Là cư dân lâu đời trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, về nguồn gốc văn hoá vật thể, người Kinh (Việt) có truyền thống canh tác lúa nước trên những cánh đồng bằng phẳng hàng năm được sông Hồng bồi đắp phù sa màu mỡ. Họ có kinh nghiệm tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, đào kênh, đắp đê, phòng chống thiên tai và dịch hoạ. Trong quá trình mở rộng không gian cư trú lên miền núi, người Kinh khai khẩn các vùng đất trung du với địa hình đồi bát úp xen kẽ những cánh đồng tương đối bằng
phẳng; dọc theo triền sông, suối người Kinh xâm nhập sâu vào các vùng núi xa hơn, cao hơn.
Quá trình sinh tụ và lan toả cư trú, người Kinh, một mặt, áp dụng mô hình kinh tế lúa nước truyền thống được đúc kết nhiều thế hệ bằng việc phát triển hệ thống canh tác trên các vùng đất thấp, tương đối bằng phẳng, tạo nên những cánh đồng lúa, ngô và hoa màu, hình thành các vùng trọng điểm lương thực có hạt (lúa, ngô) tại các huyện Phổ Yên, Phú Bình, Đại từ, Định Hoá. Tại các địa bàn có diện tích hẹp, người Kinh khai thác cải tạo các ruộng rộc để trồng lúa nước, còn sườn và đỉnh đồi thì trồng rừng để tạo nguồn nước, khái thác lâm sản, khai thác gỗ củi để làm chất đốt. Cùng với thời gian, người Kinh đã quen dần với phương thức canh tác vừa trồng lúa vừa giữ rừng, từ đó hình thành nên kinh nghiệm canh tác lúa – vườn rừng, tiền thân của mô hình nông lâm kết hợp.
Khác với một số dân tộc thiểu số sống lâu đời trên cùng địa bàn, người Kinh có trình độ phát triển cao hơn, thích ứng nhanh hơn với nền kinh tế hàng hoá; thay vì giữ nguyên rừng, họ chặt phá một phần cây rừng để phát triển cây công nghiệp lâu năm tại một số nơi có điều kiện đất và khí hậu thích hợp. Đó là lý do lịch sử để hình thành vùng chuyên canh chè tại nhiều địa phương khác trong tỉnh như Địa Từ, Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ. Điển hình nhất và quan trọng nhất là vùng chè đặc sản Tân Cương nổi tiếng. Vùng trồng chè này là sự thành công mô hình nông lâm kết hợp, trong đó mô hình vườn rừng đem lại hiểu lớn nhất về kinh tế cũng như sinh thái.
Do đặc điểm của cây chè là cây đòi hỏi đất feralit có độ tơi xốp, độ pH trung bình, khí hậu không quá nóng về mùa hè, tương đối lạnh về mùa đông, người Kinh ở vùng chè Tân Cương vẫn dành lại một phần rừng để đảm bảo độ ẩm cần thiết và nguồn chất đốt để sao rang chè. Do nhu cầu thị trường chè ngày càng tăng, chè đem lại nguồn thu nhập lớn, các hộ trồng chè áp dụng mô hình vườn rừng, trong đó, cây chè được trồng theo rạch phù hợp với đường bình độ, xen kẽ giữa các rạch chè người ta trồng cây lấy bóng mát và khai thác gỗ củi như cây trẩu, sở, gần đây là keo lai, keo tai tượng vừa bảo vệ chè, tăng nguồn dinh dưỡng cho đất. Theo lát cắt địa hình từ chấn đồi lên đỉnh đồi, các hộ nông dân người Kinh thường bố trí hệ canh tác : lúa ao thả cá trồng chè
xen một số cây hỗ trợ cho cây chè đỉnh đồi thường là vạt rừng để lấy củi và làm nguồn sinh thuỷ.
Do thị trường ngày càng mở rộng, nghề trồng chè phát triển mạnh ở các huyện Đại Từ, Định Hoá, Phú lương, Võ Nhai, Phổ Yên. Cây chè trở thành cây công nghiệp lâu năm mũi nhọn của tỉnh Thái Nguyên. Mô hình sản xuất chè có biến đổi ít nhiều tuỳ điều kiện cụ thể của mỗi huyện, tuy nhiên vẫn giữ được cấu trúc cơ bản là ruộng lúa, ao cá chân đồi, sườn đồi trong chè xen cây gỗ, còn đỉnh đồi trồng rừng. Mô hình vườn rừng đã trở thành kinh nghiệm bản địa của người Kinh; một số dân tộc sống xen kẽ với người Kinh cũng phát triển mô hình vườn rừng này, đem lại hiệu quả kinh tế và sinh thái rất rõ rệt. Gần đây do chè được giá, một số hộ trồng chè ở vùng che Tân Cương đã chặt phá các vạt rừng sau nhà để trồng chè; thay vì tự sản xuất củi, họ dùng than để sao rang chè thương phẩm; điều này này cũng dân tới nguy cơ mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường.