Các thư tịch cổ trong và ngoài nước phần nào cho chúng ta thấy những thông tin cơ bản về thương cảng Vân Đồn.Tuy nhiên, các ghi chép rất giản lược và mơ hồ nên không tránh khỏi những các hiểu khác nhau của người đọc nên có rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ.
Khu vực vụng Sơn Hào - bến Cống Cái có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự hình thành và phát triển thương cảng. Đây cũng là vùng đất có diễn trình lịch sử phát triển lâu dài, liên tục từ hậu kỳ đồ đá mới cho đến ngày nay. Trong quá trình phát triển của mình, bến Cống Cái một trong những trung tâm trao đổi buôn bán giao thương, giao lưu văn hóa, có mối quan hệ với nhiều vùng, khu vực trong và ngoài nước.
Tại di tích bến Cống Cái, qua 8 năm với 8 cuộc khảo sát và 1 cuộc khai quật đã xác định được một phần quy mô, tầng văn hóa, đặc trưng di vật và mối quan hệ của bến Cống Cái với thương cảng Vân Đồn. Tại đây đã xuất lộ nhiều di tích quan trọng, là minh chứng cho vai trò bến cảng của di tích này. Gồm có những vết tích của móng, cấp nền, bến bãi, giếng, đá neo thuyền, hố chân cột. Tuy nhiên, vì diện tích khai quật còn hạn chế nên chưa thể phục
dựng lại kiến trúc của bến cảng xưa. Số lượng di vật thu được khá phong phú bao gồm gốm men, gốm có áo, sành mịn, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá.
Năm 1149, thương cảng Vân Đồn được chính thức thành lập, từ đó đến giai đoạn suy tàn vào thế kỷ XVI, thương cảng Vân Đồn đã phát triển mạnh mẻ, “đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động ngoại thương của Đại
Việt”[5, tr.67]. Quỹ đất hạn chế, thêm vào đó là khí hậu khô nóng trong giai đoạn phát triển của thương cảng Vân Đồn, không phù hợp với nông nghiệp. Nên có thể phần lớn dân cư chuyển sang tham gia vào các hoạt động thương nghiệp.
CHƯƠNG 2
DI TÍCH BẾN CỐNG CÁI QUA TƯ LIỆU KHẢO CỔ HỌC 2.1. Đặc trưng di tích
2.1.1. Bến cảng
2.1.1.1. Bến bãi
Bến để neo đậu nằm ở phía tây nam, dưới chân Đồi Đình, bề mặt khá rộng, khoảng 10-15m, bằng phẳng. Trên bề mặt có nhiều đá và cát nhưng kích thước không lớn lắm. Xung quanh có 2 ngọn núi bao bọc, kín gió nên an toàn khi neo đậu. Hiện nay, chúng ta có thể thấy bến dài khoảng 100m, từ cống thoát nước về phía tây, là nơi tích tụ nhiều hiện vật gốm men và sành. Mật độ hiện vật đậm đặc ở khoảng giữa vụng, từ giếng Đình đến sát cửa sông vào Bến. Bến có hai khu vực khác nhau về vị trí và mật độ hiện vật xuất lộ. Khu vực tập trung nhiều hiện vật là từ giếng Đình đến sát cửa sông vào Bến (khu vực 1). Và khu vực cửa vụng, nơi ngã ba mở vào Cống Cái, ít hiện vật hơn (khu vực 2). Giữa hai khu vực này có thời gian sử dụng, hiện vật và niên đại khác nhau.
