Vấn đề giao thoa thể loại phóng sự tiểu thuyết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật gái điếm trong làm đĩ của vũ trọng phụng và xóm rá của ngọc giao (Trang 66 - 80)

Trong bài viết Tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng và những "lằn ranh" thể loại văn học, tác giải Bùi Việt Thắng đã viết: “Phóng sựvà tiểu thuyết, nếu nhìn bề ngoài, là hai thể loại văn học rất khác nhau, vì một bên tôn trọng sự thật khách quan, cập nhật và chính xác trong khi viết, một bên đòi hỏi có độ lùi nhất định của sự viết và đề cao hư cấu”. Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng và Xóm Rá của Ngọc Giao vừa là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố chân thực có tính chất thời sự. Có thể nói vấn đề giao thoa thể loại giữa tiểu thuyết và phóng sự chính là yếu tố tạo nên sự đặc sắc của hai tác phẩm này.

3.2.1. Chất phóng sự

3.2.1.1. Tính chân thực

Dường như cả cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng, cái nghèo khó đến tơi tả. Mồ côi cha từ thuở ấu thơ, ông đã phải sớm rời khỏi năm tháng hồn nhiên tuổi ăn tuổi học, để lăn lóc đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm. Ông va chạm trong cái thế giới bi đát diễn ra từng ngày, từng giờ một thực trạng xã hội nhố nhăng, lừa đảo, xu nịnh. Nơi này kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé, nơi kia trụy lạc, xa hoa và tội ác… Tất cả đấy là những cái nhếch mép, cái cười trào lộng, khinh bạc, đả phá vào cái thành trì phong tục hũ nút, chóng vội choàng lên mình sự hào nhoáng trưởng giả, cơ hội, lai căng, tha hóa… Làm đĩ đưa ra bức tranh hiện thực tại Việt Nam ở buổi giao thời, giữa

một bên là văn minh phương Tây đang tràn tới, một bên là văn hóa truyền thống nghìn năm vẫn hiện hữu rõ nét. Ở xã hội ấy, khi những hiệu ảnh mọc lên vuốt ve vẻ đẹp các cô gái, những tiệm may Âu hóa giúp người phụ nữ khoe cơ thể, các hình thức giải trí như khiêu vũ, “xem chớp bóng”, các trò tiêu khiển như đua ngựa, cá cược, chợ phiên… khiến phụ nữ được cởi trói khỏi khuôn phép nghìn xưa. Nhưng cũng chính xã hội ấy, sự hiện hữu của đạo lễ phong kiến vẫn còn. Khuôn phép cũ khiến người ta tránh động chạm đến vấn đề ân ái: “cái xã hội, mỗi khi đả động đến vấn đề nam nữ giao hợp, đã vô tâm khiêu dâm hơn là giảng dạy khoa học và ái tình giáo dục”. Giữa bối cảnh ấy, đi giữa hai làn sóng, một bên hô hào cởi mở, theo trào lưu “văn minh giải phóng phụ nữ", một bên là những giấu diếm về chuyện ái ân, trinh tiết đã góp phần đẩy những cô gái như Huyền vào bước đường Làm đĩ.

Ngọc Giao đã có hai tháng thâm nhập vào Xóm Rá, chung sống giữa “một cõi địa ngục” với ý thức bằng cách tiếp cận thực tế như thế, mạnh dạn gạt bỏ những định kiến, nghi ngại về đạo lý, chối từ việc đứng ở ngoài ngưỡng cửa nhòm vào, mới có thể mô tả được một thực trạng xã hội phức tạp, gai góc và đặc biệt hơn, theo nhà văn, chứa đựng những vấn đề nhân loại. Ngọc Giao đã lột tả toàn diện và sâu sắc sự thật về cái “xã hội mãi dâm”, “cái xã hội kỳ quái, tối đen mà mà hiện nay ta còn ù tai, mờ mắt”. Xóm Rá viết về thân phận của những cô gái điếm xoay quanh cái không gian nhớp nháp, sa đọa, trụy lạc. Ở đó, người gái điếm bị chà đạp, rẻ rúng. Thế giới nơi Xóm Rá là thế giới chực chờ bùng vỡ, phá đổ, có những nhà chứa công khai, “là nơi hơn bốn trăm phụ nữ phải hàng đêm miệt mài làm việc bán thịt cho hàng vạn, hàng triệu kẻ động cỡn”. Trong hơn bốn trăm con người khốn khổ khốn nạn ấy, có đủ thành phần, đủ tầng lớp, đủ hoàn cảnh phiêu bạt, trôi dạt về đây. Đó là Lan, một đào hát cải lương sống trên sân khấu lâu năm, tuy không trở nên “một danh ca – nói theo lối Mỹ, một ngôi sao – nói theo giọng con nhà báo” nhưng nghề nghiệp đã tôi luyện cho Lan cái điệu bộ tống tình rất màu mè, cái giọng nói rất mùi, con mắt nhìn rất đĩ. Đó là Na, một cô bé đi ở, bị cậu chủ hãm hiếp đến có thai, bị bà chủ đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, nổi loạn không mặc quần để đi đưa ma bạn

