ĐẦU CẦU DÂN CHỦ
MỤC TIÊU TRUNG TÂM CỦA MỸ
Vấn đề trung tâm của Mỹ là làm sao xây dựng một châu Âu dựa trên mối liên hệ Pháp-Đức, một châu Âu (vẫn liên kết với Hoa Kỳ) có thể thực thi và mở rộng phạm vi của hệ thống quốc tế dân chủ hợp tác, một hệ thống mà việc thực thi hiệu quả sự dẫn đầu toàn cầu của Mỹ phụ thuộc rất nhiều. Do đó, lựa chọn giữa Pháp và Đức không phải là vấn đề. Không có Pháp hoặc Đức, sẽ không có châu Âu.
1. Mỹ tham gia vào sự nghiệp thống nhất châu Âu là cần thiết để bù đắp cho cuộc khủng hoảng nội bộ về tinh thần và mục đích đang làm hao mòn sức sống châu Âu, để vượt qua sự nghi ngờ lan tỏa trong lòng châu lục già cỗi rằng cuối cùng Mỹ không ủng hộ sự thống nhất châu Âu chân chính, và truyền vào châu Âu việc đảm nhân liều lượng nhiệt
huyết dân chủ cần thiết. Điều đó đòi hỏi một cam kết rõ ràng của Mỹ
để có sự chấp nhận cuối cùng, xem châu Âu như là đối tác toàn cầu của Mỹ.
2. Trong ngắn hạn, phản đối chiến thuật đối với chính sách và hỗ trợ của Pháp cho quyền lãnh đạo của Đức là hợp lý; về lâu dài, sự thống nhất châu Âu sẽ phải liên quan đến một bản sắc chính trị và quân sự châu Âu đặc biệt hơn nếu một châu Âu chân chính thực sự trở thành hiện
thực. Điều đó đòi hỏi một số dàn xếp tiến bộ theo quan điểm của Pháp
liên quan đến việc phân phối quyền lực trong các tổ chức xuyên Đại Tây Dương.
3. Cả Pháp và Đức đều không đủ mạnh để tự mình xây dựng châu Âu
hoặc giải quyết với Nga những mơ hồ vốn có trong việc định nghĩa về phạm vi địa lý của châu Âu. Vấn đề này đòi hỏi sự tham gia nhiệt tình, tập trung và quyết tâm của người Mỹ, đặc biệt là với người Đức, trong việc xác định phạm vi châu Âu và do đó cũng phải đối phó với những vấn đề nhạy cảm - đặc biệt là đối với Nga - chẳng hạn như đâu là địa vị cuối cùng trong hệ thống châu Âu của các nước cộng hòa Baltic và Ukraine.
Một cái nhìn lướt qua bản đồ vùng đất Á-Âu rộng lớn là đủ thấy rõ tầm quan trọng địa chính trị của đầu cầu châu Âu đối với nước Mỹ cũng như sự khiêm tốn về địa lý của nó. Việc bảo tồn đầu cầu đó và mở rộng nó để làm bàn đạp cho nền dân chủ có liên quan trực tiếp đến an ninh của Mỹ. Khoảng cách hiện tại giữa mối quan tâm toàn cầu của Mỹ cho sự ổn định, cho sự phổ biến dân chủ liên quan và thái độ dường như trung lập của châu Âu đối với các vấn đề này (mặc cho vị thế tự xưng của Pháp là một cường quốc toàn cầu) cần phải được khép lại, và nó chỉ có thể được thu hẹp nếu châu Âu ngày càng nhận lãnh một vai trò đúng nghĩa là liên minh hơn. Châu Âu không thể trở thành một quốc gia-dân tộc duy nhất, vì sự ương ngạnh của các truyền thống dân tộc đa dạng của nó, nhưng nó có thể trở
thành một thực thể thông qua các thiết chế chính trị chung phản ánh tích cực các giá trị dân chủ phổ quát, xác định lợi ích riêng với sự đa dạng của nó, và thi triển sức hút lên các dân tộc khác trong không gian Á-Âu.
Chỉ còn lại chính họ, người châu Âu có nguy cơ bị cuốn vào các mối quan tâm xã hội nội bộ của họ. Sự phục hồi kinh tế đã che khuất các chi phí dài hạn phải trả cho thành công bề ngoài của châu Âu. Những chi phí này đang gây tổn hại về kinh tế cũng như chính trị. Cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp chính trị và sức sống kinh tế mà Tây Âu phải đối mặt ngày càng rõ ràng, nhưng không thể vượt qua được, bắt nguồn từ sự mở rộng toàn diện của cấu trúc xã hội do nhà nước bảo trợ vốn ủng hộ chủ nghĩa gia trưởng, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa địa phương. Hệ quả là tình trạng văn hóa kết hợp chủ nghĩa khoái lạc thoát ly cộng thêm sự trống rỗng về tinh thần, tình trạng có thể được những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoặc có tư tưởng độc đoán lợi dụng.
Hoàn cảnh này, nếu trở nên tràn lan, có thể cho thấy rõ mối nguy hiểm đối với nền dân chủ và lý tưởng của châu Âu. Trên thực tế, cả hai liên kết với nhau, vì những vấn đề mới của châu Âu - là vấn đề nhập cư hay cạnh tranh kinh tế-công nghệ với Mỹ hay châu Á, không nói đến sự cần thiết phải cải cách chính trị cho ổn định các cấu trúc kinh tế xã hội hiện tại - chỉ có thể được xử lý hiệu quả trong một bối cảnh ngày càng mở rộng hơn ở tầm vóc lục địa. Một châu Âu lớn hơn toàn bộ những gì làm nên nó, nghĩa là một châu Âu nhìn thấy vai trò toàn cầu của mình trong việc thúc đẩy dân chủ và trong sự thịnh vượng rộng lớn hơn của các giá trị cơ bản của con người, có nhiều khả năng là một châu Âu không thích hợp đối với chủ nghĩa cực đoan chính trị, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay chủ nghĩa khoái lạc xã hội.
Người ta không cần phải gợi lên những lo ngại cũ cho việc dàn xếp riêng biệt giữa người Đức và người Nga, cũng như không cần thổi phồng hậu quả của việc Pháp có những “tán tỉnh” chiến thuật dành cho Moscow thì mới có thể tiêu trừ nỗi lo âu về sự ổn định địa chính trị của châu Âu và vị trí của Mỹ trong đó, dẫn đến sự thất bại của những nỗ lực thống nhất vẫn tiếp diễn của châu Âu. Bất kỳ thất bại nào như vậy trên thực tế có thể gây ra một số vận động đổi mới và khá là truyền thống ở châu lục này. Nó chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội cho sự tự khẳng định địa chính trị của Nga hoặc Đức, mặc dù nếu lịch sử hiện đại của châu Âu chứa đựng bất kỳ bài học
nào thì đó là cả hai đều không có khả năng đạt được thành công lâu dài trong việc đó. Tuy nhiên, ít nhất, Đức có lẽ sẽ trở nên quyết đoán và rõ ràng hơn trong việc định nghĩa lợi ích quốc gia của mình.
Hiện tại, các lợi ích của Đức rất phù hợp và thậm chí thăng hoa trong các quốc gia thuộc EU và NATO. Ngay cả những phát ngôn viên của Liên minh 90/Đảng Xanh cũng ủng hộ việc mở rộng cả NATO và EU. Nhưng nếu sự thống nhất và mở rộng của châu Âu bị đình trệ, có một số lý do để cho rằng một định nghĩa dân tộc hơn cho khái niệm của Đức về “trật tự” châu Âu khi đó sẽ xuất hiện, gây bất lợi cho sự ổn định của châu Âu. Wolfgang Schauble, lãnh đạo của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Bundestag và là người có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Kohl, bày tỏ suy nghĩ đó khi ông tuyên bố rằng Đức không còn là “bức tường thành phương Tây chống lại phương Đông; chúng tôi đã trở thành trung tâm của châu Âu,” và nhấn mạnh thêm rằng, trong “thời gian dài thời Trung cổ… Đức đã
tham gia thiết lập trật tự ở châu Âu”6 Trong tầm nhìn này, Mitteleuropa
(Trung Âu), thay vì là một khu vực châu Âu, nơi Đức vượt trội về kinh tế, sẽ trở thành một khu vực chiếm ưu thế chính trị công khai của Đức cũng như là cơ sở cho một chính sách đơn phương hơn của Đức đối với phía đông và phía tây.
Châu Âu sau đó sẽ không còn là cầu nối Á-Âu cho sức mạnh của Mỹ hay bàn đạp tiềm năng cho việc mở rộng hệ thống dân chủ toàn cầu vào khu vực Á-Âu. Đây là lý do tại sao sự hỗ trợ rõ ràng và hữu hình của Mỹ cho việc thống nhất châu Âu phải được duy trì. Mặc dù cả trong quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu và trong liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương, Mỹ thường xuyên tuyên bố ủng hộ sự thống nhất và hỗ trợ hợp tác xuyên quốc gia ở châu Âu, nhưng họ vẫn hành động như thể thích giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị rắc rối với từng quốc gia châu Âu chứ không phải ở phạm vi Liên minh châu Âu. Thỉnh thoảng, việc người Mỹ khăng khăng lên tiếng trong quá trình ra quyết định của châu Âu có khuynh hướng củng cố những nghi ngờ ở châu lục này cho rằng Mỹ ủng hộ sự hợp tác giữa những người châu Âu chỉ khi họ tuân theo sự lãnh đạo của Mỹ chứ không phải khi họ xây dựng các chính sách của châu Âu. Đây là thông điệp bị truyền thông sai.
Cam kết của Mỹ đối với sự thống nhất của châu Âu, được nhắc lại mạnh mẽ trong Tuyên bố chung Madrid giữa Mỹ và châu Âu vào tháng 12 năm 1995, sẽ tiếp tục vang lên một cách trống rỗng cho đến khi Mỹ không chỉ sẵn sàng tuyên bố rõ ràng rằng họ chấp nhận hậu quả của việc châu Âu trở thành châu Âu thực sự mà còn có hành động phù hợp. Đối với châu Âu, hệ quả cuối cùng sẽ đòi hỏi một mối quan hệ đối tác thực sự với Mỹ thay vì tình trạng là một đồng minh được ưa chuộng nhưng vẫn còn là đàn em. Và một quan hệ đối tác thực sự có nghĩa là chia sẻ trong cả quyết định cũng như trách nhiệm. Vì lẽ này, sự ủng hộ của Mỹ sẽ giúp tiếp thêm sinh lực cho cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương, khuyến khích người châu Âu tập trung nghiêm túc hơn vào vai trò mà một châu Âu thực sự quan trọng có thể đóng góp trên thế giới.
Có thể hình dung rằng đến một lúc nào đó, một Liên minh châu Âu thực sự thống nhất và mạnh mẽ có thể trở thành đối thủ chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ. Nó chắc chắn có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh kinh tế- công nghệ khó nhằn, trong khi lợi ích địa chính trị của nó ở Trung Đông và các nơi khác có thể khác biệt đáng kể so với Mỹ. Nhưng, trên thực tế, một châu Âu mạnh mẽ và chuyên tâm về chính trị như vậy không có khả năng xuất hiện trong tương lai gần. Không giống như các điều kiện phổ biến ở Mỹ tại thời điểm Hoa Kỳ hình thành, có các nguồn gốc lịch sử sâu rộng cho tính bền vững của các quốc gia-dân tộc châu Âu và tham vọng đối với một châu Âu xuyên quốc gia đã suy yếu rõ ràng.
Các lựa chọn thay thế thực sự trong một hoặc hai thập kỷ tới là một châu Âu đang mở rộng và thống nhất, đang theo đuổi, mặc dù do dự và không liên tục, mục tiêu thống nhất lục địa; một châu Âu bế tắc, không thể vượt ra quá khỏi tình hình hợp nhất và phạm vi địa lý hiện nay, với Trung Âu vẫn là một vùng đệm địa chính trị; hoặc, như một hệ quả có thể xảy ra trong tình trạng bế tắc, một châu Âu đang dần phân mảnh, tái trỗi dậy những đối đầu quyền lực cũ của nó. Trong một châu Âu bế tắc, gần như không thể tránh khỏi việc Đức tự định nghĩa chính mình trong mối quan hệ với châu Âu sẽ dần suy yếu, với thôi thúc hướng đến một định nghĩa nhiều tính dân tộc hơn xét về mặt lợi ích nhà nước. Đối với Mỹ, lựa chọn đầu tiên rõ ràng là tốt nhất, nhưng đó là một lựa chọn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Mỹ nếu nó được thông qua.