Ba hố khai quật và thăm dò đã được thực hiện ở bờ vụng. Hai hố thăm dò trong phạm vi 1m2 và hố khai quật 16SH.H2 có diện tích 3m2, được mở sát mép nước. Ở khu vực 1, đã mở hố 14CC.TS1, dưới chân giếng Đình, sưu tập hiện vật ngay trên bề mặt, tổng số 121 hiện vật, trong đó 41 mảnh thời Trần (chiếm 34%), 80 mảnh thời Lê (chiếm 66%) [31, tr.23]. Hố khai quật 16SH.H2 có tầng văn hóa dày 25cm. Ở khu vực 2, ở cửa sông vào bến Cống Cái, mở hố thăm dò 16SH.TS7, tầng văn hóa dày 10cm. Sử dụng các hiện vật ở LM để so sánh niên đại với hiện vật hố 14CC.TS1, tổng số 88 mảnh, trong đó 83 mảnh thế kỷ XIII-XIV, chiếm 94%, 5 mảnh thế kỷ XV-XVI, chiếm 6%
[49, tr.118]. Như vậy, khu vực 2 được sử dụng trong thời gian ngắn, vào thế kỷ XIII-XIV. Khu vực 1 có thời gian sử dụng dài hơn, vào thế kỷ XV-XVIII.
2.1.1.2. Giếng nước
Giếng Đình (còn có tên Giếng Rùa Vàng hoặc Giếng Tiền) nằm ở giữa và ngay sát chân sườn Đồi Đình. Giếng có hình tròn, kè bằng đá, đường kính 2,8m, lòng giếng rộng 2m, sâu 1m, luôn luôn có nước ngọt. Ở phía đông của giếng có đường bậc, được kê bằng đá. Trên lối vào này, năm 2016 đã phát hiện được 1 đồng tiền thời Tống “Nguyên Hựu thông bảo”, nằm bên dưới đoạn ván thuyền. Có thể đồng tiền và ván thuyền có liên quan đến thời gian hình thành và sử dụng của giếng Đình. Thêm vào đó là các dấu tích kiến trúc phát hiện ở hố 16SH.H1 cho thấy vào các thời Trần- Lê Trung hưng đã có sự san lấp mặt bằng xung quanh Giếng để sử dụng.
Thuyền buôn tới đây, ngoài việc trao đổi hàng hóa, nghỉ chân còn phải cần tiếp tế nước ngọt. Giếng Đình có thể là một trong những nguồn tiếp tế nước ngọt quan trọng cho thuyền đi biển. Hiện nay, giếng này đã bị lấp do quá trình khai thác gỗ (Pl 22-h7,8; Pl 30-h1,2).
Ngoài ra, ở phía bắc của Đồi Đình đã phát hiện một lạch nước, một tường đá xếp để thu nước vào giếng cạn và một khối đá lớn có thể dùng để neo thuyền. Xung quanh khu vực này xuất lộ khá nhiều mảnh sành. Hiện nay, ngư dân vẫn dừng thuyền lấy nước ngọt ở đây
2.1.1.3. Đá neo thuyền
Tổng số 7 viên đá neo thuyền được phát hiện, tập trung ở khu vực 1, trong đó có 1 khối đá ở khu vực phía bắc Đồi Đình (phía nam bến Con Quy). Ở trong khu vực có khá nhiều viên đá nhỏ, nổi bật trên đó là các khối đá lớn, có hình trụ hoặc chữ nhật, nằm dọc theo bến, sát mép nước, có thể chúng
được được dùng để neo đậu tàu/thuyền. Kích thước bề mặt chủ yếu 60- 120cm, cao 50-100cm (Pl 15-16; Pl 30-h3).
2.1.2. Đặc điểm tầng văn hóa
Ở khu vực bến Cống Cái, tầng văn hóa dày nhất trong khoảng từ 50- 70cm, xuất lộ trong các hố 16SH.H1, H3, 17SH.TS1,2,3. Ở đây đã phát hiện được lớp văn hóa thời Lê sơ và Lê Trung Hưng bao trùm lên các dấu tích hoạt động vào thời Trần. Lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng chủ yếu là các dấu tích kiến trúc. Sự xuất lộ của nhiều mẩu than và số lượng khá lớn di vật có mặt trong khu vực phía đông hố 16SH.H3, cùng với sự có mặt của các di vật thời
Trần và sứ celadon Trung Quốc ở những lớp sâu nhất trong địa tầng các hố thăm dò cho thấy có mặt khu vực sinh hoạt thời Trần ở đây. Sinh thổ ở khu vực này là lớp đất đất đồi thuộc loại sét cát loang lổ màu xám xanh và xám vàng, đôi chỗ là đá gốc nhiều cỡ (Pl 35).
