5. Kết cấu đề tài
3.1.1 Bối cảnh hội nhập quốc tế
Nhân loại đang bước vào một thời đại kinh tế mới, đó là thời đại của nền kinh tế tri thức, thời đại của xã hội thông tin. Trong chính sách phát triển của các quốc gia trong đó có Việt Nam, viễn thông luôn được coi là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng và là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời là lĩnh vực ảnh hưởng nhạy cảm đối với an ninh, chính trị của quốc gia.
Trên thế giới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra một cách mạnh mẽ, nó lôi cuốn các quốc gia, các ngành, các lĩnh vực tham gia cuộc chơi chung vì những lợi ích mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Trong xu thế này, Việt Nam nói chung và ngành viễn thông nói riêng vẫn đang không ngừng tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI cùng với việc thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về mở cửa và hội nhập với thế giới, cánh cửa phát triển của ngành viễn thông tại Việt Nam ngày càng rộng mở. Một ví dụ điển hình như Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 10/12/2001 (gia hạn trong 3 năm một). Các cam kết về dịch vụ viễn thông
trong Hiệp định được hai bên thỏa thuận trên cơ sở của các nguyên tắc theo chuẩn WTO.
Mặt khác, thị trường viễn thông cũng gặp những sức ép hội nhập. Tác động trực tiếp từ EVFTA đối với viễn thông là không quá lớn, nhưng sức ép cạnh tranh gián tiếp từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là khá nhiều, nhất là về tính đa dạng và chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông trong nước không nên chủ quan. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình: Thách thức lớn nhất đối với các nhà mạng Việt Nam là chất lượng dịch vụ. Trong thời gian qua, thị trường viễn thông trong nước phát triển nóng, trong khi đó chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp trong nước chưa bằng các doanh nghiệp đến từ châu Âu.
Viễn thông là ngành nhạy cảm, vì vậy, các cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh có nhiều ràng buộc và chặt hơn so với nhiều ngành nghề khác. Trước thực tế dịch vụ viễn thông truyền thống không còn mang lại nhiều lợi nhuận, giới chuyên gia phân tích, khi các doanh nghiệp EU tiến đến thị trường Việt Nam chắc chắn họ sẽ không lựa chọn vào đầu tư hạ tầng. Thay vào đó là mảng cung cấp nội dung số, dịch vụ số.
Ngoài ra, bối cảnh trong và ngoài nước còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hơn 1 năm trở lại đây:
Thứ nhất, trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ do hầu hết các quốc gia đang trải qua thời kỳ cách ly tại nhà, giãn cách xã hội và thậm chí đóng cửa quốc gia.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rơi vào tình trạng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, mô hình quan hệ giữa các siêu cường thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện.
Thứ ba, đại dịch COVID – 19 đã mang lại những thăng trầm chưa từng thấy trong tư tưởng chính trị và xã hội kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Để đối phó với đại dịch, mối quan hệ giữa chính phủ, xã hội và cá nhân đang có những điều chỉnh lớn.
Thứ tư, đại dịch COVID-19 đang định hình lại hướng đi của dư luận toàn cầu, dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại; tự do, mở cửa và xuyên quốc gia theo toàn cầu hoá cũng như tương tác xã hội xuyên khu vực đang phải đối mặt với thách thức và hạn chế nghiêm trọng.