nhìn đến 2025,…
Ủy ban nhân dân các cấp là chủ thể có vai trò quan trọng nhất trong việc thực hiện chính sách phát triển du lịch, là cơ quan xác định, đề ra những giải pháp, bước đi cụ thể để hoàn thành mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, là chủ thể đưa chính sách phát triển du lịch tới người dân, doanh nghiệp và khách du lịch.
Tại Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năn 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định Cao Bằng nằm trong không gian phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch tiêu biểu: du lịch về nguồn, du lịch biên giới, hang động gắn với hệ sinh thái kast, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số,… Xuyên suốt quan điểm, chủ trương từ Trung ương về phát triển du lịch và nhận thấy tiềm năng du lịch dồi dào của tỉnh nhà, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu có trọng tâm, trọng điểm việc thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, nổi bật là tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng, đồng thời chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách phát triển du lịch.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện chính sách phát triển du lịch tại địa phương. Phối hợp với các ngành liên quan đề xuất các dự án đầu tư hình thành các khu các điểm du lịch cộng đồng tại những vùng có tiềm năng phát triển du lịch. Chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch, chung tay gìn giữ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở
Giao thông vận tải,… chủ động tham mưu triển khai có hiệu quả chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vu, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình, một số sở, ngành nổi bật:
Sở Kế hoạch và Đầu tư: tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc; xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư các dự án trọng điểm để phát triển, hỗ trợ ngành du lịch; bố trí kế hoạch vốn hàng năm thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch,…
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động tham mưu việc thông tin tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền quảng bá các hình ảnh du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thực hiện các chương trình quảng bá về sản phẩm du lịch, giá cả hàng hóa, dịch vụ du lịch để thu hút khách, quảng bá con người và mảnh đất Cao Bằng thân thiện, mến khách. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động xây dựng đảm bảo môi trường, cảnh quan trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Sở Giao thông vận tải: tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án kết nối giao thông các cửa khẩu, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo thứ tự ưu tiên, nổi bật là dự án tuyến đường Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Công an tỉnh: Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng; đề xuất cơ chế đặc thù cho phép công dân Việt Nam, Trung Quốc, công dân nước thứ ba vào khu vực hợp tác khai thác chung thác Bản Giốc; đảm bảo an toàn an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Duy trì thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt
Nam - Trung Quốc và Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tạo thuận lợi cho hợp tác khai thác du lịch với Trung Quốc tại các khu vực: Mốc 853 (thác Bản Giốc), Mốc 589 (Thiêng Qua, Bảo Lạc),…
Thứ hai, chủ thể tham gia phối hợp thực hiện chính sách phát triển du lịch:
Các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng và các thành viên của Mặt trận: Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Cao Bằng, Hội Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng quan tâm, chú trọng công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia vào thực hiện chính sách phát triển du lịch một cách tích cực; nâng cao sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trong đó có niềm tin vào việc xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách phát triển du lịch.
Hiệp hội du lịch tỉnh Cao Bằng hoạt động có hiệu quả trong việc bảo đảm là cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch với các cơ quan quản lý nhà nước, giúp cho việc triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh được diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn.
Cộng đồng dân cư: người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân tại các khu, điểm du lịch đều được tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đồng thời được triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. Người dân luôn có hành động ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch, chung tay gìn giữ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch, tạo nên hình ảnh người Cao Bằng hiểu biết, thân thiện, mến khách.
2.2.2. Thực trạng các bước thực hiện chính sách phát triển du lịch tại tỉnh Cao Bằng
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch
Công tác quy hoạch, kế hoạch đã được ngành quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Trong đó điển hình là: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm
2012; Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020,... đã tạo hành lang pháp lý triển khai các quy hoạch cụ thể, các dự án đầu tư phát triển du lịch trên toàn tỉnh.
Tại Chương trình số 10-CTr/TU đã xác định hai mục tiêu cơ bản: Phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch tỉnh với các giá trị đặc trưng, riêng biệt được định vị rõ ràng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu nhập xã hội; phấn đấu được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu tại các huyện phía đông của tỉnh; đồng thời xác định 02 giải pháp cần quan tâm: Chú trọng triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường các hoạt động hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng.
Tại các Kế hoạch, Chương trình triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch tại tỉnh Cao Bằng đều gồm những dự kiến, xác định về các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện chính sách, đội ngũ nhân sự tham gia thực hiện chính sách; xác định quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành trong triển khai thực thi chính sách phát triển du lịch; việc cung cấp các nguồn vật lực; thời gian triển khai cho việc thực hiện chính sách phát triển du lịch tại tỉnh Cao Bằng; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách; đồng thời xây dựng nội dung, quy chế tổ chức thực hiện.
Thứ hai, việc phổ biến và tuyên truyền chính sách phát triển du lịch
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, tập huấn về Luật Du lịch, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn,…với nhiều hình thức khác nhau góp phần làm cho toàn dân hiểu biết về vị trí, vai trò của ngành du lịch; đồng thời thực hiện đúng các quy định trong hoạt động kinh doanh phát triển du lịch.
Việc tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện chính sách phát triển du lịch được triển khai thường xuyên, liên tục trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, phân công, phối hợp thực hiện chính sách phát triển du lịch
Để thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có hiệu quả cần có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, các cấp. Cụ
thể ở đây là sự phân công, phối hợp giữa Hội đồng nhân dân các cấp với Ủy ban nhân dân các cấp; giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, với Hiệp hội du lịch tỉnh Cao Bằng, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh,...
Thứ tư, duy trì chính sách phát triển du lịch
Để đảm bảo cho việc thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được duy trì, tồn tại và đạt mục tiêu đề ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chủ động trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng điều chỉnh và áp dụng các biện pháp, giải pháp thực hiện chính sách phù hợp với hoàn cảnh mới.
Thứ năm, điều chỉnh chính sách phát triển du lịch
Trong quá trình thực hiện chính sách phát triển du lịch, có thể có những tình huống phát sinh không lường trước được, như đại dịch COVID-19 vừa qua hoặc thiên tai (mưa đá, lũ ống, lũ quét...) thì lúc này chính sách phát triển du lịch sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng điều chỉnh. Điều chỉnh chính sách là khâu quan trọng nhằm làm cho chính sách phù hợp hơn với yêu cầu thực tế, việc điều chỉnh, bổ sung đó không làm thay đổi mục tiêu chung, cái đích cuối cùng cần đạt đến của chính sách phát triển du lịch do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã đề ra.
Thứ sáu, việc theo dõi, kiểm tra và đôn đốc triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng chủ động phối hợp với Công an tỉnh, các Sở, ngành liên quan trong việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về công tác bảo đảm trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu điểm du lịch; kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá đối với các dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch (khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng…). Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá, đối chiếu so sánh với các quy định trong chính sách, kế hoạch, quy chế, nội quy thực hiện chính sách để có cơ sở phát hiện, phòng ngừa hoặc xử lý
vi phạm; phát hiện sơ hở trong quản lý, tổ chức thực hiện và đề xuất các biện pháp khắc phục, nhằm góp phần hoàn thiện chính sách và năng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Thứ bảy, đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch
Căn cứ các kế hoạch, chương trình và quy chế, nội quy ban hành kèm trong việc thực hiện chính sách phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ ra được ưu điểm, nhược điểm thực hiện chính sách, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, việc tổng kết, đánh giá có thể được tiến hành bằng văn bản (báo cáo) hoặc tổ chức hội nghị (tập trung hoặc trực tuyến).