Ở khu vực thung lũng Sơn Hào, tầng văn hóa dày 50-70cm ở hố 16SH.TS1, H5. Ngoài lớp xáo trộn bởi hoạt động của cư dân thời hiện đại, đã phát hiện các lớp văn hóa chứa dấu tích hoạt động vào thời Lê bao trùm lên các dấu tích hoạt động vào thời Trần. Tuy nhiên dấu tích lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng không rõ như ở khu vực bến bãi, nhưng lớp văn hóa thời Trần với các dấu tích ở đây lại rất rõ. Có khả năng có dấu tích hoạt động vào thời Lý ở những lớp đào sâu nhất của hố H5, căn cứ vào sự có mặt của gốm men Trung Quốc (Pl 40). Phía tây lối vào lò đốt rác, tầng văn hóa chỉ dày khoảng 30-50cm ở hố 16SH.TS2,3,4,8 và hố 16SH.H4. Ở khu vực này, hầu như chỉ thấy sự có mặt của lớp văn hóa thời Trần. Sinh thổ ở khu vực thung lũng Sơn
Hào là lớp đất sét đồi màu vàng lẫn các hạt sạn laterite màu đỏ, riêng ở phía tây có đá gốc nhiều kích cỡ.
Trong hố H2 và TS7, tính chất của địa tầng không rõ ràng do ảnh hưởng bởi thủy triều. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự tập trung khá thuần của hiện vật thời Trần trong hố TS7.
Đặc biệt, ở hai hố 16SH.H3, H5, trong lớp văn hóa thời Trần chứa số lượng lớn mảnh hiện vật với nhiều hiện vật vỡ lớn. Đặc biệt trong hố H5, phát hiện tập trung số lượng lớn các mẩu di vật kim loại, loại hình này lác đác ở hố H3.
2.1.3. Dấu tích kiến trúc
2.1.3.1. Dấu tích kiến trúc ở khu vực bến Cống Cái
Theo các tài liệu cổ và lời kể của người dân địa phương, thì ở Đồi Đình có 9 cấp nền, nhưng vì cây cối rậm rạp nên hiện tại mới chỉ xác định được vị trí và quy mô của hai cấp nền dưới cùng ở góc tây nam, gọi là cấp nền I và II. Cấp nền I có dạng gần hình chữ nhật, chiều đông - tây 19m, bắc - nam 22m, xuất lộ dấu tích kiến trúc bằng đá. Cấp nền II nằm về phía đông bắc cấp nền I, ở giữa hai cấp nền có một khe nước ngọt được xếp bằng đá. Cấp nền II cũng có dáng gần hình chữ nhật, nhưng ở giữa rộng, thu hẹp về hai bên, có chiều
dài 25m theo hướng tây bắc - đông nam, rộng 7 - 11m theo hướng đông bắc- tây nam.
- Nền kiến trúc có móng kè đá xuất lộ ở khu vực cấp nền I
Từ kết quả khai quật và thăm dò năm 2016-2017, đã phát hiện móng kiến trúc rộng 1,4-1,5m, được xây dựng bằng việc xếp các khối đá nhiều cỡ thành hàng song song, chèn giữa và trên mặt bằng các loại đá nhiều cỡ và vô số mảnh sành, gốm vỡ xuất lộ trong hố 16SH.H3, 17SH.TS1-TS3. Các viên đá có kích thước và hình dạng không đều. Chúng được chèn thêm bằng các mẩu đá nhỏ và các mảnh sành vụn. Móng đá có hướng bắc lệch đông 150. Nền được nện bằng sét đồi lẫn các hạt laterit và số ít các mẩu gốm, sành, đá vụn.