Ở giai đoạn kiến tạo có tính do dự của châu Âu, Mỹ không cần phải tham gia trực tiếp vào các cuộc tranh luận phức tạp liên quan đến các vấn đề như liệu EU có nên đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại của mình bằng cách bỏ phiếu đa số (một quan điểm được người Đức đặc biệt ưa thích); liệu Nghị viện châu Âu có nên đảm nhận các quyền lập pháp quyết định và ủy ban châu Âu tại Brussels có nên trở thành cơ quan hành pháp châu Âu trên thực tế hay không; liệu thời gian biểu để thực hiện thỏa thuận về liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu có nên được nới lỏng hay không; hoặc, cuối cùng, châu Âu có nên là một liên minh rộng lớn hay là một thực thể nhiều lớp, với phần lõi bên trong được cố kết và lớp ngoài có phần lỏng lẻo hơn. Đây là những vấn đề khiến người châu Âu tranh cãi giữa chính họ - nhiều khả năng mức độ tiến triển của tất cả những vấn đề này là không đồng đều, bị gián đoạn vì những lần tạm dừng và cuối cùng được thúc đẩy chỉ khi có những thỏa thuận phức tạp.
Dẫu vậy, Liên minh Kinh tế và Tiền tệ ra đời năm 2000 là hợp lý, có lẽ ban đầu có khoảng từ sáu đến mười trong số mười lăm thành viên hiện có của EU. Điều này sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Âu vượt ra ngoài bình diện tiền tệ, khuyến khích hơn nữa tập hợp này hội nhập đời sống chính trị. Do đó, theo từng đợt và các lần khởi đầu và với một phần lõi bên trong hòa nhập hơn cũng như lớp ngoài lỏng lẻo hơn, một châu Âu thống nhất sẽ dần dà trở thành một đấu thủ chính trị quan trọng trên bàn cờ Á- Âu.
Trong mọi trường hợp, Mỹ không nên truyền đạt ấn tượng rằng họ thích một liên hiệp châu Âu mơ hồ kể cả khi nó rộng lớn hơn, mà nên nhắc lại, thông qua lời nói và hành động, rằng Mỹ sẵn sàng quan hệ với EU khi
tổ chức này giữ tư cách đối tác chính trị và an ninh toàn cầu với Mỹ chứ
không phải chỉ như một thị trường chung trong khu vực được tạo thành từ các quốc gia liên minh với Hoa Kỳ thông qua NATO. Để làm cho cam kết đó trở nên đáng tin cậy hơn và nhờ đó vượt khỏi khuôn khổ những lời hoa mỹ của mối quan hệ hợp tác, kế hoạch chung với EU về các cơ chế ra quyết định song phương mới xuyên Đại Tây Dương nên được đề xuất và bắt đầu.
Nguyên tắc tương tự áp dụng cho NATO. Duy trì tổ chức này là rất quan trọng đối với các kết nối xuyên Đại Tây Dương. Về vấn đề này, có
sự đồng thuận áp đảo giữa người Mỹ và người châu Âu. Không có NATO, châu Âu không chỉ trở nên dễ bị tổn thương mà gần như ngay lập tức sẽ bị phân mảnh về mặt chính trị. NATO đảm bảo an ninh châu Âu và cung cấp khuôn khổ ổn định cho việc theo đuổi sự thống nhất châu Âu. Đó là những gì khiến cho NATO trở nên rất quan trọng đối với châu Âu về mặt lịch sử.
Tuy nhiên, với một châu Âu thống nhất từng bước và trong do dự, cấu trúc và quy trình nội bộ của NATO phải điều chỉnh theo. Đối với vấn đề này, người Pháp có quan điểm riêng. Không thể một ngày nào đó sẽ có một châu Âu thực sự thống nhất mà vẫn có một liên minh duy trì hợp nhất trên cơ sở một siêu cường cộng với mười lăm cường quốc phụ thuộc. Một khi châu Âu bắt đầu thừa nhận bản sắc chính trị thực sự của riêng mình, với việc EU đảm nhiệm một số chức năng của một chính phủ siêu quốc gia ở mức độ thực chất hơn, NATO sẽ phải thay đổi trên cơ sở công thức 1 + 1 (Hoa Kỳ + EU).
Mọi chuyện sẽ không xảy ra chỉ sau một đêm và cùng một lúc. Một lần nữa, tiến bộ mà theo hướng đó sẽ chỉ là thứ chuyển động do dự, ngập ngừng. Nhưng loại tiến trình như vậy phải được phản ánh trong các thỏa thuận liên minh hiện có, để việc thiếu đi sự tự điều chỉnh cần thiết sẽ không trở thành một trở ngại cho những gì xảy ra tiếp theo. Một bước tiến quan trọng theo xu hướng đó là quyết định nhường chỗ cho Lực lượng Đặc