a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định (≥98%, trong đó nước sạch ≥65%).
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường 100%.
- Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. - Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch.
- Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất-kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định.
- Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch ≥90%.
- Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường ≥80%.
- Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm 100%.
b) Kết quả thực hiện:
Công tác bảo vệ, cải tạo môi trường luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng; hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng được đẩy mạnh qua các phong trào như: “Tết trồng cây 19/5”; “Ngày môi trường thế giới”; “Tuần lễ biển và hải đảo”; “Ngày chủ nhật xanh”…do UBND các xã phối hợp UBMTTQ VN xã, Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên xã phát động. Qua đó, việc trồng cây gây rừng, trồng cây xanh tại các khu vực công cộng, làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh nhằm tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.
- Chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư trên địa bàn 12 xã. Năm 2010, trên địa bàn huyện 10/12 xã có trạm cấp nước, 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến nay, 02 đơn vị cấp nước phục vụ nhu cầu nước sạch cho nhân dân địa bàn 12 xã bao gồm: Chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc với tổng công suất hoạt động là 11.400m3/ngày đêm và Công ty Cổ phần cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu với tổng công suất hoạt động là 10.000m3
/ngày đêm.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia đạt 100% (35.087/35.087 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch là 75.1% (26.363/35.087 hộ), tăng 20% so với năm 2010.
- Chỉ tiêu tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường 100%: Các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện trước khi hoạt động đều phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Đối với thực hiện nội dung cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường: Hiện nay 12 xã có 321 cơ sở sản xuất kinh doanh đã lập thủ tục môi trường, trong đó: 42 cơ sở đăng ký Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; 67 dự án được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND huyện đã xác nhận 71 Bản cam kết môi trường, 98 Đề án bảo vệ môi trường đơn giản, 38 bản Kế hoạch bảo vệ môi trường; các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ, không thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Trên địa bàn các xã tại các khu dân cư đều có hương ước, quy ước đối với với sự tham gia của tất cả các hộ, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định của địa phương đối với chất thải rắn, nước thải.
- Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn: Hệ thống cây xanh được trồng trên tất cả các tuyến đường trục chính, đặc biệt tại các trụ sở làm việc, trường học… đảm bảo cảnh quan môi trường. Trên các tuyến đường trung tâm, trục giao thông chính đã trồng 13.382 cây xanh tạo cảnh quan; 4,27 ha thảm cỏ; đường viền, hoa văn từ hoa, cây kiểng tổng cộng 1,4 ha. Đường làng ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, hành lang giao thông được thu gom rác. Các tuyến đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt dọc các tuyến đường giao thông nông thôn đã hình thành nên những tuyến đường hoa, tạo mỹ quan cho xã nông thôn mới; 100% số xã đạt tiêu chí “xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn”.
- Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện có tổng cộng 30 nghĩa trang phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; có 4 nghĩa trang (nghĩa trang Phước Tân, nghĩa trang Bàu Lâm - Tân Lâm; nghĩa trang Uỷ ban nhân dân huyện và nghĩa trang ấp Nhân Trung thuộc xã Xuyên Mộc) đảm bảo đúng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-10:2016/BXD về hạ tầng kỹ thuật, kích thước mộ phần và các công trình phụ khác. Các nghĩa trang còn lại do được hình thành từ lâu, nên việc chôn cất các mộ phần không theo kích thước, hàng lối theo quy định; các nghĩa trang này hầu hết đã đóng cửa từ lâu, cũng như không còn nhiều diện tích để chôn cất. Uỷ ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đang trong quá trình lập quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang liên xã phục vụ việc chôn cất, cụ thể: Nghĩa trang liên xã Bình Châu - Bưng Riềng - Bông Trang - Hòa Hội - Hòa Hiệp với diện tích 44,07 ha. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục lập quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang liên xã Bàu Lâm - Hòa Hưng - Hòa Bình địa điểm tại xã Hòa Bình nhằm phục vụ việc an táng người dân các xã Bàu Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình. Việc mai táng hiện nay được thực hiện theo đúng quy chế quản lý nghĩa trang đã được phê duyệt cũng như tập quán, phong tục của địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh trong việc tang lễ.
- Chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom xử lý theo quy định:
+ Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Trên địa bàn 12 xã có 34 tổ thực hiện nhiệm vụ thu gom rác thải và tổng số 40 xe thu gom rác với 85 công nhân vệ sinh. Tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của 12 xã trên địa bàn huyện khoảng 50 tấn/ngày. Số hộ còn lại do nằm xa khu dân cư, diện tích đất rộng đã
được hướng dẫn xử lý chôn lấp hợp vệ sinh tại chổ, không phát tán ra môi trường xung quanh hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thành phân hữu cơ hoặc bán cho các cơ sở thu mua phụ phẩm thức ăn. Rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom tại địa bàn các xã được vận chuyển về 03 bãi trung chuyển (Bình Châu, Phước Tân và Phước Thuận), sau đó tiếp tục được vận chuyển trong ngày về khu xử lý rác tập trung Tóc Tiên - Phú Mỹ để xử lý.
+ Đối với chất thải rắn y tế: Khối lượng chất thải lây nhiễm tại 12 Trạm Y tế xã khoản 311 kg/năm (trong đó bao gồm chất thải lây nhiễm sắc nhọn và không sắc nhọn), chất thải nguy hại không lây nhiễm trung bình 20 kg/năm. Từng loại chất thải y tế được phân loại riêng và được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH môi trường Quý Tiến thu gom, xử lý; Chất thải thông thường được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH DV- TM-XD Hùng Tấn thu gom, xử lý 01 ngày/lần. Đến nay, 100% chất thải rắn y tế trên địa bàn được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
+ Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng: Tổng lượng phát sinh trên địa bàn 12 xã khoảng 11,75 tấn/năm. UBND huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã lắp đặt 397 bể để chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng. Đồng thời giao Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, định kỳ vận chuyển xử lý toàn bộ lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng tại các bể chứa đến khu xử theo quy định.
+ Đối với chất thải nguy hại phát sinh: Các cơ sở thu gom, phân loại, lưu giữ đảm bảo môi trường trước khi hợp đồng với các đơn vị có chức năng tại khu xử lý chất thải tập trung của tỉnh tại thị xã Phú Mỹ để vận chuyển và xử lý.
+ Về xử lý nước thải: Các điểm dân cư tập trung đều có hệ thống mương bê tông thoát nước mưa, nước thải và không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng gây ngập úng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn các xã đã xây dựng công trình xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
- 31.639/35.087 hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, đạt 90,17%. Nhà tiêu được xây dựng khép kín, chất thải nhà vệ sinh được xử lý trong các bể tự hoại, không thể tiếp xúc với người và động vật, tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân (virut, vi
khuẩn), không tạo môi trường cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh nở; không gây mùi hôi, khó chịu...Nhà tắm kín đáo có sàn cứng, tường bao, có mái che; nước thải nhà tắm được thu gom và xả vào hệ thống thoát nước chung của khu vực; không để chảy tràn ra môi trường. Nhà tiêu được xây dựng khép kín, đảm bảo về diện tích, chất thải nhà vệ sinh được thu gom trong các bể tự hoại. Nước sinh hoạt được người dân chứa trong bồn nhựa, INox có nắp đậy kín.
- Trên địa bàn 12 xã có 29.997 hộ chăn nuôi, trong đó: Có 3.024 hộ chăn nuôi trâu, bò (tổng đàn 12.060 con); 3.511 hộ chăn nuôi dê, cừu (tổng đàn 36.070 con); 104 hộ chăn nuôi thủy cầm (tổng đàn 237.900 con); 22.535 hộ chăn nuôi gà (tổng đàn 712.100 con) và 823 hộ chăn nuôi heo (tổng đàn 144.500 con). Các hộ chăn nuôi trên không thuộc đối tượng thực hiện các thủ tục môi trường, 100% hộ chăn nuôi có xây dựng hầm biogas hoặc hầm ủ, xử lý nước thải hoạt động theo mô hình VAC. Cơ bản chuồng trại đều nằm cách biệt với nhà ở và đường đi chung tối thiểu 05m, không phát sinh mùi khó chịu gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh. Chuồng trại được vệ sinh định kỳ đảm bảo phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, đạt 100%.
- Hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm: Trên địa bàn 12 xã, các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản thực hiện thống kê và ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/112/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT là 23.716/23.716 cơ sở, đạt 100%; tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm là 730 cơ sở/hộ gia đình, 100% tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) thực phẩm đã ký cam kết và tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, các chợ trên địa bàn được quy hoạch và kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm. Qua đánh giá, tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở SXKD thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm ở các xã đều đạt 100%.
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm, đạt 100%.