Sự yên lặng của Như Lai và cái ồn ào của thế tục

Một phần của tài liệu Khai-Niem-Ve-8-Moi-Lo-Toan-The-Tuc-Trong-Phat-Giao-Hoang-Phong-Dich (Trang 93 - 95)

Tam thân Phật là trú xứ của yên lặng, sự tĩnh mặc mênh mông ấy Phật đã đạt được khi Giác ngộ và Phật cũng đã trao lại cho chúng ta, nhưng chúng ta có nhìn thấy được sự yên lặng ấy hay không ?

Những dòng đầu tiên của kinh Kim cương mô tả Đức Phật như một nhà sư thật đơn sơ, đi khất thực, ăn xong, giải khát rồi ngồi xuống dưới một gốc cây, tâm thức thật an bình và phẳng lặng. Đúng như vậy, Phật đi chân đất, chỉ có hai chiếc áo cà-sa để thay đổi, khâu bằng những mảnh vải vụn, và một bình bát để khất thực. Cái đơn sơ và tĩnh mặc đó, Phật đã trả một giá rất đắt để đạt được, cái giá của sự Giác ngộ. Cũng không phải khó để nhìn thấy

sự tương phản lớn lao giữa hai giai đoạn hiện sinh của Phật : trước và sau khi Giác ngộ. Cuộc sống của Phật trước khi Giác ngộ là một cuộc sống ồn ào và xa hoa trong cung điện, tiếp theo là một cuộc sống khổ hạnh đầy chịu đựng, tâm thức luôn luôn bị chấn động trước khổ đau của chúng sinh, trước màn vô minh dầy đặc đang bao trùm thế gian này. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn an bình và tĩnh mặc sau khi Phật đã Giác ngộ và đã nhìn thấy bản thể đích thực của hiện thực, cái bản chất trống không và yên lặng của mọi hiện tượng.

Sau đó, trong bốn mươi chín năm hoằng pháp Phật đã thuyết giảng cho chúng ta con đường giải thoát khỏi khổ đau của thế gian này, con đường đưa ta từ sự bấn loạn đến an vui, từ ồn ào đến yên lặng, đồng thời Phật cũng đem chính cuộc sống của Ngài để làm gương cho chúng ta : cuộc sống ồn ào của cung điện đổi sang cuộc sống đơn sơ và bình lặng của một nhà sư khất thực. Cách sống yên lặng đó chính là phản ảnh của Chân như : sự yên lặng chính là Niết bàn, Niết bàn là yên lặng. Khi già yếu, trên đường hoằng Pháp, Phật dừng lại ở một khu rừng vắng vẻ, Phật gấp chiếc áo cà-sa làm tư để gối đầu và nằm xuống đất giữa hai gốc cây sa-la. Phật nằm nghiêng sang một bên, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia.

Một số người trong chúng ta tự xưng là Phật tử, nhưng chúng ta luôn luôn đi ngược với con đường của Phật đã đi, chúng ta hướng từ sự đơn sơ đến phức tạp, từ nghèo khổ đến giàu sang, từ bần hàn đến cung điện, từ yên lặng đến ồn ào, dù sự dấn thân đó được thực hiện trên thực tế hay chỉ bằng mơ tưởng và ảo giác. Chúng ta cần có sự ồn ào, ồn ào khi sinh ra đời, trong từng biến cố của sự sống, ồn ào khi nằm xuống. Dù đã nằm xuống, chúng ta vẫn còn cố hãnh diện với trống kèn, bông hoa, nhang khói, tiếng khóc thương, phúng điếu, tung niệm, cầu siêu…Chúng ta luôn luôn đi ngược hướng với Phật, phóng tầm mắt ra phía trước để nhìn vào ảo giác của một Niết bàn đang ở phía sau lưng.

Trong chương năm của kinh Kim cương, Phật hỏi một đệ tử là Tu-bồ-đề rằng Như Lai có phải là 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ hay không, Tu-bồ-đề trả lời là không. Phật lại nói tiếp như sau : « Này Tu-bồ-đề, chính là như thế, tất cả những gì là tướng đều mang tính cách lừa phỉnh. Tất cả những gì không phải là tướng sẽ không lừa phỉnh. Không phải nhờ vào tướng mà nhận ra Như Lai, tất cả những gì gọi là tướng chỉ là trống không, chẳng có gì cả ngoài những cái gọi là tướng ». Ngoài những cái gọi là « tướng », Như Lai đích thực là trống không, vắng vẻ và yên lặng. Chúng ta đây, chẳng có một tướng tốt nào cả, nhưng lại cố tìm cách thêm đủ mọi « tướng » vào phía trước và phía sau cái tên gọi vô nghĩa do cha mẹ đặt ra : nào chức tước, bằng cấp, huân chương, trọng trách…Những cái « tướng » ấy

trước hết chỉ dùng để nuôi nấng và củng cố cái ngã của ta, sau đó để loè bịp và lường gạt những chúng sinh chất phác khác mà thôi.

Bằng Đạo Pháp, Phật mở ra cho ta một thế giới êm ả, an bình và hạnh phúc, thay vì bước vào ta lại bước ra. Cái cánh cửa của thế giới đó ta không thấy, ta bị thu hút bởi thế giới đối nghịch, ồn ào và biến động, đang làm cho ta choá mắt. Trong tập công án nổi tiếng mang tựa đề là Vô môn quan (Ải không cửa vào) của thiền sư Huệ Khai (1183-1260) có viết như sau :

Đại đạo vô môn, thiên sai hữu lộ Thấu đắc thử quan, càn khôn độc bộ Tạm dịch như sau :

Con đường thênh thang [tuy] không cửa, [nhưng] có nghìn lối vào Qua được cổng ấy, vũ trụ [thong dong] riêng một bước

Nhưng cái bước của ta lại là cái bước ngược chiều. Từ bản thể trong sáng của Phật tính ta bước vào thể dạng vô minh và bấn loạn của tâm thức, từ sự bình lặng và an vui của sự sống ta chen chân vào thế giới của mưu đồ và tính toán. Khi nhìn lên tượng Phật, ta không nhận ra cái sâu thẳm và yên lặng trên gương mặt của Phật, ta chỉ nghe thấy tiếng chuông mõ ồn ào và tiếng tụng niệm cầu an, và chú ý xem có đọc đúng tên của ta đã ghi trên tờ sớ hay chăng.

---o0o---

Một phần của tài liệu Khai-Niem-Ve-8-Moi-Lo-Toan-The-Tuc-Trong-Phat-Giao-Hoang-Phong-Dich (Trang 93 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)