Mặc dù mới chỉ bộc lộ được phần đường móng phía tây và tây nam, nền kiến trúc này được xác định trong phạm vi diện tích khoảng 5m (bắc-nam) x 9m (đông - tây). Bên trong nền kiến trúc, có mặt một số khu vực được chèn nhiều đất đồi lẫn đá vụn và các khối đá kê cột có kích thước không đồng nhất. Mặc dù chưa bộ lộ đầy đủ và rõ ràng, nhưng “có thể dự đoán các bước gian rộng
khoảng 3m (gian chính) và 2m (gian phụ)” [49; tr. 103]. Về phía đông bắc kiến trúc, xuất lộ dấu tích các hố cột và hố than tro, có thể liên quan đến các công trình phụ như bếp lửa, nhà vệ sinh. Tuy nhiên quy mô nhỏ và không có mặt các dấu tích khác như xương động vật, tàn tích thức ăn. Dự đoán kiến trúc này được tạo dựng thời Lê Trung Hưng, căn cứ vào các mảnh sành gốm chèn vào kiến trúc (Pl 27-h5; Pl 36-37;).
Vào thời kỳ sớm hơn (thời Trần), có dấu vết kiến trúc sử dụng cột chôn trong hố kê và chèn các mẩu đá nhỏ ở đầu phía đông cấp nền 1. Như vậy, cấp nền I cũng được sử dụng vào thời Trần. Tuy nhiên, do diện tích khai quật còn hạn chế, đặc điểm kiến trúc chưa được nhận diện rõ.
- Cấp nền II và móng kè đá ven chân phía nam Đồi Đình
Kết quả khảo sát và phát quang cấp nền II ven chân đồi phía tây nam Đồi Đình cho thấy, những đường kè đá và mảnh sành, gốm đã được tạo dựng, tạo nên những cấp nền có quy mô rộng hẹp khác nhau. Về phía tây nam, những khối đá kè lớn ngăn cách cấp nền này với một khe nước lớn chảy từ trên núi xuống. Một số khối đá bằng phẳng mở xuống khe nước có thể được sắp đặt có chủ ý. Về phía đông nam, các khối đá nhỏ hơn tạo ra một cấp nền thấp, mở xuống một khoảng bằng phẳng thấp xuôi dần xuống ven bờ vịnh. Địa tầng hai hố kiểm tra 17SH.TS4 và 17SH.TS5 cho thấy cấp nền này có thể được san bạt hai lần và cao hơn bề mặt nguyên thủy khoảng 55cm. Trên đó có thể có kiến trúc dạng nhà có cột kê trên các khối đá tảng [49; tr.104].
- Dấu tích kiến trúc khu vực Giếng Đình
Các lớp đá kè tạo mặt phẳng trong khu vực gần Giếng Đình (hố 16SH.H1) có thể đã được tạo tác để phục vụ cho việc lấy nước và sử dụng quanh khu vực Giếng. Các viên đá nhiều cỡ được xếp và chèn thêm các mẩu đá nhỏ, mảnh sành, gốm để tạo mặt bằng hơi dốc. Các lớp kè phía trên chứa các hiện vật thời Lê Trung Hưng, Nguyễn đã được tiếp tục và mở rộng, bên dưới là lớp kè chứa hiện vật thời Trần. Cùng với một mảnh ván gỗ, có thể là mảnh tàu, và một đồng tiền thời Tống phát hiện trong lớp đá kè đường dẫn lên Giếng, có thể cho rằng giếng nước này đã được sử dụng chủ yếu từ thời Trần cho đến gần đây.
