Hoạt động đối ngoại nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia

Một phần của tài liệu la1 (Trang 112 - 117)

Là một nước có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, có chung biên giới trên đất liền và vùng biển tiếp giáp với nhiều nước khu vực và Trung Quốc. Việt Nam luôn hiểu rằng, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng là hết sức quan trọng. Và như vậy, nhiệm vụ của công tác đối ngoại đặt lên hàng đầu là phải giải quyết tốt vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan nhằm tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định thật sự, tạo điều kiện để hợp tác, phát triển, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Do đó, trong suốt thời kỳ đổi mới, hoạt động đối ngoại Việt Nam luôn đề cao việc giải quyết các tranh chấp với các nước láng giềng khu vực trên cơ sở thương lượng, hòa bình và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế.

Thứ nhất, về biên giới trên đất liền, Việt Nam có đường biên giới chung với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Với Trung Quốc, Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.449,566 km. Biên giới này được hoạch định và phân giới cắm mốc lần đầu tiên trong lịch sử bằng Công ước hoạch định biên giới ngày 20 tháng 6 năm 1887 và Công ước bổ sung ngày 20 tháng 6 năm 1895 ký kết giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc). Ngày 7-11-1991, hai ngày sau khi Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ, hai bên đã ký “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước” [114, tr.323]. Từ năm 1992 đến 1999, hai bên tiến hành đàm phán và kết quả Hiệp ước hoạch định biên giới được hai nước Việt Nam - Trung Quốc chính thức ký ngày 30 tháng 12 năm 1999 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 6 tháng 6 năm 2000 và Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn ngày 29 tháng 4 năm 2000. Hiệp ước này mô tả hướng đi của đường biên giới bằng lời văn và thể hiện bằng đường màu đỏ trên bản đồ tỷ lệ 1/500.000. Dựa vào Hiệp ước này, từ tháng 12 năm 2001, hai bên đã tiến hành phân giới, cắm mốc. Quá trình cắm mốc trên thực địa giữa hai bên rất phức tạp do địa hình núi rừng, sông suối, hệ thống cột mốc thời Pháp - Thanh hư hỏng và bị xê dịch nên phải kéo dài trong suốt tám năm (2001-2008). Đến ngày 31 tháng 12 năm 2008, công tác phân giới cắm mốc đã cơ bản hoàn thành với 1.970 cột mốc (trong đó có 1.548 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ) và 1 cột mốc ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc [114, tr.324].

Với Lào, Việt Nam có chung đường biên giới với Lào dài 2.340 km. Ngày 18-7- 1977, Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa DCND Lào được ký kết. Trên cơ sở đó, việc phân giới cắm mốc được bắt đầu từ năm 1978 và hoàn thành vào năm 1987 với 199 cột mốc [114, tr.325]. Hệ thống cột mốc này phù hợp với thực tế của đường biên giới, luật pháp quốc tế và là cơ sở pháp lý quan trọng để hai Nhà nước Việt Nam, Lào thực hiện việc quản lý, bảo vệ biên giới và được nhân dân, chính quyền các cấp hai bên tôn trọng. Tháng 3-1990, Việt Nam ký với Lào Hiệp định quy chế biên giới. Tiếp đến, vào năm 1997, hai nước ký Nghị định thư sửa đổi một số điều khoản trong Hiệp định đã ký năm 1990. Tháng 5-2008, Chính phủ hai nước thống nhất phối hợp xây dựng và thực hiện "Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào", nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác lâu dài giữa hai nước, trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Trong Tuyên bố chung Việt - Lào ký ngày 25-4-2009 tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Chumaly Xaynhaxỏn, đã khẳng định: “…tiếp tục xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào thành tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện, bền vững lâu dài; phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới như đã thoả thuận” [78, tr.3]. Trên tinh thần đó, đến tháng 7-2013, hai nước đã hoàn thành việc cắm mốc phân giới với 792 cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào (tính trung bình khoảng cách giữa hai cột mốc là hơn 3 km). Tất cả các cột mốc đều được chế tác từ đá hoa cương nguyên khối, thiết kế hiện đại, đảm bảo tính bền vững và đáp ứng những tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế.

Với Campuchia, vấn đề biên giới có nhiều điểm phức tạp hơn. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng khỏi chế độ Khơme Đỏ, thành lập Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, ngày 20-7-1983, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Tiếp đến, ngày 27-12-1985, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia được ký kết. Trên cơ sở đó, từ tháng 4-1986 đến tháng 12-1998, hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc theo các

Hiệp ước đã được ký kết. Sau một thời gian bị gián đoạn do vấn đề Campuchia, đến năm 1997, hai nước tuyên bố mong muốn xây dựng “đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài”. Hai nước tiến hành thành lập Ủy ban Liên hợp về biên giới để đàm phán, giải quyết các vấn đề còn tranh chấp nhằm tiếp tục hoàn thành việc phân giới cắm mốc. Và ngày 10-10-2005, hai bên đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, khẳng định những nội dung đã ký trong những năm 1980 nhưng có điều chỉnh một số điểm, đồng thời quyết định sẽ hoàn thành việc cắm mốc vào cuối năm 2012. Đúng theo kế hoạch đã định, ngày 24-6-2012, cột mốc 314 là cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã được khánh thành trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước. Hiện nay hai nước tiếp tục công tác phân giới cắm mốc để hoàn thành trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Thứ hai, về biên giới trên biển, Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, vùng biển tiếp giáp với các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Philíppin, Inđônêxia, Malaixia, Brunây, Campuchia và Thái Lan.

