dựng Cổng chào Sàigòn tại Úc Đại Lợi ~ Song Ngọc
Chủ nhật 29.6, Chùa Quang Minh thêm lần nữa trở thành mái nhà chung hội tụ người Việt làm việc nghĩa. Nhớ thuở xưa, Chùa Quang Minh, khởi đi từ mảnh đất nghèo, nhưng nhờ trái tim và công sức của biết bao người Việt hợp sức với những vị lãnh đạo tinh thần tại chùa, đã trở thành mái nhà chung tốt đẹp, góp phần bảo dưỡng đời sống của nhiều người, nhiều nơi, hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.
Buổi văn nghệ gây quỹ hỗ trợ người
nghèo tại Việt Nam đã thâu hút cả ngàn người Việt, già, trẻ, lớn, bé. Có cả các vị đại diện các tổ chức cộng đồng như ông Nguyễn Hữu An, ông La Khải Nguyên và các vị Mạnh Thường Quân. Người tham dự nghe giới thiệu tên tuổi của nhiều nhà bảo trợ nghe thấy thương như anh Đông Nguyễn (Beyond 2000), Bác sĩ Phạm Phúc Nhân, Bác sĩ Nghĩa, Dược sĩ Hiền, Dược sĩ Jenny, Cô Tâm Sở, Anh chị Lâm Thanh, Anh chị Kim Bình, anh Nguyễn Văn Hiếu, anh chị Duy Hương, anh chị
Thu Để, anh chị Tư Thuận, chị Mỹ, anh chị Thái Khang, chị Nguyễn Thị Phụng, cô Oanh Yes Travel, Anh chi Dung Ký, Lý hồng Phonecard, Kym Lee Fashions, Vũ sư Long Thủy, Vĩ Catering 501, Anh chị Mai (Shop Gà Footscray), Tiệm vàng Công thành… Cả ngàn người Việt ấy đang góp bàn tay nhân ái vì nhau, đang thực hành đại nguyện “thương người như thương mình”.
Hội trường chùa Quang Minh hôm ấy đông đúc, đơn giản, ồn ào tiếng nhạc tiếng người, chộn rộn người vào, người ra, văn nghệ, ăn uống, thoạt nhìn có lẽ ai cũng thấy không trang trọng gì lắm nhưng nếu nhìn kỹ và nghĩ sâu buổi văn nghệ gây quỹ có giá trị uy nghiêm trang trọng ở chỗ nhiều người đến để đáp ứng chính nghĩa giúp người của vị sư Trụ Trì, Hòa Thượng Thích Phước Tấn. Họ đến không phải vì chương trình văn nghệ hôm đó sẽ rất hay, rất tuyệt vời mà vì điều rất hay, rất tuyệt vời là giúp được những người nghèo khó ở quê nhà. Nhiều năm về trước, có thể khuôn mặt của nhiều người hiện diện in hằn nét hốc hác, khổ nhọc vì là thuyền nhân tỵ nạn mới đến Úc cần được giúp đỡ, nhưng ở buổi văn nghệ hôm ấy, những khuôn mặt hốc hác khổ nhọc ngày nào không còn nữa mà đã được thay thế bằng những khuôn mặt thể hiện niềm vui sống và nhất là tấm lòng rộng mở giúp người khốn khó như mình thuở xưa.