Phân loại thuốc chữa ho và hen phế quản

Một phần của tài liệu 4.2.DUOC (hang 4) (Trang 47 - 48)

1.1. Thuốc chữa ho

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống ra ngoài những chất nhầy, đờm dãi do niêm mạc đường hô hấp tiết ra.

Khi ho nhiều sẽ gây tổn thương ở các mao quản, mất ngủ, mệt mỏi, và có thể gây khó thở, nên phải dùng thuốc chữa ho nếu thấy cần thiết, mà ho thường là triệu chứng của một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như: Nhiễm lạnh, viêm phế quản, viễm phổi, viêm họng.

Các thuốc chữa ho chỉ có tác dụng chữa triệu chứng, trong điều trị cần xem xét các bệnh liên quan để phối hợp với thuốc chữa nguyên nhân.

Dựa vào cơ chế tác dụng, có thể chia thuốc chữa ho thành ba loại sau:

- Thuốc làm dịu cơn ho (thuốc làm giảm ho do tác dụng lên thần kinh trung ương): Thuốc ức chế trung tâm ho ở hành tủy, giảm kích thích các dây thần kinh và các vùng có liên quan, đồng thời có tác dụng an thàn.

Các thuốc trong nhóm: Codein, Dextromethorphan, Noscarpin, Bromoform...

- Thuốc có tác dụng long đờm:

+ Thuốc làm tăng bài tiết dịch phế quản và loãng đờm nên thải trừ đờm dễ dàng. Các thuốc: Natri benzoat, Terpin hydrat, muối Amoni acetat, Gaiacol.

+ Thuốc làm tiêu, làm loãng chất nhầy. Các thuốc: Acetylcystein, Carbocystein, Bromhexin, Ambroxol.

- Thuốc giảm ho kháng Histamin: Có tác dụng kháng Histamin H1, đồng thời có tác dụng chữa ho và an thần. Thuốc giảm ho kháng Histamin được chỉ định trong trường hợp ho do dị ứng hoặc do kích thích (nhất là về ban đêm).

Các thuốc như: Alimemazin, Clocinizin dihydrochlorid (Denoral)... 1.2. Thuốc chữa hen phế quản:

Hen là hội chứng khó thở do phế quản bị co thắt một cách đột ngột, kèm theo rối loạn xuất tiết đờm dãi.

Bệnh hen phế quản thường do nhiều nguyên nhân gây nên như: Khí hậu thay đổi đột ngột, cơ địa bị dị ứng, thần kinh bị kích thích... Để cắt cơn hen, thường dùng các thuốc chống co thắt cơ trơn phế quản, hạn chế hiện tượng khó thở, hoặc dùng các thuốc chống dị ứng và các thuốc giảm tiết dịch phế quản.

Dựa vào cơ chế tác dụng, có thể chia thuốc thành hai nhóm:

- Thuốc giãn cơ phế quản, chống co thắt: Là thuốc có tác động trên cơ trơn phế quản, làm giãn hoặc chống co thắt phế quản. Các thuốc trong nhóm này không có hiệu quả trong điều trị duy trì, đặc biệt với thể hen vừa và nặng. Các thuốc trong nhóm như: Theophylin, Aminophylin, Salbutamol, Bambuterol, Carbuterol, Terbutalin, Ephedrin, Isoprenalin.

- Thuốc chống viêm thuộc loại Glucocorticoid: Là nhóm thuốc có tác động đến tính chất phản ứng của tế bào niêm mạc phế quản, làm giảm mẫn cảm, chống dị ứng, đồng thời loại trừ được viêm đường hô hấp cấp và mạn tính. Các thuốc trong nhóm này được lựa chọn hàng đầu trong điều trị duy trì cho bệnh nhân hen phế quản. Các thuốc như: Hydrocortison, Mazipredon, Prednisolon, Dexamethason, Bethamethason...

Cách phân chia thuốc chữa hen phế quản chỉ có tính chất tương đối vì có nhiều thuốc không chỉ tác dụng trên phế quản, mà tác dụng trên cả các cơ quan khác, nhất là thần kinh trung ương, thần kinh thực vật... Do đó, khi sử dụng phải lưu ý đến tác dụng phụ có thể xảy ra, phải tôn trọng liều lượng và các chống chỉ định đã được chỉ dẫn. Cần phải phối hợp thuốc chữa triệu chứng với thuốc chữa nguyên nhân để đạt hiệu quả trong điều trị.

Một phần của tài liệu 4.2.DUOC (hang 4) (Trang 47 - 48)