Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã liên tục và thường xuyên chú trọng cải cách chính sách pháp luật về tiền lương, nhờ đó mức lương bước đầu được nâng lên, gắn với sự phát triển của thị trường. Thu nhập của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề giá cả hàng hóa sức lao động ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động, lương vẫn chưa theo được mặt bằng giá cả nói chung, gây ảnh hưởng lan toả đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng được một hệ thống pháp luật tiền lương tốt, bởi lẽ, pháp luật tiền lương không chỉ liên quan đến thu nhập và đời sống của người lao động, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đến mối quan hệ tích lũy và tiêu dùng, quan hệ giữa các tầng lớp lao động.
Việc hoàn thiện pháp luật về tiền lương trong các doanh nghiệp cần phải đảm bảo tiền lương phải đủ trang trải cho cuộc sống của bản thân người lao động và gia đình, được hình thành theo quy luật của thị trường và do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản về chi trả tiền lương ở các loại hình doanh nghiệp và giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Nhà nước quy định mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống ở mức tối thiểu của người lao động, phù hợp với mặt bằng tiền lương trên thị trường, khả năng của doanh nghiệp và trình độ phát triển của nền kinh tế làm căn cứ cho việc thoả thuận, thương lượng giữa các bên trong doanh nghiệp về tiền lương. Còn doanh nghiệp phải chủ động xây dựng cơ chế tiền lương phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, xây dựng định mức và đơn giá tiền lương, thang bảng lương, quy chế trả lương… theo sự hướng dẫn của Nhà nước và thực hiện công khai dân chủ, minh bạch trong doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Luận án tiến sĩ với đề tài “Tiền lương trong doanh nghiệp theo pháp luật lao động ở Việt Nam hiện nay” đã đạt được một số kết quả nghiên cứu chính sau đây:
1. Phân tích và làm rõ một số vấn đề lí luận và thực tiễn về tiền lương trong doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Trong đó làm rõ khái niệm về tiền lương, pháp luật về tiền lương, lương tối thiểu trong doanh nghiệp ở Việt Nam.
2. Luận án đã phân tích đánh giá thực trạng tiền lương và pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp ở Việt Nam theo các nội dung chính là: (1) Pháp luật về các nguyên tắc cơ bản của tiền lương, (2) Pháp luật về tiền lương tối thiểu, (3) Pháp luật về thang lương, bảng lương, (4) Pháp luật về định mức lao động và (5) Một số quy định khác về tiền lương.
3. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, phân tích các quy phạm pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp, các văn kiện của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ đó là cơ sở cho các đề xuất giải pháp.
4. Để khắc phục những hạn chế trong pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp, có 2 nhóm giải pháp lớn được đưa ra, bao gồm: (1) Nhóm giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp và (2) Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động về tiền lương trong doanh nghiệp.
Đề tài Luận án đã được nghiên cứu sinh dành nhiều tâm sức, có tham khảo và dẫn chiếu các công trình khoa học có liên quan, có sự kế thừa một cách chọn lọc, các đánh giá dựa trên cơ sở khoa học, các đề xuất được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, được sự nhất trí cao của người hướng dẫn khoa học. Tuy nhiên, với tư cách là người lần
đầu nghiên cứu, nội dung nghiên cứu rộng, sâu và có nhiều yếu tố tác động, chất lượng luận án được tác giả tự đánh giá là còn nhiều khiếm khuyết. Trên cơ sở đây là điểm khởi đầu của quá trình lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học của tác giả. Nghiên cứu sinh hi vọng trong quá trình công tác của mình sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung và công bố bằng các hình thức khác về kết quả nghiên cứu khoa học tiếp theo của bản thân nhằm bổ cứu những khiếm khuyết mà luận án này chưa đề cập hoặc chưa phát hiện ra ở thời điểm nghiên cứu luận án. Rất mong nhận được ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý và những chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này để luận án được hoàn chỉnh hơn.