Nội dung hợp tác quốc tế của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vai trò của bảo tàng khoa học (nghiên cứu trường hợp của bảo tàng thiên nhiên việt nam) (Trang 39 - 51)

2.2.1. Hợp tác quốc tế trong chế tác vật mẫu và thiết kế trưng bày

Như chúng ta đã biết, mẫu vật là linh hồn của mỗi bảo tàng, vật mẫu nghiên cứu và vật mẫu trưng bày đóng vai trò quan trọng đối với bảo tàng, nó quyết định sự thành công trong việc thu hút khách thăm quan, quyết định sự sống, còn của mỗi bảo tàng.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam rất coi trọng công tác hợp tác quốc tế trong chế tác vật mẫu và thiết kế trưng bày nhằm trao đổi, học tập các kỹ

thuật tiên tiến trên thế giới về chế tác mẫu vật. Năm 2011, Bảo tàng đã tổ chức lớp học về chế tác mẫu vật cho các cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và trong Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam, các Vườn quốc gia tham gia lớp học, với sự giảng dạy của chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Viện động vật Xanh-pê-téc-bua, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Lớp học kéo dài khoảng 1 tháng. Sau khoá học, các kỹ thuật viên chế tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và trong Hệ thống bảo tàng đã học tập được các kỹ thuật bổ ích về mổ tách xương và da, ngâm da, thuộc da, kỹ thuật nhồi mẫu thú nhỏ và thú lớn, kỹ thuật làm cốt, đổ khuôn để dựng khung, dựng hình chế tác, kỹ thuật tạo mắt động vật sao cho có hồn, sinh động, kỹ thuật khâu mẫu vật,...

Ngoài ra, hàng năm Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tổ chức các đợt trao đổi chuyên gia quốc tế đến Bảo tàng để hướng dẫn, tập huấn các cán bộ chế tác mẫu vật, thiết kế trưng bày. Nhờ đó, các cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã rất thành công trong công tác chế tác mẫu vật không chỉ cho Bảo tàng mà còn thực hiện các hợp đồng chế tác các mẫu vật lớn cho các bảo tàng trong nước như: các mẫu voi, tê giác và mẫu xương cá voi thuộc các Bảo tàng Quảng Ninh, Thảo Cẩm Viên Sài Gòn, Vườn Thú Hà Nội,...

Theo đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã chế tác được hàng trăm mẫu thú trưng bày tại Phòng trưng bày tiến hoá sinh giới của Bảo tàng. Các mẫu vật sau khi được chế tác trông rất có hồn, giống như lúc còn sống, nhìn rất đẹp và ấn tượng.

Đặc biệt, năm 2016, Rùa Hồ Gươm bị chết, UBDN thành phố Hà Nội đã lựa chọn Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là đơn vị thực hiện chế tác mẫu Rùa Hồ Gươm. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam xác định được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc chế tác mẫu Rùa đặc biệt quan trọng này. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã mời 02 chuyên gia chế tác mẫu rùa nổi tiếng trên thế giới thuộc Bảo tàng thiên nhiên Berlin và Bảo tàng Eurfurt, Cộng hoà

liên bang Đức đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp cùng cán bộ của Bảo tàng để chế tác mẫu rùa Hồ Gươm.

Các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp hiện đại nhất trên thế giới hiện nay đó là phương pháp nhựa hoá (thay thế mô tế bào bằng dung dịch hoá chất chuyên dụng), các chuyên gia nước ngoài và các cán bộ chế tác của Bảo tàng đã chế tác thành công mẫu Rùa Hồ Gươm. Mẫu vật Rùa Hồ Gươm sau khi chế tác trông rất đẹp, sinh động và có hồn, giữ được thần thái, nhìn rất giống rùa lúc còn sống. Sau 02 năm chế tác (2016-2018) Rùa Hồ Gươm đã được bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội để trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mẫu Rùa Hồ Gươm được giới chuyên môn, truyền thông, công chúng trong nước và ngoài nước đánh giá cao.

Có thể nói, đây là một thành công của Bảo tàng TNVN trong công tác hợp tác quốc tế về chế tác mẫu vật. Rùa Hồ Gươm là một vật tâm linh gắn với người dân thủ đô Hà Nội và người dân trong cả nước. Việc chế tác mẫu, bảo quản mẫu Rùa Hồ Gươm được đảm bảo cả về mỹ thuật, về yêu cầu chất lượng để lưu giữ lâu dài trong điều kiện nhiệt đới của nước ta, đòi hỏi sự kỳ công, cẩn thận, rất chi tiết trong chế tác, tính chuyên nghiệp trong sử dụng phương pháp bảo quản mẫu của các chuyên gia Quốc tế và trong nước.

