Đặc điểm của pháp luật thương mại điện tử

Một phần của tài liệu Luận án pháp luật về thương mại điện tử ở việt nam (Trang 83 - 86)

3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu của các công trình nghiên cứu liên

1.2.2. Đặc điểm của pháp luật thương mại điện tử

Căn cứ vào khái niệm pháp luật thương mại điện tử cũng như xuất phát từ bản chất và các đặc trưng của thương mại điện tử như đã nêu ở trên thì pháp luật thương mại điện tử có một số đặc điểm cơ bản sau:

- Thứ nhất, pháp luật thương mại điện tử là một bộ phận của

pháp luật thương mại.

Mặc dù so với thương mại truyền thống thì thương mại điện tử có những điểm khác biệt nhất định như: Các giao dịch trong thương mại điện tử có tính gián tiếp;

Trong thương mại điện tử, thị trường không có biên giới; Chủ thể tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử; Trong thương mại điện tử, thị trường là mạng lưới thông tin. Nhưng nếu xem xét về bản chất thì thương mại điện tử có bản chất như thương mại truyền thống là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Chính điều này sẽ quyết định mối quan hệ giữa pháp luật thương mại điện tử với pháp luật thương mại truyền thống. Trong mối quan hệ này, pháp luật thương mại truyền thống là cái chung còn pháp luật thương mại điện tử là cái riêng. Xuất phát từ mối quan hệ giữa pháp luật thương mại điện tử và pháp luật thương mại truyền thống nên các quy phạm của pháp luật thương mại điện tử cần hướng tới điều chỉnh những vấn đề đặc trưng của thương mại điện tử, còn các vấn đề khác thì căn cứ vào các quy định của pháp luật thương mại truyền thống và pháp luật về dân sự. Điều này sẽ tạo ra sự rõ ràng, mạch lạc trong các quy định của pháp luật thương mại điện tử nhưng đồng thời cũng tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại nói riêng.

- Thứ hai, pháp luật thương mại điện tử có mối quan hệ mật thiết với

khoa học, công nghệ.

Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối Internet. Hay nói cách khác, thương mại điện tử là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động thương mại trong môi trường điện tử (phương tiện điện tử, Internet). Điều này có nghĩa là các bước tiến hành giao dịch thương mại điện tử, sự an toàn trong các giao dịch thương mại điện tử cũng như tính tiện dụng trong các giao dịch thương mại điện tử phụ thuộc hoàn toàn vào khoa học công nghệ. Mặc dù trong thương mại truyền thống, yếu tố khoa học công nghệ cũng có ảnh hưởng đến các giao dịch thương mại nhưng sự ảnh hưởng này mờ nhạt hơn rất nhiều nếu so với thương mại điện tử. Nếu trong giao dịch thương mại truyền thống, yếu tố khoa học công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ các bên chủ thể truyền đạt thông tin với nhau thì trong thương mại điện tử, yếu tố khoa học công nghệ lại đóng vai trò là môi trường của các giao dịch, nó quyết định

các bước tiến hành cũng như tính tiện lợi trong các giao dịch trong thương mại điện tử. Chính vì vậy, để có thể điều chỉnh một cách có hiệu quả các quan hệ xã hội phát sinh trong các giao dịch thương mại điện tử thì các quy phạm pháp luật của pháp luật thương mại điện tử cần có sự tương thích với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.

- Thứ ba, pháp luật thương mại điện tử mang tính quốc tế.

Các quy định pháp luật về thương mại truyền thống của các quốc gia bị chi phối bởi đặc điểm cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thể chế chính trị; thói quen, tập quán thương mại của quốc gia đó và bị ảnh hưởng bởi các quy định của Liên hợp quốc, của các tổ chức kinh tế quốc tế. Đối với các quy định của pháp luật thương mại điện tử, tính quốc tế hay sự tương thích giữa pháp luật của các quốc gia với quy định của Liên hợp quốc đậm nét hơn rất nhiều nếu so pháp luật thương mại truyền thống. Thực tế cho thấy, khi xây dựng pháp luật thương mại điện tử thì các quốc gia đều căn cứ vào các quy định của Liên hợp quốc có liên quan đến thương mại điện tử như: Model Law on Electronic Commerce 1996, with additional article 5bis as adopted in 1998; Model Law on Electronic Signatures 2001... Pháp luật thương mại điện tử mang tính quốc tế bởi các lý do sau: Thứ nhất, một trong các đặc trưng cơ bản của thương mại điện tử là tính không biên giới trong các giao dịch (điều này đặc biệt rõ nét trong trường hợp đối tượng của giao dịch thương mại điện tử là các sản phẩm đã được số hóa) nên để có thể thúc đẩy thương mại điện tử phát triển ở một quốc gia thì pháp luật thương mại điện tử của quốc gia đó cần có sự tương thích với pháp luật thương mại điện tử của các quốc gia khác; Thứ hai, tính quốc tế của pháp luật thương mại điện tử không chỉ do tính không biên giới của các giao dịch trong thương mại điện tử mà còn do vai trò của khoa học công nghệ trong thương mại điện tử. Trong giai đoạn hiện nay, khi thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn thì tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ trở nên vô cùng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, thế giới đã bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên yếu tố tự động hóa trong tất cả các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Tất cả các yếu tố trên đã đặt ra yêu cầu đối với pháp luật thương

mại điện tử của các quốc gia phải có sự tương thích với chuẩn mực chung trên toàn thế giới.

- Thứ tư, chủ thể trong quan hệ pháp luật thương mại điện tử.

Trong thương mại điện tử, ngoài các chủ thể tham gia quan hệ giao dịch giống như giao dịch thương mại truyền thống đã xuất hiện một bên thứ ba. Đó là các nhà cung cấp dịch vụ, tổ chức chứng thực đây là những chủ thể tạo ra các điều kiện cho thương mại điện tử được thực hiện một cách thuận lợi và an toàn. Các nhà cung cấp dịch vụ và tổ chức chứng thực có nhiệm vụ di chuyển, lưu giữ, tiếp nhận các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử, đồng thời họ cũng xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong các giao dịch thương mại điện tử. Chính vì đặc trưng này của thương mại điện tử mà trong pháp luật thương mại điện tử không chỉ quy định các vấn đề pháp lý liên quan đến chủ thể trực tiếp giao dịch như: điều kiện về chủ thể, hình thức của giao dịch, đối tượng của giao dịch... mà còn cần có các quy định cụ thể đối với bên thứ ba như điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật; điều kiện về công nghệ; điều kiện về quy trình bảo đảm an toàn; điều kiện về người lao động... Các quy định pháp luật cụ thể đối với bên thứ ba trong giao dịch thương mại điện tử sẽ giúp cho các giao dịch thương mại điện tử được thuận tiện và an toàn hơn, đồng thời việc xác minh và thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên giao dịch trong thương mại điện tử cũng trở nên chính xác, nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu Luận án pháp luật về thương mại điện tử ở việt nam (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)