Như đã đề cập thì hình phạt tiền sẽ đánh trực tiếp vào kinh tế của người bị áp dụng. Cho nên khi áp dụng hình phạt tiền đối với một cá nhân hay pháp nhân cần phải cân nhắc về khả năng tài chính và điều kiện kinh tế của người thực hiện tội phạm.
Đối với cá nhân thực hiện tội phạm khả năng tài chính của cá nhân chính là các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội, các giấy tờ chứng minh quyền tài sản của họ mà chứng minh được với các cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về khả năng thi hành án được nếu bị áp dụng hình phạt tiền. Việc chứng minh khả năng tài chính của cá nhân thực hiện hành vi phạm tội phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan trong quá trình thực hiện chính sách quản lý tài sản của công dân của Nhà nước ta.
Đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm thì việc chứng minh khả năng tài chính dễ dàng hơn nhiều so với chủ thể thực hiện tội phạm là cá nhân. Thông qua toàn bộ hóa đơn chứng từ đầu vào đầu ra, sổ sách kế toán, tài sản của doanh nghiệp, dư nợ chưa thu hồi được... các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ chứng mình được điều kiện áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội.[10]
Ngoài ra, một trong những yếu tố các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải lưu tâm trong quá trình áp dụng hình phạt tiền đó chính là “yếu tố biến động giá cả thị trường”, đây có thể nói là một căn cứ linh hoạt để những người tiến hành tố tụng có thể vận dụng linh hoạt, hợp tình, hợp lý đối với việc ấn định mức hình phạt tiền cụ thể đối với những người phạm tội. Hiện nay, việc áp dụng hình phạt tiền chủ yếu dựa theo quy định của BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017 nhưng chưa suy tính đến khả năng có thể thi hành án sau này của người bị áp dụng.
Trên thực tiễn thi hành án phạt tiền tại Quận 2 có nhiều trường hợp không thể thi hành án do người phải thi hành án không có khả năng thi hành án. Do đó, khi áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung, Tòa án cũng cần xem xét đến khả năng thi hành án của người phạm tội để tránh tình trạng tồn đọng, tăng số lượng các trường hợp không có điều kiện thi hành án lên cao gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án. Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung khi có tài liệu chứng minh người phạm tội có khả năng tài chính, đảm bảo thi hành án được.
Vì vậy, để giúp các cơ quan thi hành án có thể thi hành hình phạt tiền dễ dàng hơn thì cần có sự điều chỉnh về việc áp dụng hình phạt tiền của
BLHS hiện hành. Nên điều chỉnh việc áp dụng hình phạt tiền dựa trên khả năng tài chính, khả năng đóng phạt của người phải thi hành án. Việc phạt số tiền quá khả năng của người thi hành án chỉ làm công tác thi hành án phạt tiền tồn động nhiều hơn trên thực tế. Tòa án nhân dân có thể căn cứ vào ngày lương hoặc hoàn cảnh thực tế của đương sự mà đưa ra số tiền phạt hợp lý. Để làm được việc này đòi hỏi trong quá trình điều tra phải được thực hiện một cách chặt chẽ, Cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh nhân thân, khả năng tài chính của đương sự sau đó cung cấp kết quả xác minh cho Tòa án. Dựa vào đó Tòa án nhân dân sẽ đưa ra được một mức phạt hợp lý cho người phải thi hành án cũng như việc thi hành án phạt tiền sau này của cơ quan THADS.