Như vậy về cơ bản khu vực hố H1 thể hiện tính chất của các bậc cấp, được tạo dựng khoảng 3 lần vào những thời kỳ khác nhau. Thời kỳ sớm nhất, các khối đá được chèn vào lớp đá gốc và được rải lên bề mặt bằng đất lẫn cuội, đá dăm nhỏ là chính. Căn cứ vào sự xuất lộ của hiện vật, có thể chúng được tạo dựng vào thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Thời kỳ thứ hai, các bậc cấp được thay đổi so với giai đoạn trước. Trong thành phần rải nền có nhiều hiện vật hơn, nhưng đá cuội và đá dăm vẫn chiếm phần lớn. Các di vật xuất lộ cho thấy các cấp nền này được tạo dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII- XVIII. Thời kỳ thứ 3, các cấp nền mở rộng nhất, trong khoảng 2m, ngoài vật liệu đá, rất nhiều mảnh sành được sử dụng để tạo nền. Cấp nền này có thể được tạo vào khoảng thế kỉ XVIII-XIX (Pl 27-h1-3; Pl 32, 33).
2.1.3.2. Dấu tích kiến trúc ở khu vực thung lũng Sơn Hào
- Móng kiến trúc chôn cột
Di tích này xuất lộ trong hố 16SH.H4, ở độ sâu -10cm, bề mặt xuất lộ có hình gần tròn, được đầm bằng đá nhỏ, các mảnh gốm men, sành vỡ nhỏ. Phần xuất lộ có đường kính 1,6 – 1,7m theo chiều bắc - nam, chiều đông tây chưa
xuất lộ rõ nhưng đo được 1,5m. Giữa móng kiến trúc là một hố đất lẫn cát màu xám vàng có đường kính khoảng 45 - 50cm, thuần, gần như không có hiện vật trên bề mặt. Sau khi cắt ¼ diện tích của kiến trúc cho thấy, ở độ sâu 10cm so với bề mặt móng kiến trúc xuất lộ nhiều mảnh sành và gốm sứ khác nhau, chủ yếu là sành mịn, mảnh gốm men trắng và men ngọc thời Trần. Xuống đến -20cm so với bề mặt móng kiến trúc, có nhiều đá dăm nhỏ, một số mảnh đá hộc, mảnh sành và gốm sứ thời Trần, tuy nhiên mật độ hiện vật không nhiều như lớp trên. Về cơ bản đất màu nâu sẫm, vẫn là lớp vật liệu đầm bên trên sâu xuống. Từ -20 đến -30cm so với bề mặt móng kiến trúc, đất vẫn màu nâu sẫm, có lẫn ít cát mịn và dăm đá nhỏ. Hố đất này có thể là hố chôn cột.Từ tính chất của các di vật cho thấy có thể di tích thuộc thời Trần (Pl 28- h1-3; Pl 38).
- Hố cột
Ở hố 16SH.TS1 xuất lộ 3 di tích hố cột, đường kính 10-30cm, cách nhau 2m, nằm trong tầng văn hóa thời Trần. Các hố này sâu khoảng 20-30cm, bên trong chỉ có vài mảnh gốm men, sành có niên đại thời Trần. Đây có thể là dấu tích của kiến trúc bằng gỗ. Nhưng vì diện tích khai quật nhỏ nên chưa xác định được tính chất cũng như quy mộ của kiến trúc này (Pl 24-h1).
2.1.4. Di tích hố đất đen
Ở khu vực phía bắc bến Cống Cái có khá nhiều hố đất đen xuất lộ ở hố 17SH.TS2, TS3. Các di tích này không có hình dạng cố định, không có cấu trúc nhất định. Các hố đất chứa bùn hoặc than tro, đá lổn nhổn. Hoặc bề mặt có lẫn nhiều sỏi nhỏ lổn nhổn. Có thể chúng là các hố cột hay hố than tro có liên quan đến di tích kiến trúc móng đá ở khu vực cấp nền 1. Các hố đất đen này xuất lộ trong lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng (Pl 36, 37).
Ở khu vực thung lũng Sơn Hào, các dấu tích bếp lửa và hố đất đen chứa chủ