Hình 2.1. Mẫu vật Rùa Hồ Gươm sau khi chế tác được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hình 2.2. Lãnh đạo sở KH&CN Hà Nội, UBND TP. HÀ Nội và Lãnh đạo Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thăm quan Rùa Hồ Gươm trưng bày

Nguồn: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam Hình 2.3. Hai chuyên gia chế tác người Đức cùng các cán bộ chế tác của Bảo tàng TNVN tại xưởng chế

tác

2.2.2. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các giá trị di sản hang động

Ngoài lĩnh vực chế tác vật mẫu và thiết kế trưng bày, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu giá trị di sản trong hang động là một lĩnh vực cũng được khai thác và thúc đẩy, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn và nghiệp vụ của các chuyên gia nước ngoài trong việc nghiên cứu khoa học, phát hiện loài mới, phát hiện các giá trị di sản của nhân loại.

Năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; như hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông", mã số TN17/T06, thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, đã thu được kết quả gây “chấn động” giới khoa học trong nước và quốc tế. Trong quá trình khảo sát, khai quật và nghiên cứu các nhà khoa học khẳng định đã phát hiện di chỉ khảo cổ, đặc biệt là khai quật được di cốt người tiền sử, có niên đại khoảng 7.000 năm, trong hang động núi lửa Krông Nô. Việc phát hiện di cốt người cổ trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên là một bước ngoặt của ngành cổ nhân học trong nước, có ý nghĩa, giá trị to lớn không chỉ ở Tây Nguyên, Việt Nam và Đông Nam Á mà còn có giá trị vào thuộc loại hiếm gặp trong hang động núi lửa thế giới. Kết quả bước đầu sơ bộ của đề tài đã được giới truyền thông trong và ngoài nước đưa tin, cụ thể: có 5 báo giấy đăng tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh (Báo: Thanh Niên, Viet Nam News, Thể thao Văn hóa, Tuổi trẻ và Tiền Phong), 46 báo điện tử, 12 bài tin Tiếng Anh (trong đó có 4 bài đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng như Archaeology - Archaeological Institute of America-Tạp chí của Viện Nghiên cứu Nhân chủng học Hoa Kỳ, Southeast asian archaeology-Tạp chí nhân chủng học Đông Nam Á, Agencia Informativa Latinoamericana-của Mỹ La tinh, UIS Commission Volcanic Caves Newsletter No73 và có gần 10 hãng đưa tin (nhiều lần) với gần 20 buổi phát trên các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV4, TTXVN, VTC... Kết quả phát hiện mới này đã được bình chọn là 1

trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2018. Đây cũng là chứng cứ khoa học đầy thuyết phục, rất có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông và đối với du khách, đây sẽ là một trong những điểm tham quan mới, đầy thú vị. Thực hiện đề tài này có sự phối hợp của các chuyên gia hang động Nhật Bản. [7, tr.2-3].

Hình 2.4. Các nhà khoa học của Bảo tàng TNVN và chuyên gia quốc tế tại hang C6-1 ở Đắc Nông

Nguồn: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam Hình 2.5. Sự kiện được phát sóng trên Kênh VTV2, Chương trình “Ấn tượng Khoa học và Công nghệ năm

2018

Hình 2.6. Lễ trao chứng nhận Mười Sự kiện KHCN nổi bật năm 2018

Nguồn: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Có thể khẳng định hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng và cần thiết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là đơn vị còn rất non trẻ, có được những kết quả nổi bật và ấn tượng như hiện nay là có sự đóng góp to lớn của các hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua.

2.2.3. Hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực

Trong định hướng chiến lược phát triển Bảo tàng từ nhiều năm nay, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế đặc biệt là về đào tạo nguồn nhân lực. Bảo tàng đã hợp tác, thực hiện phát triển nhiều chương trình đào tạo, trao đổi, học tập, thực tập nước ngoài nhằm mang lại cho các nhân viên của Bảo tàng các trải nghiệm thực tế toàn diện, tiếp thu được các kiến thức mới, công nghệ tiên tiến từ các nước trên thế giới. Cụ thể là Bảo tàng đã cử 08 cán bộ ra nước ngoài đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ (Trong đó có 06 cán bộ đào tạo trình độ Tiến sĩ tại các nước như CHLB Đức, Nhật Bản, LB Nga, Trung Quốc, Úc, Đài Loan, hiện đã có 05 tiến sĩ và 01 thạc sĩ hoàn thành khoá học trở về Bảo tàng phục vụ sự nghiệp

xây dựng và phát triển Bảo tàng. Việc đào tạo các cán bộ này đều do nguồn kinh phí nước ngoài đài thọ.

Ngoài ra, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hợp tác với Bảo tàng Thiên nhiên Berlin thực hiện dự án “Tiếp cận mới khám phá đa dạng sinh học ở Việt Nam-VIETBIO”, đây là dự án đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, các Bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam, các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Dự án này kéo dài 03 năm (2018-2020). Mỗi năm Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cử 03 cán bộ và 06 cán bộ thuộc các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN sang Bảo tàng Thiên nhiên Berlin đào tạo 03 tháng. Mọi kinh phí đi lại, ăn, ở, phí đào tạo cán bộ đều do phía Đức đài thọ. Sau khi dự án kết thúc, ngoài việc đào tạo các cán bộ nghiên cứu sử dụng thành thạo các trang thiết bị nghiên cứu, Bảo tàng Thiên nhiên CHLB Đức còn tài trợ các trang thiết bị hiện đại và rất cần thiết trong chuyên môn cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Thêm vào đó, hàng năm (2016-2019) Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cử một số cán bộ trẻ sang trường Đại học Kumamoto, Nhật Bản để đào tạo ngắn hạn trong thời gian 03 tháng, mọi chi phí đều do phía Nhật Bản đài thọ.