Với Trung Quốc, sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, Việt Nam đã thương lượng để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ hai nước. Ngày 19-10-1993, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó nêu rõ phương hướng phân định Vịnh Bắc Bộ là: "Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh liên quan trong vịnh để đi đến một giải pháp công bằng". Thực hiện thỏa thuận đó, từ năm 1993 đến 2000, hai bên đã triển khai

7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Trong các chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1997 của Tổng Bí thư Đỗ Mười và tháng 2-1999 của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được thỏa thuận là khẩn trương đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền trước năm 2000 và hoàn thành việc phân định để ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Với tinh thần đó, trong năm 1998 và 1999 hai bên chủ yếu dành ưu tiên cho việc giải quyết

vấn đề biên giới trên đất liền. Năm 2000, cuộc đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ được đẩy mạnh và đi vào giải quyết thực chất (1 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp liên tiếp giữa 2 trưởng đoàn cấp chính phủ và 8 vòng đàm phán cấp chuyên viên). Ngày 25-12-2000, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết. Hiệp định này gồm 11 điều với nội dung chủ yếu là xác định rõ tọa độ địa lý của 21 điểm trên đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, vùng thềm lục địa giữa hai nước; quy định hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên tại các vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ; quy định việc thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên nằm vắt ngang đường phân định và giải quyết các tranh chấp liên quan đến Hiệp định thông qua đàm phán thương lượng. Theo đó, Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh [3]. Hiệp định có hiệu lực ngày 15-6-2004. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc về một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến Hiệp định nghề cá để tạo điều kiện cho Hiệp định nghề cá và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển (10-2011), trong đó đề ra nhiều nguyên tắc lớn cho việc giải quyết các vấn đề trên biển căn cứ vào luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Với các nước khác, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đàm phán về vấn đề trên biển với một số nước như: đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Inđônêxia; phối hợp với Malaixia trong việc thúc đẩy xem xét báo cáo chung xác định ranh giới ngoài thềm lục địa; cùng với Philíppin tiếp tục triển khai chương trình hợp tác Biển và Đại Dương. Việt Nam cùng với các nước liên quan thống nhất quan điểm: tranh chấp liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, tranh chấp liên quan đến các bên khác thì bàn bạc với các nước đó. Ngày 20-7-2012, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 ở Campuchia, Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra "Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông", một lần nữa khẳng định mong muốn, quyết tâm của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN khác tiếp tục duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Trước tình hình ngày càng phức tạp do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông thời gian gần đây, Việt Nam vẫn kiên trì đàm phán với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ của nhau, giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hội nghị Trung ương 4 khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam (2007) đã ban hành chiến lược biển Việt Nam đến 2020 nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia đối với biển đảo [90, tr.50].

Sự kiện tháng 5-2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông; tăng cường xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam [134, tr.71]. Trước tình hình trên, Việt Nam một mặt tăng cường năng lực của các lực lượng chấp pháp trên biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, đảo để duy trì hoạt động thực thi chủ quyền tại Biển Đông; mặt khác, chúng ta tiến hành giao thiệp với Trung Quốc, đồng thời chủ động nêu vấn đề trong các diễn đàn đa phương như: ASEAN, ARF, Cấp cao Đông Á (EAS), Đối thoại Shangri-la, Phong trào Không liên kết. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam cũng đã gửi hai Công hàm tới phái đoàn các nước nhằm bày tỏ quan điểm của mình đối với việc Trung Quốc cải tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ốtxtrâylia,... đều có phát biểu về tình hình Biển Đông nói chung và các hoạt động cải tạo cấu trúc địa lý tại khu vực này nói riêng. Nhìn chung, quan điểm của các nước đều ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, không thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp.

Thông qua hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh trước các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; tăng cường thông tin để nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ thực chất về tình hình Biển Đông và những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời thu thập những cứ liệu lịch sử và chuẩn bị cơ sở pháp lý để khi cần thiết sẽ đưa

vấn đề ra trước Tòa án quốc tế nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc. Những chủ trương và giải pháp của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã được nhân dân đồng tình và dư luận quốc tế ủng hộ.

Một phần của tài liệu la1 (Trang 112 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w