III. Nhiều khi chúng ta cảm thấy yêu thích một người nào đó, mà ta cho rằng do một
2. Muốn làm mẹ
Nguyện vọng thứ hai, mà là nguyện vọng tha thiết nhất của người đàn bà, là làm mẹ. Đối với nguyện vọng này, lòng ao ước có chồng có khi chỉ là vấn đề phụ thuộc, là phương tiện mà thôi. Vậy chứ ta không thấy người con gái, lúc còn nhỏ thích chơi “búp bê”, đóng vai trò một bà mẹ hay một bà giáo là gì? Khi lập gia đình, lúc có con thì lại chăm chú săn sóc “con” hơn chồng hay sao? Người đàn bà mà không có con, cảm thấy đời mình “thiếu thốn” lạ! Và nếu có con, thì dù có lâm vào cảnh “phòng không chiếc bóng” họ cũng vẫn không cảm thấy cô đơn. Đàn bà mà có con, đời họ cảm thấy đầy đủ và lắm khi sống không cần đến tình yêu của chồng.
Tình mẫu tử là một thứ tình thiêng liêng cao quý nhất, không thể nào diễn tả nổi. Sở dĩ người đàn bà được đứng vào hàng cao quý nhất trong trời đất là nhờ ở cái lòng yêu thương ấy. Tất cả nỗi sướng khổ của người đàn bà là đứa con, lẽ sống duy nhất của đời họ. Người đàn bà cảm thấy lòng vui sướng tràn ngập khi thấy đứa bé chỉ sống hoàn toàn lệ thuộc nơi tình thương duy nhất của mình. Lòng hy sinh của bà mẹ đối với con là vô bờ bến, bởi vậy, con là nguồn hạnh phúc mà cũng là nguồn đau khổ của bà mẹ. Nào những lúc con đau, mẹ chạy chân không bén đất, chăm lo cho từng bước một trên đường đời… thế rồi tình thương ấy không bao giờ được trả. Trái lại, khi con khôn lớn, mẹ còn phải gặp cảnh ngậm ngùi đau khổ bắt buộc rời để cho nó ra đi, mà lắm khi nó không thèm ngoảnh lại. Còn sự hy sinh nào đau đớn bằng! Thế mà người đàn bà luôn luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để đổi lấy cái hạnh phúc “bấp bênh” và “quá đắt” ấy, là làm “mẹ”.
Người con trai, đàn ông nào muốn nghĩ đến hôn nhân, trước hết phải hiểu thấu rõ lòng khao khát thầm kín ấy của người đàn bà và tìm cách để thỏa mãn lòng khao khát ấy. Phải biết rằng người đàn bà chỉ được hoàn toàn hạnh phúc khi nào họ thỏa mãn được nguyện vọng thầm kín ấy của họ.
Người đàn ông nào cũng vậy, dù tình cha con mạnh đến bậc nào, cũng không sao hiểu nổi tấm lòng yêu thương tha thiết của bà mẹ đối với con. Tính người đàn ông thuộc về hướng ngoại, lo nghĩ đến công ăn việc làm của mình hơn là quyến luyến đến những ràng buộc của gia đình, nhất là đối với con cái. Muốn làm cho người đàn bà hạnh phúc, người đàn ông phải biết hy sinh và làm vui lòng người đàn bà bằng cách giúp cho người đàn bà có đủ phương tiện để thực hiện cái mộng ấy một cách hoàn toàn. Bởi vậy, người đàn ông phải nghĩ đến công việc bảo đảm cho người vợ mình có đủ điều kiện vật chất lẫn tinh thần để họ làm tròn nhiệm vụ của một bà mẹ với tất cả ý nghĩa thiêng liêng cao quý của danh từ ấy. Trong vở tuồng “Les neiges de Kilimand Jaro”, tác giả đã khéo trình bày quan niệm trên đây một cách rõ ràng khúc chiết: Chàng và nàng yêu nhau tha thiết một mối “tình sấm sét” cho nên không có ngày giờ tìm hiểu nhau. Nàng chỉ có một cái mộng là có một tổ ấm gia đình và có con, một nguyện vọng tự nhiên và thầm kín của bất cứ một người đàn bà nào. Nhưng chàng thì không thích có con, cũng không thích sống yên tĩnh nơi “ao tù nước đọng” của cảnh gia đình. Chàng thích phiêu lưu và cạnh tranh, mãi đuổi theo cái chí làm trai “tang bồng hồ thỉ”… Bởi vậy:
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương…”
Nàng bắt đầu đau khổ vì thấy nguyện vọng thầm kín của lòng nàng không được thỏa mãn. Nàng quá thương chồng nên nhiều khi chiều theo ý chồng, nàng theo sát bên chàng trong
những cuộc phiêu lưu ở rừng thiêng nước độc… Nhưng rốt cùng nàng đã phải chán nản và tưởng chàng không yêu. Chàng vì cứ mãi đuổi theo cái mộng “hồ hải” mà không chịu sống êm ấm trong gia đình như lòng nàng sở nguyện. Nàng bỏ ra đi tình nguyện là nữ cứu thương, rồi bỏ thân nới chiến địa. Kết quả của một mối tình tha thiết đến phải tan vỡ đau thương, chỉ vì yêu nhau mà không ai chịu hiểu ai trong những nguyện vọng thầm kín của người mình yêu.