Quan điểm của Đạo Phật

Một phần của tài liệu Quyền của người đồng tính - Lý luận và thực tiễn (Luận văn Thạc sĩ) (Trang 38 - 40)

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngày từ đầu Công nguyên. Khác với Nho giáo, Phật giáo được du nhập vào nước bằng con đường hòa bình và trực tiếp từ Ấn Độ, nên nó nhanh chóng được tiếp nhận và phát triển. Đến thời nhà Lý, nhà Trần Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo. Khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam đã được các vị thiền sư người Việt bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam.

Phật giáo đã cùng sinh tồn cùng dân tộc. Điểm này dễ dàng nhận thấy trong những thời đại hưng thịnh của đất nước như Đinh, Lê, Lý Trần đều là những lúc Phật giáo cũng song hành hưng thịnh.

Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, bình đẳng và không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, mầu da và giới tính. Với nguyên tắc thương yêu tất cả mọi loài chúng sinh, Phật giáo không chủ trương xét xử, không chống đối hay chỉ trích người khác, đơn thuần chỉ dựa trên tính chất của người đó, vì điều này được xem như là một sự phê phán thiên vị và không công bằng. Vì thế, xuyên qua những lời giảng dạy của Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài phê phán những người đồng tính về phương diện đạo đức. Đạo Phật tin rằng, mọi sự mọi vật trên thế gian là vô thường, cuộc sống nhân sinh cũng chuyển dịch biến hoá không ngừng và tuỳ theo nghiệp của mỗi chúng sinh, giới tính có thể thay đổi từ giới này sang giới khác như người nam trở thành người nữ hay ngược lại và chuyển dịch từ đời này sang đời khác. Ngay cả trong đời hiện tại cũng đã có nhiều người hoặc tự mình thay đổi với sự trợ giúp của y khoa hay tự nhiên thay đổi giới tính. Dù thế nào cũng không ra ngoài nhân quả. Mỗi người trong chúng ta mang trong mình cái nghiệp, nghiệp lành nghiệp dữ mình làm mình chịu, có gieo nhân tất có quả. Theo lý này, chúng ta thương yêu người nào, dù cùng giới tính hay khác giới tính đều là có duyên nợ với người đó ở quá khứ. Chính duyên và nợ quá khứ thúc đẩy chúng ta thương yêu trong hiện tại. Đó là quan hệ nhân quả bình thường.

Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa, Đồng Nai) đã nói rằng “đối với người xuất gia cầu sự giải thoát, giới luật nhà Phật hoàn toàn cấm các tu sỹ quan hệ tình dục dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả quan hệ tình dục đồng tính. Nếu vị xuất gia nào phạm giới dâm dục thì phải bị trục xuất khỏi tăng đoàn nhà Phật”. Ngài cũng khẳng định rằng “không có bất kỳ một giới luật nào của nhà Phật không cho phép người phật tử tại gia quan hệ tình dục đồng tính”, chỉ khuyên răn họ nên giữ gìn giới tà dâm (không quan hệ chăn gối với người không phải là vợ hay chồng của mình, không quan hệ tình dục với trẻ em vị thành niên, không cưỡng dâm, không quan hệ với người cùng huyết thống và không loạn luân) [10].

Mới đây, trong cuộc thảo luận của Quốc hội Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, bổ sung năm 2013 Hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ: “Tôi thấy họ là những người vô tội, vì cơ địa trời đất sinh ra họ là như thế chứ họ không muốn thế, họ luôn than phiền gia đình không hiểu, xã hội chưa hiểu, chỉ còn trông chờ vào Quốc hội. Tôi đề nghị Quốc hội nên công nhận vì nó phù hợp với hiện tại và thể hiện tính nhân văn quảng đại, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này, đồng thời có cơ sở pháp lý để quản lý và giải quyết các hậu quả”.

Một phần của tài liệu Quyền của người đồng tính - Lý luận và thực tiễn (Luận văn Thạc sĩ) (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w