3.4.1. Mục tiêu chính sách sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMSTcủa Đức
Đức là một trong số ít các quốc gia ở châu Âu có các chiến lược cụ thể hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST với các quốc gia ngoài Liên minh (EC, 2012). Năm 2017, Đức công bố “Chiến lược quốc tế hóa giáo dục, khoa học và nghiên cứu” thay thế cho “Chiến lược quốc tế hóa” năm 2008 của Liên Bang để đối phó với các xu hướng và thách thức mới như toàn cầu hóa ngày càng tăng, số hóa, phát triển hơn nữa khu vực nghiên cứu châu Âu và sự xuất hiện của các trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu mới bên ngoài các trung tâm khoa học đã thành lập.v.v có tác động đáng kể đến hợp tác quốc tế trong giáo dục, khoa học và nghiên cứu. Chiến lược hợp tác quốc tế mới của Đức theo đuổi 5 mục tiêu chínhlà:
- Đạt được sự xuất sắc thông qua hợp tác toàn cầu
- Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của Đức ở cấp độ quốc tế
- Quốc tế hóa giáo dục và bằng cấp (trong giáo dục cũng như đào tạo nghề)
- Làm việc với các nước mới nổi và các nước đang phát triển để định hình xã hội dựa trên tri thức toàn cầu
- Cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cung cấp năng lượng bền vững, an ninh lương thực và di cư. Bên cạnh đó, chiến lược cũng được kỳ vọng đóng góp vào năng lực cạnh tranh toàn cầu của Đức trong kinh doanh cũng như ngành công nghiệp.
Trong số những mục tiêu này, Đức tập trung nhiều vào phát triển các khía cạnh quốc tế của giáo dục và đào tạo nghề vì Đức có lợi ích quan trọng trong hợp
tác quốc tế trong đào tạo nghề. Các chuyên gia được đào tạo đầy đủ giúp thúc đẩy phát triển bền vững ở các quốc gia đối tác và cũng là điều kiện tiên quyết quan trọng đối với cam kết của các công ty Đức tại các quốc gia mục tiêu. Chính phủ Liên bang sẽ thực hiện các bước để mở rộng hợp tác đào tạo nghề với các nước công nghiệp phát triển và mới nổi, để tăng tính di chuyển của học viên và đơn giản hóa việc công nhận bằng cấp mà các chuyên gia nước ngoài có được ở nước ngoài do cuộc chiến chống thất nghiệp thanh niên ở châu Âu vẫn là một mục tiêu quan trọng.
Mục tiêu dài hạn của Đức là xây dựng một xã hội tri thức toàn cầu. Các lĩnh vực kinh tế và nghiên cứu ngày càng đến gần hơn và một xã hội tri thức toàn cầu đang phát triển. Kỹ thuật số hóa đang thúc đẩy sự phát triển này lên đến tốc độ chóng mặt. Số lượng các dự án nghiên cứu do Bộ Giáo dục và nghiên cứu (BMBF) tài trợ liên quan đến hợp tác với các đối tác quốc tế đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2009 đến năm 2015. Hợp tác về giáo dục, khoa học và nghiên cứu đặc biệt mạnh mẽ trong khu vực nghiên cứu Châu Âu nơi chiếm gần 25% thế hệ tri thức trên toàn thế giới, và thành công về kinh tế của Châu Âu cũng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào năng lực nghiên cứu và đổi mới của Châu Âu trong tương lai.
3.4.2. Chủ thể chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST
Theo Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, Chính quyền Liên bang chịu trách nhiệm toàn bộ chỉ một số vấn đề như đối ngoại, quốc phòng còn các vấn đề khác sẽ do các Bang (Lander) và Liên Bang cũng làm. Đối với chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST, ở cấp độ Liên Bang, Bộ Giáo dục và nghiên cứu (BMBF) sẽ chịu trách nhiệm định hình chính sách hợp tác quốc tế và các bộ khác cũng hỗ trợ trong lĩnh vực của họ. Chính quyền Bangtrong giới hạn quyền lực của mình sẽ ban hành chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST trên địa bàn mình mà không phạm đến lợi ích quốc gia như là cung cấp chi phí cho sinh viên nước ngoài hay xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu v.v
Các định hướng hợp tác về KHCN&ĐMST được Bộ giáo dục và nghiên cứu đưa ra trong “Chiến lược Công nghệ cao của Đức” (BMBF, 2014) với mục đich đích tạo ra thị trường mới, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa khoa học và công nghiệp, đồng thời cung cấp nhiều phạm vi hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới bằng cách sử dụng các công cụ mới khác nhau. Chiến lược đã chỉ ra một số lĩnh vực sẽ gây ra thách thức với nền kinh tế và xã hội và xác định sáu “ưu tiên trong tương lai” với mức độ phụ thuộc cao vào nghiên cứu công nghệ cao đang diễn ra và phát triển: kinh tế và xã hội kỹ thuật số; bền vững kinh tế và năng lượng; nơi làm việc sáng tạo; lối sống lành mạnh; tính di động thông minh; và an ninh dân sự.