mình giữa phố phường hoa lệ, là một thông điệp về sự đổi thay tất yếu cần phải có ở xã hội đương thời. Đó là Liên, một cô gái điếm ngây dại, chạy trốn theo Lã Xồm để rồi bị đánh đập, hành hạ, không chỗ nương thân đành ê chề, nhục nhã quay trở về “nơi hang hùm miệng sói” nhà mụ chủ chứa Vương. Đó là Bống, một cô gái điếm mắc bệnh “thần kinh”, bệnh nghiện tình dục thật đau đớn, xót thương. Đó là Mai đã hóa điên hóa dại khi sống trong nhà mụ chủ chứa Vương. Đó còn là Tân với cuộc đời đầy uẩn khúc, từ chỗ là bà giáo để rồi trở thành gái điếm mạt hạng, kẻ lưu manh, móc túi chuyên nghiệp. Đặc biệt là Nhạn với cái chết đau đớn, hãi hùng, ghê rợn. Xóm Rá là tác phẩm khốc liệt nhất, gai góc trong di sản văn chương của Ngọc Giao.

3.2.1.2. Tính thời sự

Ngày nay đọc lại Làm đĩ, vẫn thấy hấp dẫn. Tác phẩm là một tiểu thuyết xã hội tả chân, nêu lên một số vấn đề đến nay vẫn có giá trị thời sự. Ngày nay, giáo dục giới tính đã bắt đầu thực hiện ở các trường. Nhưng thực ra, trong tâm lý truyền thống chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, không ít cha mẹ vẫn e ngại, sợ hại hơn lợi, người ta ngại bàn về tình dục. Vũ Trọng Phụng đã đi trước thời đại. Vũ Trọng Phụng viết Làm đĩ để khẳng định: cái dâm hiểu đúng nghĩa là điều tự nhiên của loài người. “Cái dâm thuộc về quyền sinh lý học... Tình dục cần cho xác thịt cũng như sự ăn uống!”; cần giáo dục tình dục để tuổi trẻ khỏi sa ngã, nhất là khi “văn minh phương Tây đang ảnh hưởng rất mạnh vào đời sống của chúng ta”; “cần cho chúng biết dâm cho có luân lý, dâm cho lương thiện, dâm cho khỏi hại giống nòi... những điều cần biết mà đề phòng sa ngã”. Vũ Trọng Phụng ngày ấy phải dũng cảm đương đầu với búa rìu dư luận. Dư luận lên án ông là “dâm uế”, tả những cảnh gây “buồn nôn”. Ông nói mục đích của ông là tả chân, cốt gây “buồn nôn” khiến người ta xa lánh cái bẩn thỉu”.

Với Xóm Rá của Ngọc Giao, ở góc nhìn cận cảnh vào một không gian trụy lạc qua những mảnh đời bất hạnh, ở việc phơi bày những khoảng tối của đời sống đô thị và của những dục vọng, ở thái độ phê phán của tác giả trước sự suy đồi của đạo đức, tình trạng con người bị bóc lột, những bất công xã hội và cả ở một thứ ngôn ngữ rất đời

thường cho đến giờ phần nào vẫn còn giữ nguyên được nét sống động. Mặc dù ra đời cách đây gần trăm năm nhưng những vấn đề mà Ngọc Giao đề cập đến vẫn luôn luôn mới mẻ, có tính thời sự sâu xa. Hiện nay, xã hội đã được giải phóng. Nhưng vẫn còn đây hiện tượng gái điếm. Thậm chí còn cả hiện tượng trai bao. Những cô gái điếm, những cậu trai bao ấy, nhiều khi cũng chẳng có hoàn cảnh nào đưa đẩy. Có người thì vì tiền, muốn hưởng thụ, ăn chơi, đàn đúm dựa trên “vốn tự có”. Có người do lối sống lệch lạc, méo mó về nhân cách. Và vẫn còn đây hiện tượng đạo đức lối sống bị xuống cấp, cảnh vô cảm đến rợn gáy rùng mình, cảnh trọng nam khinh nữ, những bất công ngang trái ngập tràn xã hội. Vậy chúng ta nghĩ gì? Chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải làm như thế nào? Đó là những câu hỏi khiến ta phải băn khoăn, trăn trở.

