Chị Nguyễn Thị Thấm, sinh năm 1965 ở xã Hoàng Hanh, thành phố Hưng Yên, hiện nay là Chi hội trưởng phụ nữ thôn An Châu 2, ít ai biết rằng chị đã từ một phụ nữ nông dân nghèo khó vươn
lên trở thành nữ Giám đốc giỏi, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Chị Thấm chia sẻ: “Quê hương
tôi vốn là vùng đất bãi phù sa, cây ngô vừa thân thuộc, vừa dễ canh tác,
năng suất lại cao. Nhưng lại có nhược điểm là giá rẻ và đầu ra bấp bênh theo từng vụ. Ngô trồng trên đất bãi thơm ngon, giàu dinh dưỡng, nhưng vì “được mùa rớt giá” mà bán rẻ như cho, ảnh hưởng đến thu nhập, công sức của người nông dân”.
Từ 30 năm trước, chị đã bắt tay vào việc tiêu thụ ngô cho bà con địa phương. Ban đầu, chị mới chỉ “buôn thúng, bán mẹt”, mỗi ngày vài bao ngô nếp tươi, đem đi chợ trong tỉnh, rồi ngoại tỉnh bán làm quà cho khách. Phương châm của chị là mua ngô tận ruộng, bán đến tay người tiêu dùng, có giảm bớt các
Chị Thấm chia sẻ kinh nghiệm trồng cam với các chị em phụ nữ ở địa phương
khâu trung gian, nông dân mới có lãi cao. Chính vì thế, người trồng ngô trong thôn, trong xã ai cũng muốn bán cả ruộng ngô của nhà mình cho chị. Bôn ba nhiều tỉnh, thành phố trong nước, chị Thấm đã học hỏi được nhiều điều, trong đó chị luôn quan tâm đến việc tiêu thụ ngô, tiêu thụ nông sản hiệu quả và bền vững. Chị đã gặp gỡ những cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản có tiếng trong nước, nắm bắt tình hình sản xuất của họ, nhận thấy nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp vẫn chưa được đáp ứng, phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Mạnh dạn liên hệ, tìm mối hàng, chị đã “bắt tay” được với một số doanh nghiệp chuyên chế biến ngô nếp làm thực phẩm đóng túi, đóng hộp chất lượng cao, xuất bán trong nước và xuất khẩu. Không bỏ qua cơ hội, chị Thấm nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm ăn, biến nhà mình thành cơ sở thu mua, sơ
chế ngô nếp, sau đó xuất bán hạt ngô nếp tươi cho các doanh nghiệp.
Một mong muốn nữa của chị là giúp đỡ được các chị em phụ nữ ở địa phương có công ăn, việc làm, có thu nhập ổn định. Sau bao ngày trăn trở, từ năm 2016, chị Thấm đã trở thành bà chủ cơ sở sơ chế ngô nếp tươi có quy mô lớn trong tỉnh. Với nhu cầu ngày càng cao, chị đã tăng lượng lao động của cơ sở lên qua từng tháng. Đến nay, cơ sở của chị tạo việc làm ổn định cho 45 – 50 lao động, trong đó trên 90% người lao động là phụ nữ địa phương. Mỗi ngày cơ sở của chị sơ chế từ 3 – 5 tấn ngô nếp tươi, giá trị sản xuất đạt 20 – 40 triệu đồng/ngày, nhưng cung vẫn chưa đủ cầu. Từ các cánh đồng trồng ngô trong thôn, trong xã, trong tỉnh, chị liên hệ từ hộ sản xuất để thu mua sản phẩm ngay tại ruộng cho nông dân. Không những vậy, lao động tại cơ sở của gia đình chị được trả công tách hạt
ngô 1.200 đồng/kg, trung bình mỗi lao động có thể sơ chế được 1 tạ/ngày, tạo nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình nông thôn. Bà Lã Thị Sính, một lao động tại cơ sở sơ chế ngô của chị Thấm cho biết: “Công việc tách hạt ngô
khá nhẹ nhàng, sạch sẽ, giúp tôi có thu nhập quanh năm, lại có thêm phụ phẩm là bẹ ngô, lõi ngô để chăn nuôi”. 45 - 50 lao động, mỗi tháng có thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên, một số lao động chính có thu nhập cao gấp hai lần. Chị còn tạo mối liên kết với nông dân thông qua việc bán giống ngô nếp chất lượng cao HN88 với phương thức trả chậm cho các hộ có nhu cầu. Trên con đường phía trước, chị Thấm mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất, thành lập hợp tác xã chuyên sơ chế, tiêu thụ nông sản, đưa nông sản của quê hương tiến xa hơn nữa.
Tần tảo với công việc ở xưởng sản xuất là thế,
chị còn chuyển đổi gần 8 sào ruộng trồng cây ăn quả, nhưng chị Thấm luôn dành thời gian để tham gia các công tác xã hội của địa phương. Công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ
người nghèo, người già neo đơn… ở địa phương chẳng khi nào thiếu vắng tên chị. Hoạt động của thanh thiếu nhi mỗi dịp hè cũng được chị ủng hộ nhiệt tình. Hiện nay, chị Thấm
còn là chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ ca múa nhạc thôn An Châu 2, nơi luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng hát của những người phụ nữ thôn quê.
Vi Ngoan