3.4.4. Cách thức tổ chức thực hiện chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST của Đức
3.4.4.1. Phát triển xây dựng nguồn nhân lực và hạ tầng KHCN&ĐMST
a. Phát triển nguồn nhân lực
Đức tập trung thu hút cả công nhân chất lượng cao, sinh viên quốc tế cũng như nhà nghiên cứu về KHCN&ĐMST, đặc biệt trong các lĩnh vực mới. Dân số Đức đang già hóa và điều này gây nên thiếu hụt lao động và tạo áp lực lên các chương trình phúc lợi xã hội. Tuy nhiên thay vì gây khó khăn trong việc xin thị thực, Đức mở rộng cửa cho sinh viên quốc tế. Năm 2012, Chính phủ liên Bang đã ban hành Thẻ Xanh (German’s Blue Card) cho phép công dân không thuộc Liên minh Châu Âu có bằng Đại học và một công việc đáp ứng hoặc vượt mức lương tối thiểu trong 4 năm có thể xin nộp đơn thường trú nhân. Không như Mỹ, Đức cũng không yêu cầu sinh viện quốc tế phải có việc làm ngày sau khi có bằng tốt nghiệp mà cho phép ở lại Đức 18 tháng để tìm việc và có thể làm việc ở vị trí không liên quan đến ngành học của mình. Đức cũng cung cấp miễn phí học phí cho tất cả sinh viên, bao gồm cả sinh viên bên ngoài EU và cung cấp thêm hơn 1.400 chương trình cấp bằng học thuật được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhiều chương trình thuộc các ngành STEM. Quốc gia gần đây cũng đã cam kết bổ sung 100 triệu euro (111,6 triệu đô la Mỹ) để giúp hòa nhập những người tị nạn tại các cơ sở giáo dục đại học (DAAD, 2017). Những nỗ lực này được ghi nhận khi Diễn đàn kinh tế toàn cầu thế giới xếp Đức là nền kinh tế đổi mới nhất trên thế giới, vượt qua Hoa Kỳ
(Klaus, 2018). Trong cùng năm, các công nhân lành nghề từ Châu Âu và Trung Á thậm chí còn đặt Đức lên hàng đầu.Đức đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng thị trường lao động toàn cầu (New American Economy, 2020).
Gần đây, Đức đã thông qua Đạo luật Nhập cư dành cho Người lao động có tay nghề cao (BAMF,2020) với mục tiêu thu hút 25.000 lao động có tay nghề ngoài Liên minh Châu Âu. Luật mới này tạo điều kiện tiếp cận cho lao động có tay nghề cao trong các nghề đào tạo nói riêng và cải thiện triển vọng cho lao động có kỹ năng nước ngoài. Những điểm nổi bật trong luật mới này bao gồm:
- Mở ra khả năng tiếp cận thị trường lao động cho các chuyên gia CNTT có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế nhưng không có bằng cấp chính thức. Đó là một ngoại lệ dành cho các chuyên giá CNTT. Theo đó họ không bắt buộc phải xuất trình bằng chứng rằng họ là công nhân lành nghề, miễn là họ đã đạt được bằng cấp tương đương thông qua ít nhất ba năm kinh nghiệm chuyên môn trong bảy năm qua, kiếm được mức lương tổng hàng năm ít nhất là 49.680 Euro và có năng lực Tiếng Đức trình độ B1.