3.2.2. Chất tiểu thuyết

3.2.2.1 Chất tiểu thuyết tâm lí - luận đề

Làm đĩ làmột tiểu thuyết tâm lí- luận đề. Huyền là con nhà khá giả, nền nếp gia phong, xinh đẹp, có học, đa tình. Học tiểu học đã tò mò về tình dục, chơi vợ chồng với thằng Ngôn. Tuổi thiếu nữ, mất trinh với anh họ là Lưu vì hai người yêu nhau thắm thiết. Bố mẹ ép duyên, hai người cuống quýt, bàn cách trốn. Ngày cưới tới, Lưu không xoay nổi tiền, tự tử chết. May chồng Huyền là Kim, đang bị bệnh giang mai do quan hệ bừa bãi, không phát hiện được Huyền mất trinh. Nhưng rồi cô lại ngoại tình với bạn của chồng là Tân, một thanh niên giàu có du học ở Pháp về. Khi bị phát hiện, cô đành chấp nhận cuộc sống tôi đòi để chồng không đuổi về nhà. Rồi cô bỏ đi Nam tìm Tân để trả thù. Hết tiền, Huyền đành làm đĩ để sống. Cô gặp lại bạn học cũ là nhà văn, trao cho bạn tập nhật ký về cuộc đời sa ngã của mình để viết và xuất bản thành một cuốn sách răn đời. Hiện thực của Làm đĩ không phải là bản sao chép thế giới mà có tính chất trào lộng, châm biếm. Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng hướng tới những luận đề xã hội nóng bỏng. Vũ Trọng Phụng luôn quan tâm để cho tác phẩm của mình đạt tới những luận đề xã hội có ý nghĩa sâu rộng. Vũ Trọng Phụng đã thẳng thắn bộc lộ ý đồ nghệ thuật của mình - viết một luận đề xã hội bằng hình thức tiểu thuyết - phóng sự: “Làm đĩ là một

thiên tả chân tiểu thuyết mục đích là hô hào nhà đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm... Sự gặp gỡ của Đông Tây trên dải đất này đã ảnh hưởng rất mạnh vào đời vật chất của chúng ta. Còn gì vô lí cho bằng đã công nhận cuộc tân sinh hoạt trong đó có rạp hát, rạp chiếu bóng, những mốt y phục tân thời, nhà khiêu vũ, nước hoa, phấn sáp, là những điều kiện làm cho loài người càng ngày càng tăng mãi cái dâm lên, mà lại đồng thời không công nhận vấn đề giáo dục cái sự dâm là cần truyền bá, ngõ hầu chỉ bảo cho bọn hậu sinh biết cách dâm cho có luân lí, dâm cho lương thiện, dâm cho khỏi hại giống nòi?”. Có thể gọi đây là một cuộc tranh biện, phản biện xã hội bằng nghệ thuật về một vấn đề xã hội nhạy cảm so với truyền thống đạo lí phương Đông và Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Xóm Rá không đơn thuần chỉ là một phóng sự, dù Ngọc Giao đã gọi tác phẩm của mình như thế. Xóm Rá thực chất là tiểu thuyết. Ở đó ta thấy nhiều ý nghĩ được tái hiện, nhiều con người thuộc nhiều thể loại, những lằn ranh giá trị luôn ở trong trạng thái xê dịch. Những nhân vật trong Xóm Rá đều được cá tính hóa sắc nét và phần lớn đều là những nhân vật lưỡng hóa: mụ Vương - một bà chủ chứa đối xử với các cô gái điếm như nô lệ nhưng lại là một người mẹ mẫu mực, có tình yêu thương con vô bờ, mụ tìm mọi cách để con mình không tiếp xúc với thế giới đầy mầm bệnh về nhân cách mà mụ ta đang nhúng vào; Tám Mãnh - một gã bồi săm côn đồ, dâm tà, tàn nhẫn nhưng đồng thời lại là kẻ có lòng tin vững chắc vào đạo Phật; Lã Xồm - một gã sinh viên bốc đồng ra tay cứu vớt một cô gái điếm nhưng rồi lại vứt bỏ cô gái điếm ra đường một cách đau đớn… Những Nhạn ra tay trả thù đời tàn nhẫn bằng cách truyền bệnh cho khách làng chơi nhưng lại đối xử rất tốt với bạn bè cùng cảnh ngộ, Tân vừa là cô gái có hiểu biết, tìm mọi cách xoay sở để lo tang lễ cho người bạn của mình nhưng lại là kẻ lưu manh, trộm cắp... Những gái điếm, họ đều là nạn nhân của xã hội mà ở đó, họ chỉ được xem như là nguồn thỏa mãn dục tình của đàn ông. Nhưng từ chỗ là những kẻ phải chịu đựng sự khinh bỉ của người đời, họ bất cần, ngạo nghễ và có cả sự kiêu hãnh trong

