Lệ Thu, tiếng hát thôi bay trên hàng phố bâng khuâng

Một phần của tài liệu VinhBietDanhCaLeThu-PADBiensoan-2021 (Trang 40 - 42)

“Lệ Thu, như cái tên tiền định của một đời nghệ sĩ hát bằng nước mắt yêu thương, bàng bạc như tơ sương của khung trời mùa thu đất Bắc lại đến với tiếng hát ái ân qua một loạt tác phẩm tuyển chọn thành danh trên mười lăm năm sân khấu cùng với sự đua tài của ba giàn nhạc danh tiếng nhất thủ đô” .. Đó là lời giới thiệu rộn ràng, sôi nổi đã mở đầu cho cuốn băng nhạc Sơn Ca số 9 dành riêng cho giọng hát Lệ Thu. Cuốn băng do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và hãng băng nhạc Sơn Ca thực hiện được phát hành vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1974 tại Sài-Gòn với số lượng tiêu thụ kỷ lục giữa lúc cuộc chiến ở miền Nam Việt-Nam đang đi vào giai đoạn cuối. Từ những sinh hoạt trong ca đoàn Công giáo đến ban Tâm Lý Chiến, Lệ Thu đã chập chững vào con đường ca hát với từng bước đi tự tin. Hai cô ca sĩ trẻ măng, Trúc Mai và Lệ Thu trong chiếc áo dài trắng đơn sơ tìm đến và ngỏ ý xin được góp tiếng hát nơi phòng trà của nhạc sĩ Mạnh Phát nhưng bị từ chối vì tuổi tên còn quá mới mẻ và xa lạ. Thời gian đôi khi cũng là liều thuốc tiên và đã chấp đôi cánh thiên thần cho hai tiếng hát đó bay vào khung trời âm nhạc diễm ảo hòa với không khí tự do của đất Sài-Gòn hoa lệ.

Sài-Gòn bị đứt phim, và tiếng hát Lệ Thu còn kẹt lại giữa một khoảng trời giông bão. Một sáng thứ hai của năm 1979, buổi chiếu phim “chiêu đãi” văn nghệ sĩ của mấy chục đoàn nghệ thuật hoạt động tại Sài-Gòn đã lôi cuốn hầu hết những gương mặt quen thuộc trong làng giải trí, từ ca nhạc, ảo thuật cho đến kịch nghệ và cải lương. Những hàng ghế trên lầu cũng như dưới nhà của rạp Quốc Tế trên đường Phạm Ngũ Lão dường như không còn một chỗ trống. Nghệ sĩ của Sài-Gòn ăn diện quần là, áo lụa và duyên dáng, lịch sự trong từng sắc áo. Hai ca sĩ Lệ Thu và Thanh Lan bước vào rạp trong những tà áo dài đẹp lộng lẫy làm ngẩn ngơ đám “dép râu, nón cối” và đó cũng là lần sau cuối, giới thưởng ngoạn còn nhìn thấy được Lệ Thu ở Sài-Gòn. Không lâu sau đó, chị xuống tàu đi vượt biển.

Tiếng hát đó lần nữa được cất cao ở một nơi rất xa, không phải là quê nhà lung linh lụa nắng hay bãng lãng trên hàng phố bâng khuâng. Tiếng hát Lệ Thu đã chinh phục hầu hết khán thính giả tị nạn Việt-Nam trên nhiều quốc gia tự do và trải dài suốt mấy chục năm tại nhiều châu lục trên thế giới.

Cơn đại dịch cúm tàu đã cuốn đi tiếng hát “vàng mười” để khán giả gần xa bồi hồi với bao nỗi niềm xót xa, tiếc nhớ. Vĩnh biệt chị, vĩnh biệt tiếng hát hoài cảm đã khuất xa giữa một chiều đông rét mướt ..

“Đưa em vào huyệt đất sâu Một chiều đông mưa giăng tơ sầu Tiếng kinh cầu, lệ thương đau Ðưa em vào huyệt đất sâu Một chiều đông vương bao u sầu Tiếng kinh cầu, gọi thương đau Em đi vào cuộc hư vô

Còn gì đây trong nhân gian này Tiếng thở dài, hận thiên thu”

( Tình chết theo mùa đông” của Trần văn Bùi)

BĂNG NHẠC SƠN CA 9 – Lệ Thu với TÌNH KHÚC TIỀN CHIẾN

Một phần của tài liệu VinhBietDanhCaLeThu-PADBiensoan-2021 (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)