- Thị thực (visa) tìm việc làm: Những người được đào tạo nghề có thể được cấp“thị thực tìm việc” trong sáu tháng để vào Đức tìm việc làm. Tiêu chí là ứng viên phải có bằng cấp được công nhận, các kỹ năng tiếng Đức cần thiết (nói chung là cấp độ B1) và một sinh kế an toàn.Với thị thực này, người tìm việc có thể làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của họ trên cơ sở thử việc tối đa mười giờ mỗi tuần.
b. Cơ sở hạ tầng về KHCN&ĐMST
Đức là nơi có một số cơ sở hạ tầng nghiên cứu mang tính toàn cầu. Chính phủ Liên bang cung cấp phần lớn kinh phí cho các thiết bị quy mô lớn trong nghiên cứu cơ bản với ngân sách hàng năm hơn 1,3 tỷ euro (2019). Cơ sở hạ tầng nghiên cứu cũng được phát triển trong quan hệ đối tác hợp tác quốc tế. Các đối tác quốc tế đóng góp vào việc tài trợ cho các cơ sở hạ tầng đó. Đức có nhiều cơ sở nghiên cứu quy mô lớn có tầm quan trọng quốc gia, xuyên quốc gia hoặc thậm chí toàn cầu. Các cơ sở hạ tầng nghiên cứu này bao gồm máy gia tốc, tàu thăm dò, kính thiên văn, tàu nghiên cứu và siêu máy tính cũng được cung cấp cho các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. Các cơ sở hạ tầng nghiên cứu quan trọng bổ sung bao gồm:
Deutsches Elektronen-Synchrotron (DESY), Trung tâm Điện toán Khí hậu Đức (DKRZ), Polarstern và FLASH, laser điện tử tự do ở Hamburg, Wendelstein 7-X (BMBF, 2021).
Một quy trình lộ trình quốc gia đã được đưa ra vào năm 2015 để quyết định các cơ sở hạ tầng nghiên cứu trong tương lai. Lộ trình Quốc gia về Cơ sở hạ tầng Nghiên cứu mới cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định chính sách về những dự án cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Châu Âu và quốc tế mà Đức nên tham gia. Vào năm 2019, lộ trình đã kết hợp ba dự án mới nhằm góp phần giải quyết các câu hỏi quan trọng về mặt xã hội và có liên quan đến tương lai trong nghiên cứu khí hậu, nghiên cứu y học và vật liệu. Ba dự án đó là Ernst Ruska-Center 2.0, Trung tâm Leibniz về Quang tử trong Nghiên cứu Nhiễm trùng, và Cơ sở hạ tầng nghiên cứu khí dung, mây và Theo vết khí. Các dự án này đã vào danh sách các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và được ưu tiên chiến lược và chính trị cho lĩnh vực nghiên cứu, nhận thêm tài trợ và dự kiến sẽ được xây dựng trong tương lai gần(BMBF, 2021).
3.4.4.2. Hỗ trợ tài chính và thu hút đầu tư nước ngoài vào KHCN&ĐMST
Đức không đưa ra các ưu đãi về thuế trừ những trường hợp rất hạn chế, thường không liên quan trực tiếp đến kinh doanh (ví dụ: khấu hao đặc biệt cho các tòa nhà theo lệnh bảo tồn). Điều này do một phần, thuộc về vấn đề ngân sách nhà nước, và phần khác nó phản ánh yêu cầu của hiến pháp về việc đối xử bình đẳng đối với tất cả những người nộp thuế. Do vậy, Đức là một trong số ít các quốc gia trong OECD không cung cấp các ưu đãi thuế dành riêng cho R&D (OECD, 2016), nhưng cung cấp rất nhiều hỗ trợ tài chính cho các hoạt động liên quan đến R&D vì nghiên cứu và phát triển được coi là một trong những lĩnh vực phát triển của nền kinh tế. Một số tài trợ trực tiếp như là tài trợ cho đầu tư, R&D và thuê nhân sự, tài trợ khoản vay cho các dự án, trợ cấp tiền mặt GRW, tài trợ R&D của Chính phủ Liên bang Đức, tài trợ của của các Bang v.v (GTAI, 2021). Gần đây vào năm 2019, Đức có sự thay đổi khi đã thông qua Đạo luật nghiên cứu (Forschungszulagengesetz). Đây là trợ cấp của Liên Bang, theo đó, khoản trợ cấp miễn thuế 25% và lên tới tối đa 500.000 Euro/ năm tiền lương và tiền công cho một số mục đích R&D nhất định
(PWC, 2021). Để đối phó với đại dịch COVID, trợ cấp trên tăng tối đa là 1 triệu EUR/năm đến hết năm 2026.
