cho doanh nghiệp dược phẩm
2.4.1.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc được biết đến là đất nước có nền y học cổ truyền lớn nhất trên thế giới. Lịch sử ngành dược Trung Quốc khởi đầu bằng hàng trăm loại cây cỏ và các hóa chất vô cơ sẵn có trong thiên nhiên, hệ thống y tế của nước này là sự kết hợp tuyệt vời của y học dân tộc và y học hiện đại. Các loại thuốc y học cổ truyền chiếm hơn 40% giá trị thuốc tiêu thụ hàng năm. Sản lượng sản xuất hàng năm của Trung Quốc có hơn 70.000 tấn dược thảo và hơn 4000 loại thuốc Bắc (XU, W. J., & Lin, L. H. J. C, 2003).
Những năm qua, xu hướng quay về với các loại thuốc có nguồn gốc trực tiếp từ thiên nhiên ngày càng phát triển mạnh trên toàn thế giới, do vậy, Trung Quốc càng thể hiện được thế mạnh của mình với truyền thống Trung y hàng ngàn năm và kho tàng thuốc đông y phong phú. Các sản phẩm đông y Trung Quốc có tiềm năng chiếm một thị phần lớn của thị trường thuốc đông y thế giới. Nhận biết được tầm quan trọng này, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như: khuyến khích các cơ sở sản xuất thuốc đông y sáp nhập và củng cố thành các công ty lớn có doanh thu cao; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu triển khai nhằm mục đích đưa ra các sản phẩm đông y mới; nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và tiêu chuẩn hoá trong sản xuất thuốc Đông y; thu hút nhiều nhà khoa học trẻ nhằm tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực
Đông y; quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn, phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp dược.
Hiện nay, mặc dù gặp nhiều vấn đề về tình hình xuất khẩu lậu thuốc và nguyên liệu thuốc làm thuốc có nguồn gốc đông y, số lượng thuốc đông y kém chất lượng gia tăng nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển nhất trên thế giới. Với nhiều đặc điểm tương đồng, Trung Quốc rất đáng để nước ta tham khảo, học tập để phát triển nền y học cổ truyền nước nhà.
2.4.1.2. Kinh nghiệm của Ấn Độ
Hiện nay Ấn Độ là nước đứng trong top 5 thế giới về sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc, top 20 thế giới về xuất khẩu dược phẩm. Sự phát triển của ngành sản xuất, xuất khẩu dược phẩm không chỉ đem lại lợi nhuận hàng năm khoảng hơn 5 tỷ USD cho đất nước mà còn có tác dụng thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất khác: tạo công ăn việc làm cho khoảng 500.000 chuyên gia hoá chất và một tỷ lao động trực tiếp và gián tiếp tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng dược phẩm ở trong nước cũng như ở các chi nhánh ngoài Ấn Độ (Bộ Công Thương, 2014).
Dược phẩm Ấn Độ có khả năng cạnh tranh rất cao trên thị trường và là một trong những nước đứng đầu về sản xuất, xuất khẩu dược phẩm là do chế độ sản xuất thuốc tự do mà nước này áp dụng trước năm 2005; điều này giúp cho giá dược phẩm bán tại Ấn Độ thấp hơn rất nhiều so với giá thuốc của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, với việc thực hiện các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ khi gia nhập WTO, ngành dược phẩm Ấn Độ cần phải tìm ra những hướng đi mới cho sự phát triển. Với lợi thế sẵn có về giá cả, cơ sở sản xuất lớn, hệ thống phòng thí nghiệm với cơ sở hạ tầng sẵn có cho việc nghiên cứu và phát triển, hệ thống tiếp thị phân phối tốt, các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ đang hướng đến hai chiến lược phát triển là (i) loại bỏ dần các sản phẩm không phù hợp và tăng cường tiếp cận với các phương pháp điều trị mới; (ii) mở rộng thị trường qua các kênh phân phối, đặc biệt là thị trường nông thôn (Pradhan, J. P, 2006).
Hiện nay, bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới, các công ty dược phẩm Ấn Độ cũng hướng đến việc đẩy mạnh đầu tư liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, thông qua việc sử dụng các nhà máy sản xuất tối tân sẵn có
của họ để tiếp tục duy trì sản xuất và xuất khẩu các loại thuốc tương đương với các loại thuốc chính gốc hoặc trở thành các trung tâm cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm nước ngoài. Chính sách thu hút đầu tư mới của Ấn Độ cũng đang hấp dẫn được nhiều hãng sản xuất dược phẩm quốc tế, đặc biệt là thị trường thuốc tân dược phục vụ cho tầng lớp thu nhập cao của nước này.
2.4.1.3. Kinh nghiệm của Pháp
Pháp là nước sản xuất dược phẩm lớn nhất trong EU với khoảng 340 công ty dược phẩm, trong đó tất cả đều là thành viên của Hiệp hội Dược phẩm Công nghiệp (LEEM) hoạt động trên khắp lãnh thổ nước này. Ngành dược phẩm Pháp có trên 100.000 lao động và đầu tư 12,1% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu, phát triển. Hiện tại, có khoảng 18% trong tổng số 100.000 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển. Đây là một con số không nhỏ thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dược phẩm ở Pháp (Sermet, C., Andrieu., & Reynier, J. P, 2010).
Pháp đã đưa ra các chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dược phẩm để tăng cường khả năng sản xuất và tiến hành xuất khẩu. Tất cả các công ty dược hàng đầu thế giới đều có mặt ở Pháp. Các công ty nước ngoài chiếm 68% số công ty dược phẩm hàng đầu ở nước này và có tới 34 công ty nước ngoài trong số 50 công ty dược phẩm hàng đầu của Pháp; do vậy, không ngạc nhiên khi Pháp là một trong những nước xuất khẩu các sản phẩm về dược phẩm lớn nhất thế giới.
Chính phủ Pháp thiết lập một hệ thống định giá thuốc vào loại chặt chẽ nhất Châu Âu đồng thời sử dụng những biện pháp rất tốn kém để duy trì mức giá thấp hơn 15% so với giá thuốc sản xuất tại Anh và Đức. Có thể nói Pháp là nước có mức chi tiêu cho dược phẩm lớn nhất và thành công nhất trong việc thực hiện các chính sách để giảm mức chi tiêu cho dược phẩm. Như đã trình bày ở trên, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển dược phẩm tại Pháp được đầu tư lớn và có rất nhiều dấu hiệu khả quan trong những năm vừa qua. Cụ thể, lực lượng lao động trong ngành dược phẩm tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua. Chính phủ Pháp xác định dược phẩm là một ngành công nghiệp chủ chốt cần được đầu tư phát triển để phát huy hết tiềm lực vốn có của nó trong tương lai.