1. Tác dụng-Ý nghĩa đối với công việc giảng dạy.
Sáng kiến kinh nghiệm giúp cho giáo viên có được những phương pháp, biện pháp thiết thực trong việc rèn luyện kĩ năng viết bài tập làm văn cho học sinh. Học sinh được học tập và rèn luyện theo những kinh nghiệm đã được đúc kết của giáo viên nên kĩ năng viết bài tập làm văn ngày càng tiến bộ hơn. Để các biện pháp nêu trên đạt kết quả cao thì trong quá trình giảng dạy giáo viên và học sinh cần thực hiện một số yêu cầu sau:
* Về giáo viên: Muốn thực hiện đạt yêu cầu việc rèn luyện kĩ năng viết bài tập làm văn cho học sinh giáo viên cần:
- Đầu tư vào bài soạn, nghiên cứu kỹ để có câu hỏi thảo luận cho học sinh. - Câu hỏi phải khuyến khích được tất cả học sinh trong lớp suy nghĩ. Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, vừa sức để học sinh có thể trả lời.
- Ngay từ đầu, xây dựng cho học sinh phương pháp học tập, những qui định đối với học sinh về việc học phân môn tập làm văn nói riêng, môn Ngữ văn nói chung.
- Hướng dẫn cho học sinh cách học cũng như cách soạn bài (Nhất là đối với tiết thực hành).
- Có kế hoạch kiểm tra phần chuẩn bị bài của học sinh.
- Cần tôn trọng ý kiến học sinh, tạo điều kiện, dẫn dắt học sinh thể hiện quan điểm cá nhân của mình.
- Nắm vững qui trình tiết dạy tập làm văn và tiến hành các bước một cách linh hoạt, thuần thục.
* Về học sinh:
- Đầy đủ sách giáo khoa, các sách tham khảo khác, dụng cụ học tập, nhất là tài liệu sưu tầm được, tích lũy được trong quá trình học tập, quan sát thực tế cuộc sống mà tích lũy được, chuẩn bị cả về ngôn ngữ để có được hành văn lưu loát, ý tứ phong phú.
- Mỗi cá nhân cần phải học bài, soạn bài và chuẩn bị bài kĩ trước ở nhà. - Mỗi cá nhân đều phải tích cực và ý thức trách nhiệm trong hoạt động nhóm.
Tóm lại, dạy văn là một công việc đòi hỏi tính khoa học, nghệ thuật và sáng tạo. Do vậy người dạy văn phải có sự nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp dạy học mới để việc tổ chức các hoạt động dạy học văn bản trở nên phong phú, đa dạng và có chiều sâu. Rèn kĩ năng viết bài cho học sinh qua tiết tập làm văn ở môn ngữ văn 9 là một hoạt động mang tính chuyên môn của người giáo viên dạy văn trong quá trình thực thi giảng dạy chương trình thay sách. Điều đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học Văn bản nói riêng và cho bộ môn Ngữ văn nói chung.
Vấn đề được trình bày trên đây dưới dạng một sáng kiến kinh nghiệm, không có mong muốn gì hơn được bày tỏ những đóng góp nhỏ vào công việc giảng
dạy văn và mong được các thầy cô góp ý. Trong quá trình giảng dạy, tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để làm tốt nhiệm vụ của người giáo viên dạy văn.
* Một số lưu ý:
Để trở thành người thợ giỏi ở bất cứ một ngành nghề nào người thợ cũng phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện lâu dài. Để viết tốt một bài văn cũng vậy, học sinh phải trải qua quá trình rèn luyện nghiêm túc có sự hướng dẫn của giáo viên.
Trong quá trình dạy, giáo viên giúp học sinh nhớ lại những kiến thức cũ đã học tập làm văn ở các lớp trước bằng các tình huống có vấn đề trong các tiết lí thuyết. Để áp dụng có hiệu quả những biện pháp này, người giáo viên thực sự tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, dành thời gian nhiều. Do học sinh phải thực hiện phần bài tập ở nhà nhiều nên giáo viên phải thu vở bài tập về nhà để chấm, sửa cho các em.
Giáo viên thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi quá trình học sinh làm bài. Điều quan trọng là giáo viên biết động viên, khuyến khích, tuyên dương học sinh đúng lúc, kịp thời. Bên cạnh đó, với học sinh điểm số rất quan trọng nên khi chấm bài tập hoặc khi các em trình bày thì giáo viên nên cho học sinh điểm số và có điểm cho tinh thần tự giác.
Nếu giáo viên làm tốt điều đó thì các em sẽ rất tự giác và có hứng thú làm bài tập ở nhà cũng như trên lớp. Trong trường hợp giáo viên có quên thu bài thì cũng sẽ được các em “nhắc nhở”. Bên cạnh việc động viên, khuyến khích, giáo viên cũng cần có biện pháp đối với những học sinh còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại như yêu cầu các em ở lại sau buổi học để làm bài tập, mượn bài của bạn chép lại nhiều lần …
Hiện nay đã có tiết tự chọn (hai tiết/1tuần cho môn Ngữ văn), khi dạy tiết này, trong thực hành giáo viên có những bài tập dễ hơn cho học sinh yếu. Khi các em làm được giáo viên mới nâng độ khó lên dần.
Trên đây là một số biện pháp giúp học sinh làm tốt bài làm văn trong chương trình Ngữ văn 9. Đó cũng là những gì tôi tích luỹ được trong quá trình dạy văn tự sự trong thời gian qua.
Qua quá trình giảng dạy, tìm hiểu, trao đổi với đồng nghiệp, thông qua tiết dự giờ, tham khảo tài liệu … tôi đã tích luỹ được cho mình một số kinh nghiệm, nó được tôi áp dụng vào bài dạy khi lên lớp tại trường PTDTBT THCS Nam Sơn.
Khi áp dụng những kinh nghiệm trên vào bài dạy, sau một thời gian chất lượng bài viết của học sinh đã được nâng lên rõ rệt, giảm được số bài không đạt yêu cầu, và số bài tốt cũng tăng lên.
Những biện pháp trên được tôi rút ra từ thực tế cũng như thông qua trao đổi với đồng nghiệp, có thể vẫn còn hạn chế. Vậy tôi mong được tiếp thu ý kiến đóng góp của BGH, Hội đồng khoa học nhà trường và Hội đồng khoa học của Phòng giáo dục - đào tạo để từ đó có thể trao đổi, rút kinh nghiệm giúp tôi nâng cao chất lượng giảng dạy ở bộ môn.
2. Kiến nghị.
- Sáng kiến kinh nghiệm cần có sự góp ý xây dựng để được hoàn thiện và sâu hơn nên rất cần sự đóng góp ý kiến của tổ chuyên môn và các đồng chí, đồng nghiệp.
- Để rèn luyện kĩ năng làm bài tập làm văn cho học sinh được thực hiện một cách đồng đều ở tất cả các lớp, tổ chuyên môn phải lên kế hoạch và có phương hướng triển khai cụ thể.
- Phụ huynh cần quan tâm đến việc học tập, giáo dục con cháu trong gia đình thường xuyên và tích cự hơn.
- Nhà trường, các tổ chức Đoàn thể thường xuyên tổ chức sinh hoạt ngoại khóa để học sinh có điều kiện phát huy kĩ năng sống.