đó để phản kháng cái xã hội đạo đức giả ấy. Họ coi thường những gã đàn ông không vượt qua cám dỗ nhục dục nhưng vẫn ra điều răn dạy họ. Họ không ngại ngần ném trả lại sự mai mỉa đối với những quý bà, quý cô trưởng giả, hãnh tiến, muốn nhìn họ như những con thú lạ. Đặc biệt là việc các cô gái điếm tự động cởi bỏ trang phục của mình để mặc lại cho Nhạn – người gái điếm khốn nạn đã bị tay làm nghề liệm xác tham lam lột bỏ hết áo quần. Hành động của họ mang tính khiêu khích mạnh mẽ trước một xã hội phi nhân tính.

3.2.2.2. Thời gian và không gian nghệ thuật

Thời gian trong Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng bắt đầu bằng hiện tại là cảnh xa hoa, trụy lạc của Huyền, sau đó là cảnh sống trong quá khứ của Huyền, rồi quay lại với thực tế. “Ba đêm liền chỉ hết bia lại thuốc phiện, uống xong tức khắc thấy cái cần phải hút cho khỏi say, rã rượu rồi lại thấy phải hút để có sức thức mà nghe, hút xong rồi thì lại thấy cần phải uống nữa cho đỡ ráo cổ... Ấy sự đời luẩn quẩn loanh quanh chạy vòng đèn cù như thế...”. Thời gian luẩn quẩn, loanh quanh như thế. Thời gian cho ta thấy được một xã hội đang vận động trong sự trì trệ, bế tắc, không lối thoát. Thời gian xâu kết cuộc đời của Huyền, từ khi đang tuổi dậy thì, đến khi ra đời, cho đến khi lấy chồng, rồi đến lúc rơi vào trụy lạc. Tất thảy cho ta cảm nhận sự tàn nhẫn của thời gian đối với cuộc đời, số phận Huyền.

Thời gian trong Xóm Rá của Ngọc Giao được khái quát ngay phần mở đầu của tác phẩm: “Xóm Rá ban ngày buồn như bãi tha ma. Chị em ngồi mãi đến trưa, chiều, có khi bỏ cả ăn, để rồi sẩm tối, lại có thể cố bốc thịt xương lên, cố bôi son trát phấn, cố cười, cố nói, chờ đón khách. Ngày lại tháng, lại năm, không bao giờ hết, họ cứ phải sống cuộc đời tủi nhục ấy”. Cũng như Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Xóm Rá của Ngọc Giao là những chuỗi ngày dài triền miên đau khổ, bẽ bàng, ê chề, nhục nhã của những cô gái điếm. Họ sống không hy vọng, không tương lai. Qua miêu tả về thời gian trong hai tác phẩm, người đọc cảm giác rõ hiện lên từng khung cảnh như được quay chậm nhằm khắc họa số phận của những nhân vật.

Với Làm đĩ, mở đầu tác phẩm là không gian của các nhà chứa nhưng hết sức kín đáo. Những ô trọc nhưng lại được đánh bóng bên ngoài bởi sự thanh tao mà không một dân chơi nào có thể biết được. Từ không gian đó, tác giả trở lại không gian của quá khứ. Đó là một không gian ê chề, một gia đình không hạnh phúc. Bố dẫn gái về nhà, mẹ bỏ về quê, anh trai theo bọn mất dạy. Cái không gian trong gia đình đó là không gian tình tứ cho sự xuất phát tình yêu của Lưu với Huyền. Trong một không gian chật hẹp mà diễn ra biết bao nhiêu là chuyện. Không gian đó cũng là không gian hình thành nên tính dâm của Huyền do cảnh giáo dục không tốt của gia đình. Làm sao Huyền không bị tác động khi bên kia bức vách là tiếng hôn, tiếng rên, tiếng răng rắc của cảnh bố Huyền với vợ bé làm tình! Làm đĩ còn có cả không gian xã hội đang trên đà chuyển mình đi theo phong trào Âu hóa rởm hợm. Nó được biểu hiện qua sự thay đổi của Huyền và các chị em vào thời đó qua cảnh thay đổi mốt quần áo, bằng chứng đó là phụ nữ trong Làm đĩ đã thay đổi màu quần của mình sang màu trắng, qua các cuộc chơi bời của vợ chồng Huyền ở tiệm khiêu vũ, chợ phiên...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật gái điếm trong làm đĩ của vũ trọng phụng và xóm rá của ngọc giao (Trang 66 - 80)