3.1.1. Yêu cầu thực hiện chính sách hình sự nhân đạo, hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa của Cải cách tư pháp
BLHS số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực toàn phần kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã kịp thời thể chế hoá chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, trong đó nhấn mạnh phải “tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng,
chống tội phạm và tăng cường hội nhập quốc tế”. Đây là những định hướng
quan trọng, là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng các chế định khác nhau của BLHS. Tội phạm và hình phạt được quy định phải xuất phát từ tính đặc thù của từng loại tội phạm cũng như các điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội chi phối. Có như vậy, tính chất giáo dục cũng như phòng ngừa của hình phạt mới đạt được hiệu quả và đảm bảo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
Có thể nhận thấy, tinh thần đổi mới trong nhận thức về chính sách hình sự mang đầy tính nhân văn mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội, đảm bảo các quy định của BLHS không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức chủ động tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, chính
hình phạt được thể hiện khá rõ nét như trong quy định về các loại hình phạt và chế định đặc biệt án treo. Do đó, trong thời gian tới, việc áp dụng án treo nói riêng và áp dụng pháp luật hình sự nói chung cần đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện chính sách hình sự nhân đạo, hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa trong Cải cách tư pháp.
3.1.2. Yêu cầu bảo vệ quyền con người
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đặt con người vào “vị trí trung tâm”, “mọi mục tiêu, động lực của sự phát triển là vì con người, do con người”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con người đã trở thành một nguyên tắc trong hoạch định chính sách, pháp luật của nhà nước. Nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ QCN, minh bạch hóa trách nhiệm nhà nước đã được thẩm thấu vào trong quy trình xây dựng luật pháp và chính sách về QCN, góp phần vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm QCN. Xuất phát từ nghĩa vụ quan trọng và cơ bản “định ra các đạo luật” xác định QCN và quyền công dân, quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm QCN. Chẳng hạn, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền con người được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992, đó là “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50). Từ quy định có tính nguyên tắc này, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng chủ thể của QCN nói chung cũng như các quyền và tự do cơ bản của công dân nói riêng. Nếu như ở Hiến pháp năm 1992, khái niệm quyền con người chỉ chủ yếu dừng lại ở chủ thể là “công dân” thì ở Hiến pháp năm 2013, các chủ thể của QCN thuộc về tất cả mọi người chứ
không chỉ là công dân. Việc ghi nhận này có ý nghĩa quan trọng trong việc nội luật hóa các Công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, đồng thời, quan trọng hơn là tránh được sự nhầm lẫn giữa QCN và quyền công dân thường mắc phải trong các Hiến pháp trước đó. Đặc biệt, trong lĩnh vực hình sự, khi xây dựng BLHS 2015, nhà làm luật đã thể chế hóa rõ rệt quan điểm, chủ trương về bảo vệ quyền con người nêu trên, trong đó chế định án treo được giữ nguyên là minh chứng. Việc áp dụng chính xác án treo chính yêu cầu đặt ra trong việc bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của người phạm tội được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự.
3.1.3. Yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Tại Điều 1 BLHS 2015 đã khẳng định: "Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm". Bộ luật hình sự quy định về tội phạm và hình phạt, được ban hành với nhiệm vụ phát huy vai trò, tác dụng tích cực là công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Với những quy định tương đối có hệ thống, toàn diện về các nguyên tắc xử lý, chế định chung của chính sách hình sự, về tội phạm và hình phạt cũng như việc hình sự hóa khá nhiều hành vi nguy hiểm cao cho xã hội, BLHS một mặt đã thể hiện được tinh thần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, mặt khác tạo cơ sở pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm về kinh tế, ma túy và tội phạm tham nhũng… qua đó góp phần kiểm soát và kìm chế tình hình tội phạm, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Án treo
là một trong số nội dung được ghi nhận trong BLHS, theo đó việc áp dụng án treo phải đảm bảo chính xác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lớn đặt ra là phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.