Cơ cấu trình độ lao động của ngành da giày Việt Nam rất bất hợp lý: đa số là lao động phổ thông (không có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc có nhưng trình độ thấp) chiếm 91,3%, lao động có trình độ Trung cấp và Sơ cấp chiếm tỷ lệ tương ứng 2,7% và 2,6%, lao động có trình độ Cao đẳng và Đại học trở lên chiếm tỷ lệ dưới 2%. Điều này khiến cho những yêu cầu của công nghệ 4.0 trở nên rất khó khăn, đòi hỏi về các kỹ năng như số hóa, trí tuệ nhân tạo, ngoại ngữ, tin học, lập trình, phân tích dữ liệu, an ninh mạng,…không được đáp ứng khiến việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng năng suất gặp rất nhiều hạn chế.
Năng suất và hiệu quả lao động thấp hơn rất nhiều so với các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… trong khi chi phí nhân công ngày càng tăng.
Tình hình của dịch Covid kéo dài và diễn biến khó lường dẫn đến công nhân phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, đói nghèo, phải chuyển sang lĩnh vực, ngành nghề khác hoặc về quê, hoặc vẫn đi làm nhưng phải làm việc theo ca; độ chênh lệch phủ vaccine giữa các tỉnh miền Nam và miền Bắc – Trung cũng khá lớn khiến lượng người lao động về quê khó tiếp cận với vaccine hơn, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người lao động thuộc ngành nghề này.
Phía doanh nghiệp hiện nay đang phải bắt buộc cho công nhân nghỉ việc để tiết kiệm chi phí trong giai đoạn tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng, đến khi mọi việc lắng xuống, các doanh nghiệp có đơn hàng trở lại thì nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động, do nhiều lao động đã chuyển sang lĩnh vực, ngành nghề khác hoặc về quê với tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, hoặc đi làm lại nhưng phải làm việc giãn ca, không liên tục dẫn đến thiếu hiệu quả; ngoài ra doanh nghiệp thiếu tính quy hoạch, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu tôn trọng người lao động, các chính sách hỗ trợ, trợ cấp chưa đến
được tay người lao động, tính hấp dẫn không lớn nên khó thu hút lao động,… cũng là những hạn chế mà doanh nghiệp cần phải thay đổi.
Trình độ công nghệ sản xuất ở mức trung bình khá nhưng phụ thuộc vào máy móc, thiết bị nước ngoài, hầu hết các kĩ năng cơ bản để vận hành các thiết bị số của lao động ngành da giày nói chung còn yếu kém do trình độ đào tạo thấp, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ, công tác nghiên cứu và phát triển còn nhiều yếu kém, lao động ít được tiếp xúc với công nghệ, lực lượng chuyên gia cũng như kiến thức và cập nhật công nghệ còn ít ỏi và cũng chưa đạt đến nhu cầu phát triển kinh doanh, quá trình sản xuất mới được cơ giới hóa mà chưa tự động hóa, tỷ lệ công việc làm thủ công còn ở mức cao, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Lao động tay nghề thấp làm trong ngành thâm dụng lao động như da giày - nơi có số lượng doanh nghiệp và số lao động đang làm việc đông - sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.