LỆ THU: Tiếng Ca Khởi Phụng Đằng Giao

Một phần của tài liệu VinhBietDanhCaLeThu-PADBiensoan-2021 (Trang 42 - 44)

Hồ Trường An

(Trích “Chân Dung Những Tiếng Hát I”)

Năm 1963 hay 1965 gì đó, tôi được nghe Lệ Thu hát bản “Xin Mặt Trời Ngủ Yên” của Trịnh Công Sơn trong dĩa nhựa microsillon. Cách gào rống vô cùng độc đáo đến mức trác tuyệt khi cô hát lên cao làm tôi ngưỡng mộ nồng nhiệt. Cũng như bài “Summertime”, bài “Xin Mặt Trời Ngủ Yên” là bài Blue có chỗ lên cao, chỉ có cách gào rống mới diễn tả nổi cái đau banh gan xé ruột. Ở bài “Summertime” là nỗi đau trong kiếp nô lệ nhục nhằn của người Mỹ da đen. Ở bài “Xin Mặt Trời Ngủ Yên” là nỗi đau đớn lớn của kiếp nhân sinh. Gào rống mà tiếng hát vẫn giữ vững cao độ, không sai một bán cung lại còn ngân nga rựa ràng như trường hợp Lệ Thu đâu phải dễ. Giọng hát Lệ Thu cao nên cô trình bày các ca khúc Tây phương có chỗ lên cao như “Come Back To Sorrento” của De Curtis, bản “Tristesse” của Chopin, bản “Serenade” của Schubert, bản

“Rêveries” của Robert Schumann đều hay, nhưng chỉ giúp cô nổi tiếng ở phòng trà Tự Do, chứ chưa đưa cô vào môi trường khách sành điệu lẫn khán thính giả thời thượng bên ngoài. Và theo tôi, chính những ca khúc theo thể điệu Blue mới làm nổi bật cái độc đáo của tiếng hát cô. Tuy nhiên, ca khúc “Xin Mặt Trời Ngủ Yên” chỉ là cái cửa mở ngỏ để cô đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn nhưng chưa phải là cái thang để cô leo lên tuyệt đỉnh vinh quang.

Thật ra, Lệ Thu được khán thính giả bốn phương ngưỡng mộ qua bài “Ngậm Ngùi” của Phạm Duy. Đây là một trường hợp ngộ nghĩnh. Vào thuở cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, nhạc sĩ Lê Thương có phổ bài thơ này thành ca khúc “Tiếng Thuỳ Dương” và chỉ được vài ca sĩ đài phát thanh Pháp Á hát vài lần là bị xếp im lìm trong kho tàng nhạc sử nước nhà. Sau đó rất lâu, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Ngậm Ngùi” có nhờ Anh Ngọc thu vào dĩa microsillon để giao duyên với giọng ngâm của Hoàng Oanh. Bài hát vẫn không được ai chú ý. Chỉ có bài thơ của Huy Cận và giọng ngâm sắc vút của Hoàng Oanh là còn gây dư vang và tình ý trong lòng khách mộ điệu mà thôi. Phải đợi giọng diễn tả của Lệ Thu, bài hát mới nổi danh như cồn. Nhờ vậy, Lệ Thu trở thành một ngôi sao sáng tuyệt vời trên vòm trời ca nhạc. Có vậy, khi tiếp tục hát thêm các ca khúc của Trịnh Công Sơn, cô mới cùng Khánh Ly làm nổi tiếng các tác phẩm của anh chàng du ca tài ba lỗi lạc này.

Khi bài “Ngậm Ngùi” nổi tiếng kỷ lục thì nhạc sĩ Phạm Duy khoái quá, sáng tác bài “Nước Mắt Mùa Thu“, lấy ý từ cái tên Lệ Thu để tặng người ca sĩ này. Thật ra thì cái tên Lệ Thu là cái tên khá phổ thông từ thuở xưa. Nhưng Lệ không có nghĩa là nước mắt mà là đẹp: diễm lệ, mỹ lệ, thanh lệ, tú lệ, kiều lệ. Lệ Thu là mùa thu đẹp. Còn tiếng hát Lệ Thu thì sao? Tiếng cô khàn mà cao vút. Khi lên cao, cô vẫn giữ giọng thật, cô rống lên thật vang dội để cho tiếng trải đều ra, vạm vỡ và dũng mãnh như thác nước Niagara. Những bản “Hương Xưa”, “Hoài Cảm“ của Cung Tiến, “Chiếc Lá Cuối Cùng” của Tuấn Khanh, “Ngày Đó Chúng Mình” của Phạm Duy là những bản để cô biểu diễn giọng cao như bay vút tận trăm tầng cổ tháp và rắn rỏi như đá hoa cương của mình. Giọng cao mà khàn khàn, dòn và sáng. Nhưng chuỗi ngân của cô không đều, hơi thô rít, làn hơi cô hơi ngắn, phải tinh tai lắm mới thấy cô vá víu làn hơi và chuỗi ngân của mình. Cô trình bày bản nhạc đơn giản, không ỏng ẹo điệu đà nên tiếng hát dễ đi sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn.

Tiếng hát của Lệ Thu làm cho chúng ta nghĩ đến một trái hỏa châu bắn vọt lên không trung để tỏa ngời ánh sáng. Nó cũng giống như cây pháo Phi Thiên Thập Hưởng khi đốt phải phóng lên không trung để cho tiếng vang xa như sấm rền. Và qua những chuyện thần thọai của Trung Hoa, chúng ta có thể nghĩ đó là con giao long tu luyện lâu năm nên khi đắc đạo bay vọt lên chín từng mây biếc, thóat khỏi kiếp sấu để biến thành con rồng thiêng về chầu đức Ngọc Hòang Thượng Đế. Nó cũng như con phụng từ đỉnh cao chót vót đáp xuống rừng xanh…

HỒ TRƯỜNG AN

LỆ THU NÓI CHUYỆN VỚI JIMMY NHỰT HÀ:

Một phần của tài liệu VinhBietDanhCaLeThu-PADBiensoan-2021 (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)