Trong thời gian truyền bá Phật Pháp tại Trung Quốc, Bồ-đề Đạt-ma có quay trở về Ấn Độ một lần, và trước khi lên đường có gọi các đồ đệ lại để khảo sát kiến thức của họ. Mỗi người đứng lên trình bày những hiểu biết của mình về Đạo Pháp, và mỗi lần Bồ-đề Đạt-ma đều khen là người này đã « đạt được phần da, phần thịt hay phần xương của ông ». Đến lượt Huệ Khả đứng lên, nhưng chỉ nghiêng mình rồi đứng yên, Bồ-đề Đạt-ma liền thốt lên : « Ngươi đã đạt được phần tủy của ta rồi ». Thật vậy Đạo Pháp hay sự chứng ngộ không giải thích được bằng ngôn từ.
Ngôn từ trong Đạo Pháp chỉ là một cách thích ứng với xu hướng, tánh khí, khả năng và trình độ hiểu biết của mỗi cá nhân, gián tiếp dùng để diễn đạt một cái gì cao thâm hơn, một khía cạnh nào đó của hiện thực, giúp mỗi cá nhân tránh khỏi thể dạng hoang mang, dầy đặc và u mê của tầm thần. Thể dạng vượt thoát mọi định kiến và công thức sẵn có là thể dạng « không bị nhốt » vào một khuôn phép có sẵn, không bị ràng buộc trong sư kiềm toả và thao túng của sự suy diễn và biện luận thuần lý. Quá trình suy diễn hay biện luận thuần lý nếu hướng vào nội tâm sẽ đưa đến hoang mang và bế tắc, nếu hướng vào sự tranh biện bên ngoài sẽ đưa đến cải vả vô bổ hoặc ăn nói ba hoa bất tận mà thôi. Nếu quán nhận được sự yên lặng của Phật, mọi lo âu, thắc mắc do sự hiểu biết thôi thúc sẽ tan biến hết. Chính cái ngã đã làm cho ta thèm khát, dù rằng đấy là sự thèm khát hiểu biết. Dù mang tính cách cao cả nhưng sự thèm khát hiểu biết vẫn đưa đến bám víu và sợ hãi, sợ hãi trước cái u mê của ta, một thứ sợ hãi đã làm cho Malunkyaputta ngưng thiền định để tìm Đức Phật mà hỏi : không biết vũ trụ có bất diệt hay không ? Nếu quán nhận được ý nghĩa trong sự yên lặng của Phật, ta sẽ cảm thấy thật an tâm, hình như ta đang ngồi bên cạnh Phật, trong sự yên lặng của Phật.
Sự kiện không diễn đạt của tâm thức không phải là một sự bế tắc, yên lặng không phải là một ngõ bí, nhưng đúng hơn là một cánh cửa mở ra một thế giới khác, một thế giới của nhất nguyên, không đối nghịch, không chủ thể và đối tượng. Trong thế giới đó không có biện luận, tranh cải, không có nội tâm và ngoại cảnh. Trong thế giới đó ta có thể nói chuyện với hoa,
nghe thấy tiếng côn trùng trong cỏ dại, tiếng cựa mình của một hạt cát trong sa mạc, cả tiếng trò chuyện giữa trăng sao. Ta sẽ quán nhận được quy luật tương liên trong dạng thể thâm sâu nhất : một cánh hoa, một vì sao trên trời hay một hạt cát trong sa mạc cũng không khác gì với ta, chúng ở trong ta và ta đang ở trong chúng, tất cả đều hội nhập và hài hoà với nhau.
Xin lược dịch một bài thơ trong tập « Mài bóng mặt trăng và kéo cày trên thửa ruộng mây » của Đạo Nguyên (1200-1253), một đại thiền sư Nhật Bản, như sau :
Trong gió xuân hiền hoà, Những cánh hoa rơi rụng. Những lời ta vừa tụng, Có mấy ai ngờ được, Là tiếng hát của hoa ?
---o0o---