Nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU mặt HÀNG THỦY sản của VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU (Trang 60 - 62)

5. Kết cấu khóa luận tốt nghiệp

3.2.4. Nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA

 Về phía nhà nước

Các Thương vụ-Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương tiếp cận thị trường, kết nối đối tác, tìm hướng phát triển xuất khẩu mới trong bối cảnh Covid-19; tăng cường công tác thông tin thị trường, kịp thời cung cấp thông tin về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, các rủi ro của thị trường; tích cực tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa bàn, tìm kiếm nguồn hàng thay thế trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy chuỗi cung ứng; song song với việc tích cực đưa các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào hệ thống phân phối tại địa bàn; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết một số tranh chấp thương mại…

Trong công tác tháo gỡ rào cản thương mại cho hàng xuất khẩu, tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, các Thương vụ cần theo sát, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu, kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp cảnh báo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định tiêu chuẩn. Ngoài ra để doanh nghiệp tránh khỏi những bỡ ngỡ về thủ tục để hưởng ưu đãi theo Hiệp định, các Thương vụ cần hỗ trợ và tham vấn cho các doanh nghiệp về quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chủng loại…để được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về các rào cản kỹ thuật bắt buộc và các rào cản kỹ thuật tự nguyện tại các thị trường nhập khẩu thủy sản chính nhằm cung cấp nguồn tổng hợp thông tin giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các nhà sản xuất chủ động đáp ứng được các yêu cầu thị trường. Tăng cường công tác đối thoại với các cơ quan thẩm quyền chuyên môn liên quan đến nhập khẩu thủy sản nhằm giải quyết nhanh các vướng mắc, đàm phán công nhận tương đương của Việt Nam với các chuẩn quốc tế như GSA, GAA, GLOBALGAP... tạo điều kiện cho thương mại sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về IUU. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý khai thác IUU. Tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động trên biển; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý tàu cá cập cảng, rời cảng cũng như công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác tại cảng cá. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU cho toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp. Tăng cường trao đổi, đối thoại và đẩy mạnh đàm phán hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU.

 Về phía doanh nghiệp

Để tận dụng ưu đãi của hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp thủy sản trước hết phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển; thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU. Phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Bởi thực tế cho thấy, nếu không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần nắm chắc, đầy đủ, chính xác những cam kết trong EVFTA liên quan đến lĩnh vực và hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có nền tảng, cơ sở hành động, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng và triển khai các kế hoạch để khai thác cơ hội từ EVFTA hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp cũng cần cố gắng nắm bắt và tiếp cận thông tin nhiều chiều, đồng thời buộc phải tự thay đổi, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu phù hợp với quy định của EU.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU mặt HÀNG THỦY sản của VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(67 trang)
w