công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở làm căn cứ cho việc định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia. Trong các dự án đầu tư phát triển và trong hợp tác sản xuất kinh doanh cần đặc biệt coi trọng yếu tố chuyển giao công nghệ mới, coi đây là một trong những yếu tố để quyết định dự án đầu tư.
Cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ôtô, điện - điện tử, dệt may, da - giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế.
Xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung xây dựng chính sách đột phá, tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, công nghiệ hỗ trợ nói riêng.
VI. NÂNG CAO NĂNG LỰC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HỖTRỢ TRỢ
Xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng. Các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng có vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương, hình thành hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt
phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương đang triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như: Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đối với hoạt động nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ; tối đa 50% kinh phí đối với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; tối đa 100% kinh phí đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đối với đơn vị trực tiếp tham gia dự án; hỗ trợ hoạt động thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường, hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ về tín dụng, ưu đãi một số loại thuế; hỗ trợ tối đa 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị đo kiểm, phân tích; các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng …
Các chính sách nói trên đã tạo không ít cơ hội để các doanh nghiệp có thể tận dụng mọi nguồn lực của mình và phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, chất lượng và giá thành sản phẩm, nhằm nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ. Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp tăng lên đáng kể, đồng thời giúp sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh được với các phụ tùng nhập khẩu.