ĐẦU CẦU DÂN CHỦ
THỜI GIAN BIỂU CỦA CHÂU ÂU
Mặc dù trong giai đoạn này, các giới hạn phía đông cuối cùng của châu Âu không thể được xác định chắc chắn hay được chốt lại, nhưng theo nghĩa rộng nhất, châu Âu là một nền văn minh chung, bắt nguồn từ truyền thống Kitô giáo chung. Định nghĩa phương Tây hẹp hơn của châu Âu được liên kết với Rome và di sản lịch sử của nó. Nhưng truyền thống Kitô giáo châu Âu còn bao gồm cả Đế chế Byzantine và Giáo hội Chính thống giáo Nga. Do đó, về mặt văn hóa, châu Âu lớn hơn Petrine Europe (châu Âu của Thánh Peter) và Petrine Europe thì còn lớn hơn cả Tây Âu, mặc dù trong những năm gần đây, Tây Âu đang chiếm giữ ưu thế trong định nghĩa về “châu Âu”. Nhìn lướt qua bản đồ ở trang 141, ta nhận ra châu Âu hiện tại không phải là một châu Âu hoàn chỉnh. Tồi tệ hơn thế, đó là một châu Âu
mà trong đó một khu vực bất ổn giữa châu Âu và Nga có thể tác động lẫn nhau từ cả hai, gây ra căng thẳng và ganh đua không thể tránh khỏi.
Một châu Âu của Charlemagne9 (giới hạn trong phạm vi Tây Âu) đương nhiên là hợp lý trong Chiến tranh Lạnh, nhưng một châu Âu như vậy ở thời này là bất thường. Bởi lẽ ngoài việc là một nền văn minh, châu Âu thống nhất mới nổi lên cũng là một lối sống, một chuẩn mực sống và một chính thể của các phương thức dân chủ chung, không bị đè nặng vì những xung đột lãnh thổ và sắc tộc. Châu Âu này trong khuôn khổ tổ chức chính thức hiện nhỏ hơn nhiều so với tiềm năng thực tế của nó. Một số quốc gia Trung Âu tiên tiến và ổn định hơn về chính trị, tất cả đều là một phần của truyền thống Petrine phương Tây - đáng chú ý là Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary, có lẽ cả Slovenia - rõ ràng hội đủ điều kiện và háo hức muốn trở thành thành viên của “châu Âu” cũng như có mặt trên mối dây kết nối an ninh xuyên Đại Tây Dương của nó.
Trong hoàn cảnh hiện tại, việc mở rộng NATO để có được cả Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary vào năm 1999 dường như khả thi. Sau bước khởi đầu có ý nghĩa này, có bất kỳ khả năng mở rộng nào sau đó của liên minh sẽ là trùng khớp hoặc theo sau sự mở rộng của EU. Vế sau liên quan đến một quá trình phức tạp hơn nhiều, cả về số lượng các giai đoạn đủ điều kiện lẫn việc đáp ứng các yêu cầu thành viên (xem bảng ở trang 143). Do đó, việc những nước Trung Âu đầu tiên gia nhập EU khó lòng xảy ra trước năm 2002, có khi còn hơi muộn hơn thế. Tuy nhiên, sau khi ba tân thành viên NATO đầu tiên cùng gia nhập EU, cả EU và NATO sẽ phải trả lời câu hỏi về tư cách thành viên mở rộng của các nước cộng hòa Baltic là Slovenia, Romania, Bulgaria và Slovakia, và cuối cùng, có lẽ cả Ukraine.
Đáng chú ý là triển vọng trở thành thành viên đã gây ảnh hưởng có tính xây dựng lên các vấn đề đối ngoại và hành vi của các nước sẽ trở thành thành viên. Nhận biết rằng cả EU và NATO đều không muốn phải mang thêm gánh nặng khởi từ những xung đột liên quan đến quyền lợi thiểu số hoặc yêu sách lãnh thổ giữa các thành viên (Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu Hy Lạp là quá đủ) là sự khuyến khích cần thiết cho Slovakia, Hungary và Romania đạt được những dàn xếp đáp ứng các tiêu chuẩn do Hội đồng châu Âu đề ra. Tương tự, nguyên tắc chung cho rằng chỉ các nền dân chủ mới có thể hội đủ điều kiện để trở thành thành viên cũng là một động lực thúc đẩy. Mong muốn không bị bỏ rơi quả đã có tác động củng cố quan trọng đối với các nền dân chủ mới.