Hình 2.7. TS. Christoph Hauser, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Berlin, CHLB. Đức phát biểu tại Hội thảo khởi động dự án đào tạo

Hình 2.8. Hội thảo Khởi động dự án Đào tạo Vietbio với Bảo tàng thiên nhiên Berlin, CHLB. Đức

Nguồn: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

2.2.4. Hướng dẫn các Bảo tàng thành viên về chuyên môn nghiệp vụ lấy kinh nghiệm từ các kết quả hợp tác quốc tế

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp quốc gia, đứng đầu trong Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam được Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và tư vấn cho các đơn vị trong hệ thống thực hiện Quyết định 86/2006/QĐ-TTg. Theo đó, hàng năm Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam lập kế hoạch hoạt động cụ thể đối với các bảo tàng trong Hệ thống nhằm đôn đốc, tư vấn cho các bảo tàng thành viên triển khai nhiệm vụ quy hoạch. Cụ thể là, hàng năm, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tổ chức Hội thảo quy hoạch hệ thống nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến triển khai thực hiện quy hoạch, phát triển quy hoạch, đánh giá những mặt thuận lợi và khó khăn trong hệ thống để có giải pháp khắc phục kịp thời. Chia sẻ thông tin về nghiên cứu khoa học, đào tạo, công tác truyền thông và giáo dục cộng đồng, công tác trưng bày, triển lãm, chế tác vật mẫu và thiết kế trưng bày.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thể hiện được vai trò của mình là Bảo tàng đầu hệ trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tư vấn, góp ý trong lĩnh vực xây dựng, quản lý Bảo tàng, công tác thu thập và bảo quản mẫu vật, công tác chế tác mẫu... cho các Bảo tàng trong Hệ thống cụ thể như sau:

- Tư vấn, góp ý trong công tác lập kịch bản và thiết kế trưng bày thuộc dự án: “Xây dựng kịch bản trưng bày Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung”;

- Tư vấn đề xuất thiết kế logo cho Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải Miền Trung;

- Tư vấn công tác thu thập và bảo quản, thu nhận mẫu vật, cử cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đến Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung để tư vấn, hỗ trợ công tác bảo quản và chế tác mẫu vật.

-Tư vấn công tác thu thập và bảo quản mẫu vật, công tác Truyền thông và giáo dục cộng đồng cho Bảo tàng Tài nguyên rừng;

- Tư vấn, đề xuất xây dựng dự án nghiên cứu chung với Bảo tàng Tài nguyên Rừng.

Hình 2.9. Tư vấn thiết kế Logo cho Bảo tàng TNDH miền Trung

Nguồn: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Ngoài ra, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với các đơn vị trong Hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam nghiên cứu xây dựng lộ trình

lập dự án cho các đơn vị để thực hiện Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể như:

- Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tư vấn cho Bảo tàng Thiên nhiên Tây Bắc xây dựng Đề án thành lập Bảo tàng Thiên nhiên Tây Bắc để trình UBND tỉnh phê duyệt.

-Tư vấn việc kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy Bảo tàng Thiên nhiên Tây Bắc trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Tư vấn, phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Phối hợp cùng Bảo tàng Thiên nhiên Nam Bộ trong việc đôn đốc, tư vấn Dự án Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả là dự án Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hàng năm, hội thảo thường niên về Quy hoạch Hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam được tổ chức tại các tỉnh, thành phố, nơi có Bảo tàng thành viên thuộc Hệ thống nhằm trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng, công tác triển khai quy hoạch tổng thể, xây dựng và quản lý bảo tàng.

Các thành viên trong Hệ thống đều có bài báo cáo tham luận tại các Hội thảo về tình hình triển khai quy hoạch Hệ thống và hoạt động Bảo tàng, qua đó, các Bảo tàng có thể trao đổi và chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong công tác quy hoạch và triển khai xây dựng Bảo tàng. Cung cấp cho các nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực Bảo tàng một kiến thức cơ bản về mô hình Bảo tàng, sự cần thiết tham gia hiệp hội bảo tàng, cách thức tiếp cận với tri thức về lĩnh vực chuyên môn trong bảo tàng.

Tại các Hội thảo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đều có báo cáo tổng hợp và chuyên môn về Quản lý Bảo tàng, cơ hội và thách thức, hầu hết các bài trình bày được Hội thảo đánh giá rất cao về chuyên môn. Các bài báo cáo đã cung cấp cho các nhà hoạt động và quản lý bảo tàng những kinh nghiệm bổ ích về quản lý bảo tàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu cho bảo tàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vai trò của bảo tàng khoa học (nghiên cứu trường hợp của bảo tàng thiên nhiên việt nam) (Trang 39 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)