Mức độ nặng của hen và viêm mũi dị ứng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình trạng kiểm soát hen ở trẻ em hen phế quản có viêm mũi dị ứng. (Trang 110 - 112)

Trong nghiên cứu của chúng tôi, VMDƯ ở trẻ HPQ chủ yếu là mức độ dai dẳng, trung bình - nặng, chiếm tỷ lệ 52,4%. Theo nghiên cứu của Togias

và cộng sự, ở trẻ HPQ, tỷ lệ VMDƯ dai dẳng chiếm ưu thế là 45,7%, bên cạnh đó nhóm VMDƯ theo mùa chiếm tỷ lệ 21,6%108. Khi phân loại độ nặng của hen theo mức độ VMDƯ, nhóm VMDƯ dai dẳng, nặng có tỷ lệ hen bậc 3 cao nhất (62,1%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p=0,016. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự kết quả của Keil và cộng sự, với những trẻ viêm mũi dị ứng ở thể dai dẳng - nặng có tỷ lệ khò khè cao hơn nhóm trẻ VMDƯ dai dẳng nhẹ hoặc gián đoạn109.

Ngược lại với viêm mũi dị ứng, bệnh hen ở trẻ em chủ yếu là hen mức độ nhẹ và trung bình và không có hen nặng (hen bậc 2 và bậc 3). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với các nghiên cứu trước đây. Theo Lê Thị Minh Hương, tỷ lệ hen nhẹ và trung bình ở trẻ em chiếm ưu thế, lần lượt là 18,18% và 57,34%105. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới, hen trẻ em chủ yếu là hen nhẹ. Theo Hiệp hội hen Australia, phân bố hen trẻ em thể nhẹ là 75%, trung bình là 20% và hen nặng dai dẳng chỉ chiếm 5%110.

Ở nhóm hen bậc 3, tỷ lệ trẻ có VMDƯ mức độ nặng chiếm tỷ lệ cao. Điều này cho thấy mối liên quan giữa mức độ nặng của hen và viêm mũi dị ứng, hen có xu hướng nặng hơn ở nhóm có viêm mũi dị ứng nặng. Theo các nghiên cứu trước đây, VMDƯ làm nặng thêm tình trạng hen và làm tăng chi phí điều trị. Trong nghiên cứu của chúng tôi, số đợt kịch phát hen trong năm ở trẻ HPQ có VMDƯ là 0,86 ± 0,63 đợt/năm, không có sự khác biệt với nhóm trẻ HPQ không VMDƯ là 0,80 ± 0,55 đợt/năm (p = 0,59). Số lần sử dụng SABA trung bình trong tháng ở trẻ HPQ có VMDƯ là 3,25 ± 2,33 lần, cao hơn so với nhóm HPQ không VMDƯ là 2,13 ± 1,19 (p = 0,012). Thomas và cộng sự trong một nghiên cứu cộng đồng theo dõi 7643 trẻ HPQ không có VMDƯ và 1879 trẻ HPQ có VMDƯ từ 6 - 15 tuổi trong 12 tháng cho thấy trẻ HPQ có VMDƯ sử dụng thuốc cắt cơn trung bình trong tháng là 1 ± 1,6 lần,

cao hơn so với nhóm trẻ HPQ không có VMDƯ là 0,8 ± 1,3 lần (p<0,0001), tỷ lệ nhập viện tăng từ 0,5% lên 1,4 % và số lần khám bác sĩ tăng từ 3,4 ± 3,2 lần lên 4,4 ± 4,2 lần ở trẻ HPQ có kèm VMDƯ3.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình trạng kiểm soát hen ở trẻ em hen phế quản có viêm mũi dị ứng. (Trang 110 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w