3.4.4.3. Bảo vệ sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền những đổi mới sáng tạo. Đức là một quốc gia có quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ trên thế giới với các quy định về bản quyền, nhãn hiệu, thiết kế, mẫu hữu ích và bảo hộ bằng sáng chế. Những quy định về quyền sở hữu trí tuệ được soạn thảo trước khi Đức trở thành quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu nhưng sau đó đã được sửa đổi và bổ sung để phù hợp với các quy định của EU. Các luật chính tạo cơ sở cho bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Đức bao gồm: Luật bản quyền (UrhG); Luật bằng sáng chế (PatG); Luật nhãn hiệu (MarkenG), Luật về mô hình tiện ích (GebrMG), Luật Thiết kế (GeschMG), Luật Chống Cạnh tranh Không lành mạnh (UWG) (The Law review, 2021). Là một quốc gia mà chi tiêu về R&D đến từ doanh nghiệp chiếm 68% (Văn phòng thống kê Liên Bang, 2014), Đức đã gần đây đã sửa lại Đạo Luật sáng chế dành cho nhân viên (ArbEG), quy định về các quyền và nghĩa vụ của nhân viên và người sử dụng lao động đối với các phát minh do nhân viên ở Đức tạo ra.
3.5. Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu
3.5.1. Mục tiêu chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST của Liên minh Châu Âu
Cộng đồng Châu Âu có các chiến lược khoa học, nghiên cứu vàđổi mới sáng tạo mạnh mẽ, toàn diện, dài hạn vàđược xây dựng rất tốt với hợp tác quốc tế là một thành tố chính của các chính sách này và được tuyên bố là một ưu tiên chiến lược (EC,2012b). Horizon Europe lần thứ tám và chín là chiến lược gần đây nhất của các quốc gia EU trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở hai chiều cạnh: (i) nâng cao năng lực phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nội địa; và (ii) mở rộng diện phạm vi hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện thành công nội dung này, các quốc gia EU lựa chọn những ngành, lĩnh vực ưu tiên sau đây: y tế và chăm sóc sức khoẻ của người dân,
lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và một xã hội bao trùm, lĩnh vực về an ninh dân sự cho xã hội, lĩnh vực về công nghệ số, công nghiệp cơ bản và không gian lĩnh vực về khí hậu, năng lượng và di chuyển quốc tế.
3.5.2. Chủ thể chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST của Liên minh Châu Âu
Liên minh Châu Âu là một nhóm các quốc gia ở châu Âu và có mô hình tổ chức chính quyền khá phức tạp, đan xen nhiều cấp độ khác nhau. Điều đó làm cho việc xác định chủ thể của chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST của Liên minh Châu Âu cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung như sau:
Đối với quan hệ hợp tác quốc tế nói chung giữa Liên minh Châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới thì chủ thể của chính sách hợp tác quốc tế sẽ là Ủy ban Liên minh Châu Âu. Đối với các chính sách hợp tác quốc tế chuyên sâu thì chủ thể của chính sách sẽ là Hội đồng Liên minh Châu Âu. Do đó, chủ thể của chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST của Liên minh Châu Âu sẽ là Hội đồng các Bộ trưởng về lĩnh vực KHCN&ĐMST của các quốc gia thuộc liên minh.
Do các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu có mô hình tổ chức chính quyền khác nhau: (i) liên bang; và (ii) hợp nhất nên chủ thể của chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST của các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu có thể giống nhau nhưng quá trình tổ chức triển khai là khác nhau. Chính phủ của các quốc gia là chủ thể của các chính sách hợp tác quốc tế nói chung và phân cấp cho các Bộ trưởng phụ trách về KH&CN& ĐMST thay mặt chính phủ để vận hành chính sách hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST.
Đối với các quốc gia vận hành theo mô hình Liên bang, các chính sách HTQT về KHCN&ĐMST có sự phân biệt về phạm vi thực hiện. Nếu ở cấp quốc gia thì chủ thể của chính sách là chính quyền liên bang và cơ quan thực hiện sẽ là sự phối hợp của các Bộ chuyên ngành dưới sự điều hành chung của Bộ Khoa học và Công nghệ (tùy theo từng quốc gia mà có tên gọi khác nhau). Nếu ở cấp bang thì chủ thể của chính sách này sẽ là chính quyền cấp bang; và Bộ quản lý ngành về KHCN&ĐMST sẽ là cơ quan phối hợp với chính quyền bang để thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế