4. Kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới (theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ)
4.7. Tiêu chí số 07: Môi trường
a) Yêu cầu của tiêu chí
- Chỉ tiêu 7.1. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn.
- Chỉ tiêu 7.2. 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Tổ chức thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được xử lý đúng quy định, đảm nhận công việc thu gom vận chuyển rác thải.
- Các nội dung và khối lượng đã thực hiện:
+ Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện:
++ Về chất thải rắn sinh hoạt: Tổng lượng rác phát sinh mỗi ngày trên địa bàn huyện khoảng 90 tấn/ngày, vào các ngày lễ, tết do khách du lịch đông lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện rất lớn có thể lên tới 160 tấn/ngày. Khối lượng rác thu gom 65 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom tại địa bàn các
xã, thị trấn được vận chuyển đổ về 03 bãi trung chuyển (Bình Châu, Phước Tân, Phước Thuận), sau đó được Công ty TNHH DV-TM-XD Hùng Tấn vận chuyển trong ngày về khu xử lý rác tập trung Tóc Tiên - Phú Mỹ để xử lý (thuộc dự án “Bãi chôn lấp hợp vệ sinh chất thải công nghiệp không nguy hại công suất 1.000 tấn/ngày và chất thải thải rắn sinh hoạt công suất 700 tấn/ngày” trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên của Công ty TNHH KBEC Vina, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công tác bảo vệ môi trường). Số hộ còn lại do nằm xa khu dân cư, diện tích đất rộng đã được hướng dẫn xử lý chôn lấp hợp vệ sinh tại chổ, xử lý làm phân bón phục vụ trồng trọt, không phát tán ra môi trường xung quanh, với tổng lượng rác khoảng 25 tấn/ngày. Hàng năm, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được UBND huyện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện thông qua hình thức đấu thầu công khai.
++ Về chất thải rắn công nghiệp: Tổng lượng chất thải phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 15 tấn/năm, chủ yếu phát sinh từ các cơ sở dệt may, may mặc, gia công giày các loại và nguyên phụ liệu giày. Các cơ sở có phát thải thực hiện thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định. Một số chất thải có thể tái sử dụng, các cơ sở thực hiện tái sử dụng để giảm phát sinh ra môi trường.
++ Về chất thải nguy hại (không bao gồm lượng chất thải rắn y tế nguy hại): Khối lượng chất thải nguy hại tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát sinh không nhiều. Qua các đợt kiểm tra, hướng dẫn, chủ các cơ sở đã bố trí nơi lưu giữ đúng quy cách và hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý.
++ Về bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng: Tổng lượng phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 12 tấn/năm. UBND huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn lắp đặt 402 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Đồng thời giao phòng Tài nguyên - Môi trường hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, định kỳ vận chuyển xử lý toàn bộ lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các bể chứa.
++ Về chất thải rắn y tế: Khối lượng chất thải lây nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện, 13 Trạm Y tế, 70 phòng khám tư nhân và 02 phòng khám đa khoa là 14.311 kg/năm (trong đó bao gồm chất thải lây nhiễm sắc nhọn và không sắc nhọn, chất thải nguy hại không lây nhiễm), chất thải nguy hại không lây nhiễm trung bình 20 kg/năm, rác thải thông thường khối lượng trung bình 91.250
kg/năm. Từng loại chất thải y tế được phân loại riêng và được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH môi trường Quý Tiến để thu gom, xử lý; chất thải thông thường được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH DV-TM-XD Hùng Tấn để thu gom, xử lý 01 ngày/lần. Đến nay, 100% chất thải rắn y tế trên địa bàn huyện được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
++ Về khu xử lý chất thải rắn: Trên địa bàn huyện có 01 bãi chôn lấp tại xã Bưng Riềng hoạt động từ năm 2012. Ngày 22/8/2017, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động tập kết rác thải tại đây. Đến nay, toàn bộ khối lượng rác tồn đọng tại bãi rác Bưng Riềng đã được vận chuyển về khu xử lý rác tập trung Tóc Tiên - Phú Mỹ để xử lý.
++ Về nước thải: Nước thải y tế phát sinh tại Trung tâm Y tế huyện khoảng 22.500m3/năm, được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện. Các điểm dân cư tập trung đều có hệ thống rãnh thoát nước mưa, nước thải và không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng gây ngập úng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã xây dựng công trình xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
+ Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
++ Về hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường: Hiện có 321 cơ sở sản xuất kinh doanh đã lập thủ tục môi trường, trong đó: 42 cơ sở đăng ký Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; 67 dự án được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND huyện Xuyên Mộc xác nhận 71 Bản cam kết môi trường, 98 Đề án bảo vệ môi trường đơn giản, 38 bản Kế hoạch bảo vệ môi trường; Các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ, không thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Có hương ước, quy ước đối với từng khu dân cư với sự tham gia của tất cả các hộ, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định của địa phương đối với chất thải rắn, nước thải.
++ Về cơ sở nuôi trồng thủy sản: Trong quá trình nuôi, các cơ sở không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
++ Về chất thải chăn nuôi: Các trang trại chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như: xây dựng hầm biogas, hầm chứa có nắp đậy, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định. Chuồng trại chăn nuôi của hộ gia
đình nằm cách biệt với nhà ở, cách đường đi chung tối thiểu 5m, các hộ chăn nuôi có hầm chứa và các hộ còn lại chăn nuôi quy mô hộ gia đình nhỏ, lẻ không thuộc đối tượng lập thủ tục môi trường đã áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng hầm biogas, có công trình chuồng trại hợp vệ sinh, lắp quạt thông gió, trồng cây xanh xung quanh chuồng trại, không thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh.
++ Về Cụm công nghiệp: Trên địa bàn huyện đã hình thành khu chế biến hải sản tập trung tại xã Bình Châu; UBND huyện và Công ty IZICO đã thực hiện các thủ tục bàn giao tài sản công, đang bố trí di dời và tiếp nhận các cơ sở, hộ chế biến hải sản vào hoạt động; ngoài ra cụm các cơ sở chế biến tinh bột mì tại xã Hòa Hưng (gồm 03 cở sở Hữu Mình, Hương Nhung, Duy Phát) hoạt động theo mùa vụ, các cơ sở đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Hiện các cơ sở đang tiến hành lập các thủ tục pháp lý để được hoạt động chính thức.
++ Về Khu công nghiệp, làng nghề: Trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp, làng nghề.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt