III. Nhiều khi chúng ta cảm thấy yêu thích một người nào đó, mà ta cho rằng do một
6. Việc ăn mặc
Vấn đề ăn mặc cũng không nên xem thường. Có nhiều người tưởng rằng chỉ nên giữ lễ độ với người ngoài còn đối với trong nhà, nhất là giữa vợ chồng trong nhà thì cần gì đến sự phục sức. Có nhiều ông chồng trong nhà chỉ mặc một cái quần đùi, râu ria không cạo… Còn người đàn bà thì đầu cổ bù xù; mặc sơ sài một cái áo túi, mặt mày dơ dáy, hôi hám… Họ hiểu rằng sự thân mật giữa vợ chồng, có nghĩa là tự do “phô bày” cho nhau bất cứ cái gì xấu xa trong người của họ cũng không sao. Thì trước đây, họ cũng đã tưởng lầm không cần “trang sức” lời ăn tiếng nói cho lịch sự đối với bạn trăm năm. Họ lầm và lầm to như vậy!
Tại sao người ta đứng trước người lạ mặt, không bao giờ dám ăn mặc lôi thôi hay cẩu thả? Phải chăng họ biết đó là sự vô lễ? Đối với người bạn mới biết, họ còn “nể” nhau mà không dám sỗ sàng trong việc ăn mặc, tại sao đối với người bạn đời của họ, họ lại “xem thường” đến thế? Đành rằng, không phải đối với người chí thân của mình, mình lại phải giữ nghi thức quá về bề ngoài như đối với người khách lạ, nhưng không nên thái quá mà thành ra vô lễ.
Người đàn ông không thể “cảm” được người đàn bà ăn mặc dơ dáy, lôi thôi… Người đàn bà cũng thế. Sự săn sóc đến dung nhan cùng sự ăn mặc không những là một sự làm vui lòng nhau mà còn là một sự nhã nhặn và lễ độ tỏ ra lòng yêu thương mà luôn biết vì nể nhau.
Tóm lại, nếu những cử chỉ lễ phép, nhã nhặn, những chiều chuộng săn đón, những âu yếm tỏ ra mình luôn luôn nhớ đến người yêu, gây cho người đàn bà những cái sung sướng nho nhỏ; thì trái lại, những cử chỉ lạnh nhạt, những lời thô lỗ, cộc cằn, những thái độ sỗ sàng mất lịch sự sẽ là những cái đau khổ nho nhỏ làm cho đời người đàn bà cảm thấy tăm tối lạnh lùng. Hạnh phúc cũng như những bất hạnh của con người là ở những cái vui cái buồn nho nhỏ ấy của cuộc đời mà góp thành. Người đàn ông, nếu thực tâm muốn làm vui lòng người bạn trăm năm của mình, dĩ nhiên đều biết những gì phải làm và những gì phải tránh.
Những lo nghĩ về nghề nghiệp cùng những phiền lụy của cuộc đời, làm cho người chồng quá bực dọc rồi dần dần vô tình quên mất cả những cử chỉ chiều chuộng âu yếm, và tìm đủ phương thế làm vui lòng người yêu như thuở mới yêu nhau trong buổi ban đầu. Trách nào người đàn bà không cảm thấy mình như “vỡ mộng”!